(vhds.baothanhhoa.vn) - Khép lại cuộc thi “Học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” đã để lại cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc qua những câu chuyện giản dị về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Cuộc thi đã tạo nên hiệu ứng tích cực, lan tỏa, khắc sâu trong tiềm thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sức lan tỏa từ cuộc thi “Học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”

Khép lại cuộc thi “Học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” đã để lại cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc qua những câu chuyện giản dị về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Cuộc thi đã tạo nên hiệu ứng tích cực, lan tỏa, khắc sâu trong tiềm thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Sáng tạo trong cách thể hiện

Sau hai tháng triển khai thực hiện, với sự chỉ đạo sâu sát, tích cực của cấp ủy các cấp, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã có gần 200 hội thi cấp cụm (mỗi cụm từ5 đến 10 đơn vị tổ chức cơ sở Đảng tham dự) và chung kết cuộc thi cấp huyện. Đã có trên 1.000 đội thi của các Đảng bộ xã, phường, thị trấn, các chi bộ, Đảng bộ trực thuộc huyện, thị, thành ủy tham gia với tổng số thí sinh trực tiếp tham gia là gần 4.000 người. Số người tham gia sân khấu hóa, múa phụ họa cũng lên tới hàng ngàn người, trong đó số lượng người cổ vũ ở mỗi cụm là 200 người, số người cổ vũ tại cuộc thi chung kết cấp huyện lên tới 300 - 400 người/cuộc thi. Đó là những con số ấn tượng, cho thấy sự lan tỏa sâu rộng từ cuộc thi đối với đông đảo cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh.

Ông Lê Như Tuấn - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Quảng Xương chia sẻ: Khi bắt đầu triển khai cuộc thi, nhiều người nghĩ là khô, khó có thể thành công. Nhưng thực tế tổ chức vượt qua được khuôn khổ cuộc thi. Có những bác 70, 80 tuổi vẫn hăng say tập luyện, những người không đi thi được nhưng làm cố vấn cho con cháu để xây dựng những tiết mục đặc sắc. Ở nhiều cuộc thi này không nặng chuyện giải thưởng, mà thông qua những bài thi ai cũng muốn thể hiện sự tôn kính và lòng biết ơn sâu sắc với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chưa có cuộc thi nào ở huyện lại có sự nghiêm túc trong thực hiện, mang khả năng thu hút và xúc động như cuộc thi này. Thành công của cuộc thi ở chiều sâu chứ không phải hiệu quả như nhiều cuộc thi khác.

Nhiều đội thi đã có những sáng tạo trong cách thể hiện. Sáng tạo không chỉ trong thuyết trình, trả lời câu hỏi mà tạo nền phụ họa và màn chào hỏi sân khấu hóa, tạo sức cuốn hút người xem, không nhàm chán. “Để cuộc thi đảm bảo nghiêm túc, trước hội thi, BTC yêu cầu các đội thi chuẩn bị bài thuyết minh. Đồng thời, để đáp ứng được nhu cầu đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân theo dõi, đài truyền thanh, truyền hình thị xã đã phát thanh trực tiếp đến tận từng khu dân cư” ôngLê Văn Tuấn - Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Bỉm Sơn cho biết.

Huyện Quảng Xương, TX Bỉm Sơn là hai trong rất nhiều đơn vị trong toàn tỉnh chuẩn bị chu đáo, thực hiện nghiêm túc, tích cực luyện tập cuộc thi. Từ cuộc thi cơ sở đến cuộc thi chung kết cấp tỉnh, hiếm có cuộc thi nào thu hút được đông đảo các thành phần tham gia dự thi đến như vậy. Họ có thể là những cán bộ cơ quan hành chính Nhà nước, cơ quan Đảng, lực lượng vũ trang, cán bộ ngân hàng, viên chức Nhà nước, cũng có nhiều người dân chân lấm, tay bùn, học sinh, sinh viên.

Điều đáng quý là có rất nhiều đồng chí là đảng viên 50 năm tuổi Đảng, cán bộ hưu trí, cựu chiến binh cao tuổi trên 70 tuổi nhưng vẫn tích cực tham gia. Xúc động biết bao nhiêu là hình ảnh của các bác Vũ Quốc Bảo, cán bộ hưu trí xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy; bác Nguyễn Sỹ Tuấn là cựu chiến binh ở xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thuỷ là đội trưởng đội thi và còn làm thơ ca ngợi quê hương đổi mới, ca ngợi cuộc thi học tập Di chúc của Hồ Chí Minh. Bác Trần Công Thế, cán bộ hưu trí xã Thiệu Viên, huyện Thiệu Hóa gần 70 tuổi cũng tham gia thi và góp nhiều tiết mục văn nghệ tạo không khí phấn khởi cho cuộc thi các cấp. Bằng lòng say mê, tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm nên những thí sinh cao tuổi vẫn dự thi với tất cả khả năng, kinh nghiệm của những người từng trải. Nhiều thí sinh là đoàn viên thanh niên ưu tú (chưa phải là đảng viên) cũng tham gia tích cực...

Bản thân những người tham gia cuộc thi cũng có lúc nghẹn ngào, nhiều người khi xem, nghe cũng rưng rưng nước mắt khi nghe kể những câu chuyện xúc động về Bác. Nhiều bài thi ấn tượng tốt như phần múa phụ họa thuyết trình và múa phụ họa của 12 diễn viên không chuyên đội Công an tỉnh, đơn vị đạt giải Nhất cuộc thi cấp tỉnh. Một lần nữa, hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân lại được khắc họa sâu sắc qua thực hiện 6 Điều Bác dạy Công an nhân dân và lồng ghép vào phần thuyết trình là hình ảnh đồng chí Thao Văn Súa, Trưởng Công an xã Nhi Sơn (Mường Lát) đã hy sinh khi xuống bản vận động nhân dân di dời khỏi nơi có nguy cơ sạt lở, tránh lũ trong cơn bão số 3 vừa qua.

Nhân lên những giá trị tốt đẹp

Trên cơ sở kế hoạch, thể lệ của tỉnh, hầu hết các huyện, thị xã, thành phố và các Đảng bộ trực thuộc tỉnh đã chủ động, cụ thể hóa kế hoạch cuộc thi triển khai cuộc thi phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị. Ngay sau khi được thành lập, Ban tổ chức cuộc thi của các huyện, thị, thành phố, các Đảng bộ trực thuộc đã triển khai phân công nhiệm vụ và phát động triển khai cuộc thi đến tất cả các tổ chức cơ sở Đảng, MTTQ, các đoàn thể và ngành giáo dục. Các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc, đoàn thể, ngành giáo dục cấp huyện đã triển khai cuộc thi phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Ban tổ chức cuộc thi cấp huyện đã phân cụm các đội thi thuộc các khối xã, phường, thị trấn, khối các cơ quan, khối lực lượng vũ trang và khối các chi bộ trực thuộc, sau kết thúc vòng thi cụm để chọn các đội thi xuất sắc vào thi chung kết. Nhiều cơ sở Đảng trực thuộc đã tổ chức cuộc thi cấp cơ sở, cuộc thi cấp cụm tạo không khí vui tươi, phấn khởi, tích cực học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đơn vị. Sau khi các huyện, thị, thành phố, các Đảng bộ trực thuộc tỉnh triển khai nội dung cuộc thi, các tổ chức cơ sở Đảng ở cơ sở đã chuẩn bị chu đáo, tham gia thi nghiêm túc, tích cực luyện tập. Nhiều đội dự thi chuẩn bị rất công phu các phần thi, nhiều đội chuẩn bị hoạt cảnh, sân khấu hóa cho phần trình bày với vài chục người tham gia phụ họa.

Đánh giá về cuộc thi, đồng chí Nguyễn Văn Chính - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết: Các đội dự thi đã đầu tư nghiên cứu, luận giải các vấn đề có tính định hướng tư tưởng cho người nghe, thể hiện sự hiểu biết sâu sắc nội dung Di chúc, phân tích, liên hệ bản thân và đơn vị trong thực hiện Di chúc. Phần lớn các thí sinh có phong cách diễn đạt tự tin, làm chủ kiến thức, phương pháp thuyết trình mạch lạc, có điểm nhấn, tạo sự chú ý, lôi cuốn người nghe. Đồng thời có sự liên hệ với trách nhiệm của cá nhân, đơn vị mình để người nghe hiểu sâu sắc hơn về Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Cuộc thi “Học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” đã khẳng định ý thức trách nhiệm, lòng tự hào của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về học tập và làm theo Di chúc của Bác nói riêng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05 ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII. Qua đó, phát huy truyền thống tốt đẹp, lòng tự hào về vùng đất, con người xứ Thanh trong 50 năm thực hiện Di chúc của Bác để tạo nên động lực to lớn để nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, phấn đấu xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu như tâm nguyện của Bác Hồ khi Người lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa 20/2/1947.

Trung Hiếu

Hoàng Lường Tùng - Phó Bí thư Đoàn xã Quảng Khê, huyện Quảng Xương:

Học Bác từ những điều giản dị

Hoàng Lường Tùng - Phó Bí thư Đoàn xã Quảng Khê, huyện Quảng Xương đạt giải Nhất cuộc thi cấp huyện về “Học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Ngay khi còn là sinh viên Hoàng Lường Tùng luôn xác định mình cần học tập và làm theo Bác ngay từ những việc làm bình thường và giản dị hàng ngày. Với suy nghĩ đó nên anh đã không ngừng học tập, hoàn thiện mình. Tốt nghiệp Khoa Giáo dục chính trị, Học viện Báo chí tuyên truyền và học lên Cao học chuyên ngành Xây dựng Đảng nên từ khi còn là sinh viên Hoàng Lường Tùng đã tìm hiểu về Bác rất nhiều. Với lợi thế được tham gia học các bài giảng do GS Hoàng Chí Bảo giảng dạy các nghị quyết, chuyên đề về tư tưởng Hồ Chí Minh. Sau những lần nghe giảng về Bác, Hoàng Lường Tùng lại về tìm đọc thêm nhiều tài liệu khác. Khi về công tác tại xã Quảng Khê với chức vụ Phó Bí thư Đoàn xã, với tuổi đời còn trẻ, tuy nhiên Hoàng Lường Tùng đã được địa phương tin tưởng và chọn là người đại diện cho xã đi thi cuộc thi “Học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” ở cấp huyện và Tùng đã suất sắc dành được giải Nhất.

Trong công tác xây dựng Đảng, Phó Bí thư Đoàn xã Hoàng Lường Tùng luôn quan tâm tới việc tuyên truyền, giúp đỡ đoàn viên phấn đấu trở thành đối tượng của Đảng. Nhiệt tình, nhiệt huyết trong triển khai nhiệm vụ, sáng tạo trong tổ chức hoạt động nhằm thu hút, tập hợp đông đảo ĐVTN, hướng đối tượng trẻ đến những sinh hoạt cộng đồng lành mạnh.

Thông qua cuộc thi Tùng cho biết: “Trong bản Di chúc của mình, sau khi nói về Đảng, Người đã dành tình yêu thương, sự quan tâm và niềm tin sâu sắc đối với thế hệ trẻ - những người chủ nhân tương lai của đất nước, người kế tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của thế hệ cha anh đi trước. Càng nghiên cứu Di chúc của Bác, bản thân tôi càng thấm thía và hiểu rõ từng lời, từng chữ Bác đã dụng tâm viết để lại cho thanh niên, trong đó gửi gắm nhiều niềm tin và kỳ vọng. Việc học tập Bác không ở đâu xa mà ngay những việc làm cụ thể, những việc tốt trong cuộc sống. Với hoạt động Đoàn cấp xã những công việc Bác nói về đoàn thanh niên tôi áp dụng ngay. Cụ thể đối với xã Quảng Khê thì phong trào đoàn viên tham gia vệ sinh đường làng ngõ xóm, lực lượng chủ lực trong các phong trào hoạt động văn hóa, văn nghệ của xã... luôn được các đoàn viên tham gia tích cực và đạt hiệu quả cao”.

Lan Hoàng

Nguyễn Thị Khanh - Phó phòng GD&ĐT huyện Yên Định:

Tôi học theo Bác tính tiền phong gương mẫu trong mọi hoạt động

Với ý chí luôn khắc phục khó khăn, vươn lên nên dù ở vai trò, nhiệm vụ nào, cô giáo Nguyễn Thị Khanh - Phó phòng GD&ĐT huyện Yên Định, cũng luôn hoàn thành bằng cả cái tâm và lòng nhiệt huyết.

Nói về cảm xúc khi được chọn tham dự cuộc thi cô cho biết: Là người đại diện cho đội UBND huyện Yên Định tham dự cuộc thi hơn nữa lại với vai trò là người thuyết trình và đảm nhiệm vai chính cô rất vinh dự và tự hào.

Ngoài phần chính thì theo cô Khanh ấn tượng nhất với phần phụ, ở phần này cô thấy việc học và làm theo Bác gần gũi hơn bao giờ hết. Không chỉ với cuộc thi mà ngay cả ngoài thực tiễn cuộc sống, cô luôn có ý chí biết khắc phục khó khăn. Ở vai trò, nhiệm vụ nào cô cũng luôn hoàn thành bằng cả cái tâm và lòng nhiệt huyết. Suốt mấy chục năm theo ngành giáo dục cô đã không ngừng tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp, tham khảo các loại tài liệu, sách báo để nâng cao kiến thức, kỹ năng của mình. Trong công tác cô luôn bám sát vào kế hoạch và nhiệm vụ năm học của ngành và ứng dụng nhạy bén những thành quả từ những năm học trước để xây dựng cho bản thân một kế hoạch hoạt động cụ thể. Tham mưu cùng Ban giám hiệu nhà trường, các bộ phận chức năng, các ban ngành, đoàn thể cũng như đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp học để làm nên sự thành công của phong trào đội, nhóm của nhà trường. Đặc biệt, cô đã lồng ghép giáo dục kỹ năng sống, để giáo dục đạo đức, giúp các em có ý thức hơn trong học tập và cuộc sống sau này.

Tôi xác định học tập Bác Hồ không phải là học việc gì lớn lao. Học tập Bác Hồ về tác phong bình dị, giản dị, phong cách làm việc biết kính trên, nhường dưới, vì mọi người. Bên cạnh đó là học theo Bác tính tiền phong gương mẫu trong mọi hoạt động. Bởi thế suốt bao nhiêu năm qua, cô Khanh luôn là một cô giáo gương mẫu, luôn ý thức và đi đầu thực hiện khẩu hiệu của ngành giáo dục: Mỗi thầy cô giáo là tấm gương tự học - sáng tạo. Học tập và làm theo tấm gương của Bác, cô là tấm gương để đồng nghiệp học tập, học sinh noi theo.

Nguyễn Đạt

Cô giáo Trần Thị Hường - Trường mầm non xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh: Di chúc của Người mãi sáng soi cho thế hệ trẻ học tập, noi theo

Cô giáo Trần Thị Hường (người đứng giữa), một trong 3 thí sinh của xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh đạt giải Nhất cuộc thi Học tập Di chúc của Hồ Chí Minh cấp huyện.

Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã để lại nhiều tài sản vô giá, một trong số đó là bản Di chúc thiêng liêng, quý báu. Trải qua 50 năm, lời dặn dò trong bản Di chúc luôn là lời nhắc nhở, động viên, cổ vũ lớn lao cho biết bao thế hệ con người Việt Nam.

Trong bản Di chúc, ngoài những lời căn dặn Đảng và Nhà nước cùng toàn thể nhân dân, Bác cũng dành một góc nhỏ để nói về thanh niên, những chủ nhân tương lai của đất nước.

Đối với thế hệ thanh thiếu niên, Di chúc của Bác như “ánh đèn soi sáng”, giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ. Trong thời đại công nghệ 4.0, thanh niên phải không ngừng nỗ lực học tập, là lực lượng xung phong, xung kích với kiến thức và kỹ năng để bắt kịp xu thế mới.

Bác đã từng nói “vai trò của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là cực kỳ quan trọng; khẳng định đây là đội hậu bị của Đảng, là người chủ tương lai của đất nước...”.

Bản thân chúng tôi, luôn không ngừng rèn luyện, phát huy khả năng, sức lực cống hiến hết mình cho đất nước.

Trong cuộc cách mạng công nghệ số 4.0 bùng nổ mạnh mẽ, với nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, thế hệ trẻ phải cố gắng tu dưỡng đạo đức, lối sống, phong cách, học tập, tự rèn luyện, phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo.

Người thanh niên thế hệ mới, không chỉ dừng lại ở mức độ hài lòng về những gì mình làm được, không lùi bước trước khó khăn, thách thức. Mà còn phải chấp nhận, xông pha, đương đầu, dám nghĩ, dám làm, dám hi sinh, chịu trách nhiệm...

Khi tham gia cuộc thi, tôi không khỏi tự hào, xúc động, bởi đây là một trong những hoạt động thiết thực nhằm tuyên truyền, khuyến khích việc đi sâu tìm hiểu ý nghĩa, nội dung cốt lõi của Di chúc.

Đồng thời, thông qua cuộc thi, tiếp tục khơi dậy niềm tự hào, phấn khởi của thế hệ trẻ, quyết tâm học tập, rèn luyện, thi đua học tập và làm theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh.

Thông qua thực hiện Di chúc Bác Hồ, thế hệ trẻ chúng tôi trong đời sống cũng như công việc sẽ luôn nỗ lực hết mình, ra sức học tập, phấn đấu,hoàn thiện bản thân, biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến của bạn bè, gia đình, đồng nghiệp; tiếp tục học tập, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống...

Trung Lê

Trung úy Mai Văn Hưng - Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Thanh Hóa:

Cảm nhận rõ phần máu thịt của Tổ quốc thức dậy trong mình

Trung úy Mai Văn Hưng (người đứng ngoài cùng bên phải) đạt giải Nhất cụm 2 cuộc thi cấp tỉnh.

Đạt giải Nhất cụm 2, cuộc thi “Học tập Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” cấp tỉnh, Trung úy Mai Văn Hưng và đồng đội của mình thêm hiểu sâu sắc về cuộc đời sự nghiệp của Bác, cũng như nhận rõ trách nhiệm lớn lao của một đoàn viên thanh niên đứng trong lực lượng công an.

Anh Hưng chia sẻ cảm xúc khi tham gia cuộc thi: Tôi luôn nhận thức rằng Di chúc mà Bác Hồ để lại cho chúng ta là một văn kiện lịch sử, một tài sản tinh thần vô giá, kết tinh toàn bộ tinh hoa tư tưởng, tâm hồn và đạo đức vô cùng trong sáng, đẹp đẽ của một lãnh tụ rất đời thường mà vĩ đại, suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Muốn hiểu Di chúc của Bác, trước tiên phải hiểu con người, sự nghiệp của Bác. Vì vậy, tôi cùng đồng đội tìm tòi các tư liệu, nghiên cứu về con người và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thư viện tỉnh. Đồng thời, tham khảo thêm các tài liệu trên internet về các bài viết, bài nghiên cứu của các giáo sư, tiến sỹ chuyên nghiên cứu về Bác, cũng như các bài viết, bài phân tích của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Nghiên cứu Lịch sử Thanh Hóa... được đăng tải công khai trên mạng.

Ấn tượng nhất trong bài dự thi của Hưng là sự thuyết trình tự tin, mạnh mẽ nhưng vô cùng tình cảm. Câu trả lời của Hưng, ngoài sự hiểu biết chính xác, thông tuệ về các mốc thời gian, sự kiện lịch sử còn thể hiện sự kính yêu của một đoàn viên thanh niên, sự kính trọng của một chiến sỹ công an và niềm tự hào của một người con Việt Nam dành cho Bác.

Trên cương vị là một cán bộ Phòng An ninh kinh tế, Hưng tâm sự “sẽ mãi mãi trung thành với Đảng, với nhân dân. Qua cuộc thi, mình càng nhận thức rõ được trách nhiệm nặng nề của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, trong sự “vươn mình ra khơi” của xứ Thanh nói riêng. Với lòng thành kính và biết ơn vô hạn, tôi tự hứa sẽ nỗ lực phấn đấu không ngừng để góp phần xây dựng Thanh Hóa ngày càng giàu đẹp, văn minh, trở thành tỉnh kiểu mẫu như lúc sinh thời Bác hằng mong muốn”.

Theo Trung úy Mai Văn Hưng những lời căn dặn, chỉ bảo của Bác trong Di chúc cho chúng ta thêm yêu quê hương, đất nước, cảm nhận rõ phần máu thịt của Tổ quốc thức dậy trong mình. Dư âm để lại sau cuộc thi đã thắp sáng thêm bầu nhiệt huyết trong trái tim của những thí sinh tham dự nói riêng và nhân dân xứ Thanh nói chung, mong muốn đặt trọn niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền để mỗi người dân tiếp tục rèn luyện, cống hiến cho sự nghiệp phát triển của tỉnh Thanh Hóa.

Vân Anh

Nhóm P.V


Nhóm P.V

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]