(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong thời đại số hóa, mạng xã hội đã trở thành chiếc cầu nối kỳ diệu vượt qua khoảng cách địa lý, nhưng đồng thời cũng tạo nên những vực sâu ngăn cách tâm hồn giữa các thế hệ sống dưới cùng một mái nhà. Thay vì để công nghệ tạo rào cản, chúng ta có thể biến nó thành cơ hội để các thế hệ hiểu nhau hơn và xích lại gần nhau.

Tác động của mạng xã hội đến mối quan hệ giữa các thế hệ

Trong thời đại số hóa, mạng xã hội đã trở thành chiếc cầu nối kỳ diệu vượt qua khoảng cách địa lý, nhưng đồng thời cũng tạo nên những vực sâu ngăn cách tâm hồn giữa các thế hệ sống dưới cùng một mái nhà. Thay vì để công nghệ tạo rào cản, chúng ta có thể biến nó thành cơ hội để các thế hệ hiểu nhau hơn và xích lại gần nhau.

Tác động của mạng xã hội đến mối quan hệ giữa các thế hệ

Người già đang nỗ lực sử dụng điện thoại thông minh, tiếp cận với mạng xã hội để “không bị bỏ lại phía sau”.

Trong căn nhà nhỏ tại khu dân cư ở phố Trường Sơn, phường Quảng Thịnh (TP Thanh Hóa), bà Lê Thị Minh, 75 tuổi đang tập trung vào chiếc điện thoại thông minh. Ngón tay của bà lướt nhẹ trên màn hình, thỉnh thoảng dừng lại khi gặp biểu tượng lạ. “Cháu ơi, làm sao để gửi ảnh cho cô Nhung?” - bà gọi hỏi cô cháu gái đang ngồi ở tầng trên. Đây không còn là hình ảnh hiếm gặp trong xã hội hiện đại, khi ranh giới công nghệ giữa các thế hệ đang dần bị xóa nhòa.

Theo báo cáo của We Are Social, Việt Nam hiện có 72,7 triệu người sử dụng mạng xã hội vào tháng 1/2024, tương đương với 73,3% tổng dân số. Điều đáng chú ý là nhóm người dùng trên 55 tuổi đã tăng vọt 32% so với năm trước. Facebook, zalo, tiktok không còn là “đặc quyền” của giới trẻ, mà đã trở thành mảnh ghép không thể thiếu trong cuộc sống của cả những người lớn tuổi.

“Trước đây tôi nghĩ mạng xã hội chỉ dành cho giới trẻ, nhưng khi con gái tôi mua cho cái điện thoại thông minh, tôi đã học cách sử dụng mạng xã hội để các con gọi về còn nhìn thấy chúng mỗi ngày” - bà Minh chia sẻ với ánh mắt rưng rưng. Rồi bà Minh hồi tưởng: "Trước đây chưa có internet, chồng tôi đi công tác xa, mỗi năm mới được về thăm nhà một vài lần, tất cả liên hệ đều qua thư viết tay. Giờ thì khác lắm rồi, mạng xã hội đã thu hẹp khoảng cách địa lý, mang lại những cuộc hội ngộ ảo mà trước đây không thể tưởng tượng được".

Mạng xã hội như một chiếc cầu nối kỳ diệu, đưa những người thân xa cách lại gần nhau hơn. Chị Nguyễn Thu Hương, 40 tuổi, hiện đang làm việc tại Đức, kể: "Mỗi sáng tôi đều video call về nhà. Dù cách nửa vòng trái đất, tôi vẫn thấy rõ vườn rau đang đổi màu theo mùa, vẫn nghe được tiếng chim hót trên cây và nhìn thấy nếp nhăn mới trên gương mặt mẹ". Những buổi họp mặt gia đình trực tuyến, những album ảnh được chia sẻ, hay đơn giản là những tin nhắn chúc ngủ ngon đã trở thành nghi thức gắn kết mới của gia đình hiện đại.

Thế nhưng, đồng tiền nào cũng có hai mặt. Khi các bậc phụ huynh, ông bà bắt đầu “xâm chiếm” “lãnh địa” vốn được xem là của giới trẻ thì nảy sinh ra nhiều mâu thuẫn, hiểu lầm. Em Minh Lâm, sinh viên năm thứ ba Đại học Ngoại thương tâm sự: “Facebook của em giờ có hai tài khoản - một để gia đình theo dõi, nơi em đăng những bức ảnh đi học, đi làm, và một tài khoản kín chỉ để bạn bè thân thiết xem, nơi em thực sự là chính mình”. Qua trao đổi với các bạn trẻ, chúng tôi được biết có rất nhiều bạn trẻ đã tạo “tài khoản phụ” để tránh ánh mắt giám sát của phụ huynh.

Ông Thanh Thủy, 85 tuổi, ở TP Thanh Hóa, lắc đầu ngao ngán: "Cả nhà năm người ngồi ăn cơm như năm hòn đảo biệt lập. Ai cũng cắm mặt vào điện thoại, thỉnh thoảng cười một mình, rồi lại lướt tiếp. Cháu nội tôi 7 tuổi đã thuộc làu làu những bài hát trên tiktok, nhưng lại không thuộc nổi bài thơ trong sách giáo khoa".

Ông Thủy chia sẻ thêm: "Thế hệ chúng tôi lớn lên, gặp gỡ nhìn thẳng vào mắt nhau để nói chuyện. Còn giới trẻ bây giờ dường như chỉ biết giao tiếp qua màn hình. Đơn cử như, tôi có đứa cháu gái năm nay 27 tuổi rồi mà không thấy nó ra khỏi nhà đi chơi. Khi hỏi, nó bảo cần thì gọi điện hoặc nhắn tin qua zalo là được, việc gì phải mất thời gian gặp nhau. Đôi khi sống trong một nhà mà các cháu tôi mỗi đứa một phòng, đóng cửa lại. Có việc gì chúng nó cũng chỉ nhắn tin cho nhau, thay vì nói chuyện trực tiếp".

Không chỉ cách thức giao tiếp, ngôn ngữ trên mạng xã hội cũng tạo ra hố sâu văn hóa giữa các thế hệ. “Cháu tôi nhắn tin toàn “ok“, “bùng”, “đu trend”, “phèn”... gì đó, đọc mà đau cả đầu" - bà Minh thổ lộ. Tiếng lóng, biểu tượng hình ảnh và cả những trào lưu thay đổi chóng mặt trên mạng khiến nhiều người lớn tuổi cảm thấy như lạc vào một thế giới khác. Trong khi đó, những bài đăng dài, đầy hoài niệm và bài học cuộc sống của thế hệ cha mẹ lại bị con cái xem là “sáo rỗng” hoặc “lỗi thời”.

Em Thanh Hà, 23 tuổi, ở TP Thanh Hóa, chia sẻ: "Mẹ em thích chia sẻ những bài viết về sức khỏe, về các mẹo vặt mà không kiểm chứng nguồn gốc. Nhiều lần em góp ý, nhưng mẹ lại cho rằng em không tôn trọng kinh nghiệm của người đi trước. Thế là mẹ với em lại xung đột với nhau".

Tuy nhiên, không phải tất cả đều là tiêu cực. Mạng xã hội cũng mở ra cơ hội để các thế hệ hiểu nhau hơn, đặc biệt khi được sử dụng một cách có ý thức. Một số bạn trẻ đã lập một kênh youtube, tiktok để ghi lại những câu chuyện dân gian, những món ăn truyền thống của ông cha hay cách sử dụng ngôn ngữ địa phương. Những nội dung như vậy đã trở thành cầu nối văn hóa quý giá, giúp thế hệ trẻ kết nối với cội nguồn và người lớn tuổi cảm thấy được tôn trọng, được lắng nghe.

Mạng xã hội có thể được ví như một tấm gương phản chiếu, cho chúng ta nhìn rõ xã hội hiện tại. Nếu biết cách sử dụng đúng đắn, nó còn có thể giúp mọi người hiểu nhau hơn, từ đó giảm bớt khoảng cách giữa các thế hệ. Vì vậy, hiện nay nhiều gia đình đã bắt đầu thiết lập những quy tắc để cân bằng giữa thế giới thực và thế giới số. Chị Ngân Huyền, 40 tuổi, giáo viên tiểu học, kể: "Mỗi tối, cả nhà tôi đều để điện thoại vào một chỗ. Sau bữa cơm, chúng tôi cùng xem những video vui vẻ trên youtube hoặc tiktok trên ti vi. Mạng xã hội trở thành trải nghiệm chung của cả gia đình, thay vì tách biệt mỗi người vào một thế giới riêng".

Và, để tiếp cận với công nghệ số, theo kịp lối sống hiện đại của con, cháu trong gia đình, nhiều người già hiện nay đã phải học cách sử dụng máy tính, điện thoại thông minh để liên lạc với con cháu ở xa, hoặc kết nối, thăm hỏi những người bạn xưa kia. Họ, với bàn tay run rẩy và đôi mắt mờ dần theo năm tháng, vẫn kiên trì nhấn từng nút, học từng thao tác để không bị thời đại bỏ lại phía sau.

Khoảng cách thế hệ luôn tồn tại trong mọi xã hội, nhưng trong kỷ nguyên số, ranh giới đó vừa được làm rõ nét hơn, vừa có cơ hội được xóa nhòa. Với xu hướng người cao tuổi ngày càng thành thạo công nghệ và người trẻ ngày càng có ý thức về việc sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm, tương lai của mối quan hệ giữa các thế hệ có thể sẽ tích cực hơn.

Thách thức lớn nhất không phải là công nghệ, mà là tâm thế khi tiếp cận công nghệ. Nếu cha mẹ, ông bà tiếp cận mạng xã hội với tâm thế hiểu biết, tôn trọng không gian riêng tư của con cái, và nếu thế hệ trẻ dành thời gian để hướng dẫn, chia sẻ với người lớn tuổi, mạng xã hội sẽ trở thành cầu nối thay vì rào cản.

Trong bức tranh tổng thể, mạng xã hội đang và sẽ tiếp tục định hình lại cách các thế hệ tương tác, hiểu biết và đánh giá lẫn nhau. Nó không phải là “thủ phạm” hay “cứu tinh” cho mối quan hệ gia đình, mà chỉ là công cụ - và như mọi công cụ khác, giá trị của nó phụ thuộc vào cách chúng ta sử dụng. Với sự cân bằng giữa kỹ thuật số và thực tế, giữa truyền thống và hiện đại, mạng xã hội có thể trở thành yếu tố gắn kết các thế hệ trong kỷ nguyên số này.

Bài và ảnh: Ngân Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]