Tấm bản đồ tìm đến sự thịnh vượng
Giống như khi đi tìm kho báu, để khởi đầu hành trình đến đích giàu có, bạn luôn cần có tấm bản đồ chính xác. “Những quy tắc để giàu có” của tác giả Richard Templar chính là tấm bản đồ như thế. Trong cuốn sách này, tác giả sẽ dẫn dắt mọi người bắt đầu từ suy nghĩ, thay đổi trong tư duy, tiến đến sự thịnh vượng và đích đến là chia sẻ sự thịnh vượng.
Richard Templar có thể được coi là bậc thầy của các quy tắc, nguyên lý. Sách của ông đa dạng, từ thiết lập quy tắc trong đời sống hôn nhân, kiếm tìm hạnh phúc lứa đôi, nguyên tắc trong công việc và đặc biệt là nguyên tắc tiến tới sự thịnh vượng. 100 quy tắc được đưa ra trong cuốn sách được tác giả thiết kế thành 5 phần như một hành trình tìm đến kho báu của giàu có. Bắt đầu từ việc phải sở hữu và từng bước thay đổi để bản thân có suy nghĩ tích cực trong làm giàu, đến xây dựng kế hoạch, kiểm soát nguồn tài chính, tới việc trở nên giàu có hơn, bắt tài sản làm việc cho mình, rồi trở nên giàu có hơn. Cuối cùng là hành trình chia sẻ sự giàu có và phần bổ sung mới thực sự thú vị: quy tắc cần phải làm rõ trong quan hệ với tiền của người khác.
Có một sự thật rất đơn giản mà tác giả hé lộ: những người giàu có thường hiểu và làm được những việc mà chúng ta không làm. Từ tư tưởng cho tới hành động thực tế, họ luôn đi theo những quy tắc ứng xử. Những quy tắc này khiến họ trở nên khác biệt với những người khác. Cuốn sách này hệ thống hóa bản chất hành động đó.
Trước khi tìm đến với cuốn sách này, tôi từng khá bảo thủ khi cho rằng tiền bạc không liên quan đến hạnh phúc. Có lẽ bây giờ tôi đã phải đính chính lại: bạn sẽ không thật sự hạnh phúc nếu sống trong đói nghèo mãi mãi. Tuy nhiên, sẽ thật là trọn vẹn và tuyệt vời nếu bạn biết cách làm giàu hợp pháp, khiến cuộc sống của bản thân dễ chịu và thoải mái hơn. Suy nghĩ giàu có không phải sở hữu của riêng ai, và tất nhiên, quyền làm giàu là vô cùng chính đáng với mọi công dân, luôn là như vậy.
Tác giả rất thú vị và thông minh khi chỉ ra rằng: đừng trông đợi quá nhiều vào tiền bạc và đừng mua một món đồ nào đó chỉ với hy vọng rằng nó sẽ làm bạn hạnh phúc - tất nhiên là không thể. “Tiền có thể giúp bạn tránh mua phải những điều bất hạnh” - nó không thể làm gì nhiều hơn.
Một điều chúng ta cần phải nằm lòng đó là: một thứ chỉ thực sự có giá trị khi ai đó sẵn sàng mua nó. Và một điều nữa, chúng ta cũng cần phải thay đổi: nếu còn yêu thích những điều lượm lặt thì rõ ràng bạn sẽ chẳng bao giờ đạt đến đỉnh cao của sự giàu có. Cần phải tiếp tục học hành chăm chỉ trong trường đại học nếu muốn tốt nghiệp. Đã đến lúc, nếu ai đó muốn giàu có thì phải đưa ra sự lựa chọn tiền bạc hay sự phù phiếm.
Bắt đầu tiết kiệm từ khi còn trẻ, nếu điều này là quá muộn thì hãy dạy các con bạn. Bạn phải làm việc thật chăm chỉ để trở nên giàu có đến mức không phải chăm chỉ nữa. Đây là hai trong vô số các quy tắc khiến những bạn đồng nghiệp của tôi vô cùng hào hứng để cùng đọc cuốn sách này mỗi khi có thời gian rỗi. Có thể với mỗi người sẽ tự tìm đến cho mình một quy tắc, song điều luôn đúng đó là không ai có thể thực hành tốt nếu chỉ sử dụng một quy tắc.
Có những dòng chữ rất nhỏ, xen lẫn trong các quy tắc mà bản thân tôi vô tình đọc đến, tôi thấy thấm thía vô cùng: Bạn phải làm việc như thể chưa từng làm việc trước đó. Làm việc như thể không ai nhìn thấy. Làm việc như thể bạn không có ông chủ nào. Làm việc như thể đó là lẽ sống của cuộc đời bạn. Đó chính là tâm thế đầu tiên và cũng là tâm thế quyết định nhất cho hành trình tìm kiếm sự giàu có, thịnh vượng của mỗi người.
Có lẽ chưa bao giờ phong trào đổi mới, khởi nghiệp và sáng tạo được cổ vũ mạnh mẽ như bây giờ. Nhiều người trẻ khởi nghiệp và khát khao làm giàu chính đáng cho gia đình, cộng đồng. Những cuốn sách như cuốn “Những quy tắc để giàu có” của Richard Templar cần có ở kệ sách của gia đình, ở những tiệm cà phê, quán nước trong thành phố, trong ngõ nhỏ, ở bất cứ đâu. Những người trẻ cần hiểu rằng: Chính họ sẽ kiến tạo nên một quốc gia thịnh vượng, bắt đầu từ những cá nhân giàu có, dư dả. Để rồi, đích đến ý nghĩa là sẻ chia sự thịnh vượng ấy để người giàu được giàu thêm, và hỗ trợ được nhiều hoàn cảnh khó khăn, yếu thế trong cộng đồng. Những người thực sự giàu có, thành công, hạnh phúc luôn chia sẻ sự giàu có của họ, và đó là bài học cho tất cả chúng ta.
Richard Templar rất Á Đông khi dành những trang cuối cùng nói về mối quan hệ tiền bạc với người thân trong gia đình. Đó là tâm thế biết ơn và thấu hiểu đối với vấn đề thừa kế từ cha mẹ; là quan hệ bình đẳng đừng bao giờ đòi hỏi, đừng bao giờ hỏi tiền của con cái. Có một điều, chính bản thân tôi luôn biết ơn tác giả Richard Templar khi đọc những dòng này: Bạn càng đòi hỏi nhiều thì thực tế bạn nhận được càng ít và con cái của chúng ta sẽ không thoải mái khi đền ơn bạn. Còn khi bạn không đòi hỏi, bất cứ thứ gì chúng trao cho bạn đều sẵn lòng cùng với tình yêu thương.
Richard Templar đúng, và đúng là quy luật và ứng xử với tiền bạc luôn là như vậy, không kể văn hóa phương Tây hay phương Đông. Điều này thêm một lần nữa củng cố, không biết các bạn có giàu hơn bao nhiêu khi đọc và thực hành cuốn sách này, nhưng tôi chắc chắn 100% chúng ta sẽ trở nên thông thái hơn khi nhận diện về tiền, biết cách ứng xử và quản lý dòng tiền, cũng như sống “giàu có” hơn ngay trong chính điều kiện, hoàn cảnh của mình.
Nguyễn Hường (CTV)
{name} - {time}
-
2025-04-02 15:25:00
Lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước sẽ diễn ra từ 6h30 ngày 30/4 tại TP Hồ Chí Minh
-
2025-04-02 09:54:00
Độc đáo những sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam trong tháng 4
-
2024-12-10 16:48:00
Những “bông hoa” nơi đại ngàn
“Squid Game” 2 được đề cử giải thưởng Quả Cầu Vàng dù chưa ra mắt
Dàn Hoa hậu, Á hậu đồng loạt quy tụ trong chương trình Táo Xuân 2025
Hãng từ điển Merriam-Webster chọn “phân cực” là từ của năm 2024
Quảng bá, xúc tiến du lịch 2025 sẽ khắc phục tình trạng “đơn thương độc mã”?
Chuyến lưu diễn của Taylor Swift tác động như thế nào đến kinh tế toàn cầu?
Lại nói về câu “Ngọa tân thường đảm - Nằm gai nếm mật”
Trò cổ Xuân Phả - Di sản nghìn năm “độc nhất vô nhị” của xứ Thanh
Cảm hứng nghệ thuật đương đại từ “bách khoa toàn thư” bằng đồng của Việt Nam
Nghìn năm trò diễn Xuân Phả