(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Đã 21 năm công tác nhưng tôi vẫn nhớ mãi bước khởi đầu hành nghề làm báo.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tâm sự chuyện nghề: Thực tiễn là chất liệu và cảm xúc vô tận của báo chí

(VH&ĐS) Đã 21 năm công tác nhưng tôi vẫn nhớ mãi bước khởi đầu hành nghề làm báo.

Những chuyến xe tiếp sức

Những năm giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, đường lên vùng thượng du tỉnh Thanh Hóa trải đá xô bồ. Với một sinh viên tốt nghiệp đại học, tôi chỉ có thể sắm cho mình một chiếc xe đạp phượng hoàng xích hộp. Do vậy, từ 4 giờ sáng người thân đèo tôi lên bến xe nội tỉnh để kịp theo chuyến xe khách duy nhất trong ngày lên các huyện miền núi.

Có những cung đường nhiều ổ gà, ổ voi, người đồng nghiệp bảo rằng “không thuộc cấp đường nào để xuống thấp nữa” chúng tôi đã qua và tình người sâu đậm trong ký ức. Đó là việc đồng bào bản Hậu, xã Tam Lư (Quan Sơn) dăng hàng kiên quyết không cho xe chúng tôi qua, nồng hậu “trám tiến, trám mơi”, uống chung mấy sừng rượu cần mừng đón nhận danh hiệu làng văn hóa mới “thông quan” cho người cùng phương tiện vào đồn Biên phòng Tam Thanh.

Rồi tốp thanh niên xã Điền Hạ (Bá Thước) trợ giúp chúng tôi nâng bánh xe ô tô “U-oát” sa xuống ruộng lên mặt đường, chống trượt cho xe vượt “điểm đen”;... Bên tôi còn có nhiều đồng chí, đồng nghiệp đồng hành, trợ giúp qua mỗi nẻo đường, đến địa bàn công tác.

Nhà báo Mai Luận tác nghiệp tại KKT Nghi Sơn (ảnh do tác giả cung cấp).

Năm 2012 tôi ngược đường lên các huyện miền núi, thực hiện bài viết khắc phục hậu quả việc thu gom giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp trái phép, vận động đối tượng thu gom hoàn trả “sổ đỏ” cho các tập thể, cá nhân. Xong việc ở Ngọc Lặc, rồi Lang Chánh, giữa trưa đầu tháng 5, tôi cùng phương tiện xuống núi để sang huyện Thường Xuân. Đổ dốc Nán, hết địa phận Lang Chánh đến thung lũng xã Mỹ Tân, huyện Ngọc Lặc vừa tăng ga thì xe có biểu hiện mất thăng bằng, hẫng thế ngồi, tay lái và có tiếng va đập mạnh xuống nền đường từ phía sau.

Dừng xe, bước xuống đường tôi mới hay bánh xe ô tô phía sau đã văng khỏi trục, lăn mất dạng. Tôi lội theo lối lúa dạt khá dài ven đường mới tìm thấy bánh xe. Trưởng phòng Nội vụ huyện Ngọc Lặc điều động người quen, mang thiết bị cùng ốc xe từ phố Cống lên Mỹ Tân giúp tôi khắc phục sự cố, tiếp tục hành trình. Cốc nước của gia đình người dân xã Mỹ Tân bên đường trưa ấy mãi mát lạnh và có thêm những cán bộ kiểm lâm ở huyện Thường Xuân trợ giúp tôi hoàn thành chuyến công tác.

Hướng về cơ sở

Những nẻo đường xa xôi, việc đụng chạm, tai nạn nghề nghiệp có thể xảy ra, nhưng hiện thực cuộc sống luôn là “cây đời mãi mãi xanh tươi” cho những người làm báo tìm hiểu, khám phá và sáng tạo. Lòng dân bao dung, tình người rộng vô cùng và đồng hành cùng những người làm báo còn nhiều lực lượng hướng hoạt động về cơ sở.

Đầu năm 1996, tôi theo xe ô tô huyện Lang Chánh lên dự lễ khai trương xây dựng làng văn hóa Chiềng Đôn, ở xã Lâm Phú. Là xã vùng cao, vùng xa, đồng bào Thái nơi đây còn bảo lưu nhiều giá trị, thiết chế văn hóa truyền thống và chọn lọc, tiếp thu sáng tạo các loại hình văn hóa mới, lối sống tiến bộ. Những bài viết “Ngày mới ở Chiềng Đôn”, “Dấu ấn một miền quê”, “Chuyện học vùng cao” ra đời từ chất liệu đa dạng, sống động. Hình ảnh những người phụ nữ dân tộc Thái nặng gánh mưu sinh nên “sắc hoa văn thổ cẩm le lói nét sặc sỡ của thời thiếu nữ chưa qua, dần bợt màu khi tuổi già chưa tới”, hay hình ảnh “anh cán bộ thông tin lê đôi chân đau khớp bước thập thững trên quãng đời lưu động”, rồi “giờ ra chơi, những đứa trẻ tha thẩn bên hàng rào tre hoặc đứng, ngồi trong lớp, nhìn bầu trời đóng khung qua lớp lá thủng” đi vào trang viết từ hiện thực sinh động, giàu hình ảnh, đa thông tin, ngữ nghĩa.

Những năm mới tách, thành lập thêm một số huyện miền núi theo Nghị định 72/NĐ-CP, muốn chủ động lên Mường Lát nên đi xe máy, nhờ phương tiện của các ngành, địa phương, hoặc bám xe U-oát của Hải Muối, ngồi cùng muối lên vùng cao, rồi chen chỗ cùng ngô, gạo nương xuống núi. Được cán bộ huyện trợ giúp, tôi cùng đồng nghiệp bám xe U-oát đã qua cải tạo để lên huyện vùng cao Mường Lát.

Nắng chang chang, ô tô không điều hòa, vượt chặng đường quá xấu, dài hơn 130 km nên xuất phát từ Hồi Xuân 5 giờ 30 sáng nhưng đến 15 giờ chiều cùng ngày mới đến Pom Puôi, thị trấn huyện lỵ Mường Lát và lại thêm gần nửa ngày đi bộ mới đến được bản Suối Phái, nơi đồng bào Mông được vận động tái định cư theo quy hoạch. Trong chuyến công tác đó, chúng tôi có những đề tài, chất liệu, khơi nguồn cảm hứng vô tận cho những người làm báo.

Vậy nên khi theo con đường vắt ngang lưng sườn núi, dưới là dòng sông Mã uốn lượn quanh co; vượt qua cổng trời gặp Trạm Biên phòng Táo trong vần vũ mây bay, nghe chuyện bảo vệ biên cương, việc thầy giáo quân hàm xanh dạy xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số, tôi viết: “Đất nước là đây, từng triền sông, dốc núi, cỏ cây, nơi thiên nhiên hùng vĩ, sơn, thủy giao hòa, vang vọng khúc ca của những người giữ gìn biên cương Tổ quốc”.

Nhà báoMai Luận



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]