(vhds.baothanhhoa.vn) - Lượng khách đến với xứ Thanh trong những năm gần đây đang có tốc độ tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, để trở thành điểm đến ấn tượng đối với du khách, việc phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng cao là đòi hỏi đặt ra cho hoạt động du lịch trong thời gian tới. Đây cũng được coi là giải pháp nhằm kéo dài thời gian lưu trú và tăng khả năng chi tiêu của du khách.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tăng khả năng chi tiêu của du khách: Đích mới của du lịch xứ Thanh

Lượng khách đến với xứ Thanh trong những năm gần đây đang có tốc độ tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, để trở thành điểm đến ấn tượng đối với du khách, việc phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng cao là đòi hỏi đặt ra cho hoạt động du lịch trong thời gian tới. Đây cũng được coi là giải pháp nhằm kéo dài thời gian lưu trú và tăng khả năng chi tiêu của du khách.

Thị trường khách “chuyển hướng”

Đối với Thanh Hóa hiện nay, thị trường khách du lịch nội địa vẫn chiếm tỷ lệ lớn, ngoài lượng khách từ các tỉnh phía Bắc mà trọng tâm là Hà Nội, đông đảo khách miền Trung và phía Nam cũng đã chọn Thanh Hóa là điểm dừng chân. Đây vẫn được xác định là thị trường khách quan trọng, chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu khách du lịch. Khách nội địa đến với Thanh Hóa chủ yếu với mục đích nghỉ mát, tham quan thắng cảnh, nghỉ dưỡng, một lượng nhỏ đến với mục đích công vụ...

Cùng với đó, trong những năm gần đây lượng khách du lịch quốc tế đến Thanh Hóa cũng có những thay đổi cơ bản, thị trường ngày càng đa dạng, trong đó khách du lịch chủ yếu là các nước ASEAN, các nước Đông Bắc Á, Nhật, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Châu Âu, Châu Mỹ và một số nước khác.

Du khách quốc tế lựa chọn khi đến với Thanh Hóa thường là: tham quan, nghiên cứu, nghỉ dưỡng. Đặc biệt, trong thời gian gần đây phát triển mạnh loại hình du lịch công vụ.

Trong vài năm trở lại đây, xuất hiện xu hướng khách du lịch quốc tế nối tour từ Mai Châu (Hòa Bình) sang tham quan các điểm du lịch ở khu vực phía Tây của tỉnh như: Mường Lát, Bá Thước, khu BTTN Pù Luông, Lang Chánh... Bên cạnh đó, dòng khách du lịch quốc tế đến Ninh Bình cũng tăng mạnh, tạo điều kiện để Thanh Hóa có thêm một “nguồn” tiếp cận mới. Đặc biệt, một số sự kiện quan trọng có ảnh hưởng mạnh đến hoạt động du lịch như: KKT Nghi Sơn đi vào hoạt động, Sân bay Sao Vàng tăng các chuyến bay, quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn ngày càng hấp dẫn... tạo điều kiện cho việc thu hút khách du lịch quốc tế.

Tuy nhiên, do còn thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cao cấp, các khu, điểm du lịch còn thiếu các dịch vụ vui chơi, giải trí đi kèm, sản phẩm du lịch đơn điệu, thiếu hấp dẫn, chất lượng dịch vụ chưa cao, nhiều điểm du lịch còn khó khăn trong việc đi lại, chưa được đầu tư vào quảng bá rộng rãi... Vì vậy, dù lượng khách có chiều hướng tăng trưởng mạnh nhưng thời gian lưu trú và khả năng chi tiêu của khách du lịch đến với Thanh Hóa còn ở mức rất thấp.

Lượng khách đến tham quan các khu, điểm trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng song khả năng chi tiêu còn rất thấp.

Đẩy mạnh việc thu hút và tăng khả năng chi tiêu của du khách

Bà Nguyễn Thị Nguyệt - Trưởng phòng Quản lý Du lịch, Sở VH,TT&DL cho biết, khách du lịch đến Thanh Hóa chi tiêu phần lớn cho ăn uống và lưu trú (khoảng 80%), chứng tỏ các dịch vụ bổ sung còn rất ít, ngoài việc chi trả cho dịch vụ ăn uống và lưu trú, khách du lịch có quá ít các dịch vụ để vui chơi, giải trí. Dù khả năng chi trả của khách du lịch nội địa thấp hơn rất nhiều so với khách du lịch quốc tế nhưng do chiếm tỷ trọng lớn nên doanh thu từ khách du lịch nội địa vẫn là nguồn thu chính. Như vậy, trong giai đoạn sắp tới du lịch Thanh Hóa vẫn chủ yếu tập trung vào thị trường khách nội địa, mặt khác đẩy mạnh thu hút thị trường khách quốc tế - đối tượng khách có khả năng chi trả cao.

Với khu du lịch trọng điểm của tỉnh là Sầm Sơn, khách du lịch đến đây chủ yếu chỉ đến tắm biển và tham quan một số di tích như đền Độc Cước, đền Cô Tiên, hòn Trống Mái. Thời gian lưu trú tập trung chủ yếu vào 2 ngày cuối tuần, việc chi tiêu phần lớn dành cho việc ăn uống và dịch vụ lưu trú, có chăng khách sử dụng thêm dịch vụ vận tải bằng xe điện.

Trước những cơ hội đang đặt ra hiện nay, Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020 đặt ra mục tiêu đến năm 2020 đón 9 triệu lượt khách, trong đó thu hút 350 nghìn lượt khách quốc tế; phục vụ 17,5 triệu ngày khách; tổng thu từ du lịch đạt 16 nghìn tỷ đồng.

Theo một số chuyên gia lĩnh vực du lịch, một trong những mục tiêu cụ thể mà hoạt động du lịch đặt ra là tăng trưởng lượng khách , nhưng việc tăng khả năng chi tiêu của du khách mới là đích đến cuối cùng. Để làm được điều đó, trong những năm tới du lịch Thanh Hóa cần nâng cao hơn nữa chất lượng phòng nghỉ để làm cơ sở đưa mặt bằng giá lên cao; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng và chú trọng đầu tư phát triển các dịch vụ phục vụ khách du lịch như: vui chơi giải trí, đồ lưu niệm, các khu thể thao, trung tâm dịch vụ thương mại... nhằm kéo dài thời gian lưu trú, tăng khả năng chi tiêu của du khách. Mặt khác cần có chiến lược liên kết, đầu tư thâm nhập thị trường khách quốc tế và nội địa từ những trọng điểm đón và phân phối khách lớn trong cả nước nhằm đem lại lợi nhuận cao trong hoạt động du lịch...

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]