Tết “ấm” làng nghề... (Bài 3): Gìn giữ cho muôn đời sau
“Hồn cốt” bảo vệ di sản vẫn là những “con người di sản”, những người sẽ “trao lửa” cho thế hệ trẻ, với mong muốn họ tiếp tục phát huy cái hay, cái đẹp và nâng tầm di sản văn hóa dân tộc.
NNƯT Đặng Ích Hoàn.
Nghề đúc đồng truyền thống của làng Trà Đông, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) những ngày này luôn đỏ lửa. Tại các cửa hiệu của làng nghề, người mua trong và ngoài tỉnh tấp nập đến lựa chọn những sản phẩm đồ đồng tinh xảo nhất là đỉnh, tượng,... để bày lên bàn thờ gia tiên.
Về làng nghề, chúng tôi được trò chuyện với một số nghệ nhân, trong đó có Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) đúc đồng Đặng Ích Hoàn, một trong những người đã góp phần khôi phục và phát huy nghề đúc đồng truyền thống Trà Đông.
Gia đình ông Hoàn theo nghề đúc đồng đã hàng trăm năm và cũng là một trong những gia đình có nhiều nghệ nhân nhất làng nghề. Ông Đặng Ích Hoán (bố ông Hoàn) được phong tặng danh hiệu nghệ nhân vào năm 1980. Hai con trai của NNƯT Đặng Ích Hoàn là Đặng Quốc Phượng và Đặng Quốc Toàn cũng đang kế thừa tinh hoa gia đình, trong đó con trai Đặng Quốc Toàn được phong nghệ nhân thợ giỏi làng nghề Việt Nam vào năm 2020 và đang làm hồ sơ đề nghị phong tặng NNƯT.
Qua đi thời gian, đến nay, NNƯT Đặng Ích Hoàn vẫn có thể kể chi tiết về những tác phẩm nghệ thuật đồng tiêu biểu trong sự nghiệp của mình. Đó là chiếc trống đồng lớn nhất Việt Nam với đường kính 1,21m, cao 95cm và nặng 364kg; trống đồng khắc họa hình ảnh cuộc đời Bác Hồ; đúc thành công 2 chiếc trống đồng đường kính 79cm, cao 63cm có hình ảnh lịch sử Việt Nam trên thân trống vào năm 2011... Trong mỗi tác phẩm thành công, ông không quên nhắc đến sự dày công của học trò, những người mà ông đã tâm huyết truyền ngọn lửa đam mê nghệ thuật đúc trống đồng.
Theo NNƯT Đặng Ích Hoàn, trước khi dạy kỹ thuật thì điều đầu tiên ông truyền cho các học trò là tình yêu với nghề. NNƯT Đặng Ích Hoàn chia sẻ: “Tôi thường kể cho học trò nghe câu chuyện về nghề đúc đồng truyền thống Trà Đông. Cho họ thưởng lãm những tác phẩm nghệ thuật đúc đồng nổi tiếng, để khơi dậy niềm đam mê, lòng tự hào dân tộc và để họ biết rằng nghề hoàn toàn có thể mang lại tương lai tươi sáng cho những ai biết cống hiến hết mình”.
Số lượng học trò “nhận lửa” từ ông Hoàn bây giờ đã lên đến con số hàng trăm, nhiều người trong đó đã được phong danh hiệu nghệ nhân và đã mở xưởng sản xuất riêng. Trải lòng của NNƯT Đặng Ích Hoàn: “Đào tạo nên một học trò tâm huyết, niềm hạnh phúc đó giống như đúc thành công một chiếc trống đồng kỹ thuật cao. Nhiều người hay hỏi tôi, nếu có học trò trẻ, tài năng thì việc cạnh tranh liệu có khó khăn? Nhưng, để duy trì sức sống của làng nghề thì nhất định phải có nghệ nhân trẻ. Chính họ sẽ tìm tòi, nghiên cứu, chế tác những sản phẩm có chất lượng, kiểu dáng, kỹ thuật cao mà vẫn giữ được nét độc đáo, đặc trưng truyền thống. Đó là điều sống còn của một làng nghề”.
Theo các nghệ nhân đúc đồng, thì việc truyền nghề tại làng thường diễn ra vào dịp đầu xuân năm mới. Còn cuối năm là dịp học trò được thực hành nhiều nhất khi hoàn thiện đơn hàng, được đi đúc trống đồng trực tiếp tại các tỉnh, thành trong cả nước.
Có lẽ, vì những người “truyền lửa” tâm huyết như ông Hoàn mà tại các làng nghề truyền thống nổi tiếng của xứ Thanh như mây tre đan Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa), chè lam Phủ Quảng (Vĩnh Lộc), bánh gai Tứ Trụ (Thọ Xuân), chiếu cói Nga Sơn,... đã có những người trẻ theo và khởi nghiệp bằng nghề truyền thống với tư tưởng “sống trong làng nghề, giữ làng nghề và hưởng lợi từ làng nghề”.
Từ lâu, tại làng nghề truyền thống nước mắm Khúc Phụ ở xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) đã không còn cảnh chỉ có người già theo và giữ nghề, mà đã có những thanh niên với sức sống trẻ, sáng tạo, dám nghĩ dám làm khởi nghiệp với nghề. Điển hình là anh Lê Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia. Lê Anh là người đầu tiên đưa các sản phẩm mắm và nước mắm xã Hoằng Phụ ra ngoài lãnh thổ Việt Nam bằng con đường chính ngạch. Xây dựng thành công sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa, đưa các sản phẩm mắm truyền thống Khúc Phụ lan tỏa ra cộng đồng.
Anh Lê Anh (người giơ tay) đang kể câu chuyện về sản phẩm mắm truyền thống cho khách tham quan.
Sinh ra và lớn lên ở làng mắm có tuổi đời hàng trăm năm, nổi tiếng của xứ Thanh, gia đình cũng đã mấy đời làm nghề mắm, hơn ai hết Lê Anh hiểu nỗi trăn trở của làng nghề khi vị mặn của mắm vẫn chưa đủ “níu chân” những người trẻ. Nỗi niềm đó khiến Lê Anh dù đã có công việc với mức lương nghìn đô vẫn quyết tâm bỏ về quê... theo nghề cha ông.
Theo nghề truyền thống nhưng tư duy của người trẻ cũng cần thích ứng với sự đổi thay của thời đại. Bởi vậy, ngay từ đầu, Lê Anh xác định mục tiêu sản xuất nước mắm và các sản phẩm từ nước mắm theo phương pháp truyền thống, nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên. Khi mục tiêu đã có, Lê Anh miệt mài nghiên cứu, tìm tòi những “bí quyết” riêng, tạo ra sản phẩm đặc trưng, mang lại những giá trị 100% tự nhiên - truyền thống - vị thanh - mùi dịu, không can thiệp, không hóa chất, nguyên bản như nước mắm truyền thống vốn có từ xa xưa của cha ông.
Đến nay, Lê Gia đã trở thành một trong những sản phẩm mắm truyền thống xứ Thanh nổi tiếng trong và ngoài nước. Hơn 10 năm làm nghề, câu chuyện khởi nghiệp từ nghề truyền thống của Lê Anh đã truyền cảm hứng cho nhiều thanh niên trẻ trong làng, không ít trong số họ đã “dấn thân” khởi nghiệp. Trong câu chuyện của mình, Lê Anh không những muốn truyền cảm hứng mà còn thể hiện trách nhiệm của những người trẻ trong việc giữ gìn và phát huy nghề truyền thống. “Với bất kỳ ngành nghề nào, nếu không có sự đổi mới sáng tạo, bắt nhịp với xu hướng thì không thể trụ vững”. Anh Lê Anh cho biết.
Với nghề truyền thống, những người già giữ gìn, gắn bó để người trẻ phát huy, nâng tầm giá trị. Người nghệ nhân truyền nhiệt huyết, khơi dậy đam mê, để lớp trẻ sáng tạo, mang tinh hoa hòa nhập thời cuộc. Công thức này phần nào đã giúp cho NNƯT Đặng Ích Hoàn và Lê Anh thành công ở lĩnh vực riêng của mình. Và sự chung tay của các thế hệ chính là sự kết nối bền vững để bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống...
Bài và ảnh: Phong Vân
{name} - {time}
-
2025-01-19 09:08:00
Hòa nhạc Ánh sáng: Những màn trình diễn ấn tượng đặc sắc “tỏa chất riêng”
-
2025-01-19 06:22:00
Xếp hạng 5 di tích quốc gia đặc biệt
-
2025-01-18 15:58:00
Vị tết...
Cuộc cách mạng một cọng rơm
Tết “ấm” làng nghề... (Bài 2): Xuân về - cơ hội lan tỏa nghề truyền thống
Nghĩa đen câu tục ngữ “Được lòng rắn, mất lòng ngóe”
Lào phát hiện nhiều hiện vật cổ có niên đại hàng trăm năm
Cách bao sái bàn thờ trước Tết và những điều quan trọng cần lưu ý
Mùa sách Tết 2025: Nhiều ấn phẩm về phong tục đón Tết cổ truyền
Tết “ấm” làng nghề... (Bài 1): Nghề “đặc thù”
Giữ gìn nét đẹp văn hóa chào hỏi