(vhds.baothanhhoa.vn) - “Ai mua bánh đa kê không?...”, “Ai mua bánh đa kê không?...” tiếng rao lanh lảnh của cô bán hàng rong vang vọng khắp con phố nhỏ trong trưa hè nóng nực làm tôi đang thiu thiu ngủ bỗng chợt tỉnh giấc. Với chiếc điện thoại xem lịch, tôi giật mình: sắp đến mùng 5-5 (Tết Đoan Ngọ) khiến lòng không khỏi bồi hồi xao xuyến nhớ về những kỉ niệm thời thơ ấu khó quên.

Tết Đoan Ngọ xưa và nay

“Ai mua bánh đa kê không?...”, “Ai mua bánh đa kê không?...” tiếng rao lanh lảnh của cô bán hàng rong vang vọng khắp con phố nhỏ trong trưa hè nóng nực làm tôi đang thiu thiu ngủ bỗng chợt tỉnh giấc. Với chiếc điện thoại xem lịch, tôi giật mình: sắp đến mùng 5-5 (Tết Đoan Ngọ) khiến lòng không khỏi bồi hồi xao xuyến nhớ về những kỉ niệm thời thơ ấu khó quên.

Tết Đoan Ngọ xưa và nay

Nhớ ngày 5-5, mới tờ mờ sáng mà trên bàn thờ nhà nào, nhà nấy hương trầm thoảng bay hòa quyện với hương thơm của hoa nhài, hoa huệ, hoa móng rồng… ngào ngạt lan tỏa trong những cơn gió hè mát rượi.

Nhớ cái tên gọi Tết Đoan Ngọ là Tết “diệt sâu bọ” làm tôi thắc mắc suốt cả tuổi ấu thơ. Mỗi lần hỏi bà, hỏi mẹ chỉ thấy mọi người cười bảo là cũng nghe dân gian gọi thế thì biết thế thôi. Mãi về sau, khi lớn lên được đọc cuốn sách “Hội hè lễ Tết” của người Việt Nam do tác giả Nguyễn Văn Huyên viết tôi mới hiểu tường tận về Tết Đoan Ngọ: “Đoan” có nghĩa là bắt đầu, “Ngọ” chỉ giờ ngọ, tức là khoảng thời gian nóng nhất trong ngày (từ 11 giờ đến 1 giờ chiều). Đoan Ngọ có thể hiểu là “ngày mở đầu chuỗi ngày nóng nhất trong năm”.

Theo quan niệm dân gian xưa, người Việt Nam ta gọi Tết Đoan Ngọ là Tết “diệt sâu bọ” bởi đây là giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết nên dịch bệnh, sâu bọ dễ phát sinh. Nếu không diệt trừ sâu bọ thì chúng sẽ làm hỏng mùa màng nên phải cúng Tết Đoan Ngọ. Quan niệm này cũng hoàn toàn phù hợp với nước ta - một nước có nền văn minh lúa nước từ rất lâu đời.

Không những thế, cứ vào tháng 5 âm lịch, thời tiết oi bức là con người hay ốm đau. Do đó, cúng Tết Đoan Ngọ có 2 nhiệm vụ: bảo vệ sức khỏe khỏi ốm đau và ăn hoa quả như thụ lộc, thụ hưởng thành quả lao động của nghề nông. Từ đó những loại như rượu nếp (hay còn gọi là rượu cái được làm từ gạo nếp xát vỏ (gạo lật), nấu chín rồi để nguội sau đó cho men vào ủ để vài ngày có mùi thơm ngọt và có cả ít nước thì đem ra dùng); mận, vải có chức năng diệt các loại sâu bọ thường được dùng trong Tết Đoan Ngọ. Vì theo suy nghĩ của người Việt xưa, trong hệ tiêu hóa thường có sâu bọ, nếu không giết đi, chúng sẽ sinh sản ngày một nhiều và ảnh hưởng tới sức khỏe. Tuy nhiên, việc tiêu diệt sâu bọ không phải thời gian nào cũng có thể làm được, bởi vì chỉ có ngày mùng 5-5 chúng mới ngoi lên cho nên đây là cơ hội tốt nhất để trừ khử. Muốn diệt sâu bọ hiệu quả thì sau khi ngủ dậy ăn một bát rượu nếp để sâu bọ say, rồi ăn vải, mận, đào… cho sâu bọ chết; do đó các gia đình đều dâng lễ thắp hương lên bàn thờ tổ tiên từ rất sớm và xin thụ lộc trước khi mặt trời lên.

Cũng chính vì quan niệm như vậy nên lễ vật dâng hương Tết Đoan Ngọ không thể thiếu được rượu cái, bánh đa, lạc luộc và các loại quả của mùa hè như vải, mận, đào, dưa hấu…có nơi còn dâng cả bánh đa kê rất hấp dẫn. Các loại hoa thường được chọn để dâng hương chủ yếu là hoa huệ trắng tinh tỏa hương thơm ngào ngạt, hoa sen thanh tịnh ngát hương...

Tôi nhớ nhất là phiên chợ quê mùng 5-5 được tíu tít chạy theo mẹ đi chợ. Chợ mùng 5 cũng thật đặc biệt: ngoài chè xanh, chè vối ra còn bán rất nhiều loại lá cây khác hẳn những phiên chợ trong năm. Các loại lá kim ngân, đăng cay, hương nhu, kinh giới, tía tô, nhân trần, sài đất,… được bày bán la liệt. Các mẹ nội trợ thường mua những loại lá này về rửa sạch phơi khô, vừa để nấu nước uống (gọi là chè mùng 5), vừa cất đi để nấu nước tắm cho trẻ nhỏ khỏi bị ngứa, mọc mụn rôm, sài,…

Lần nào đi chợ cùng mẹ tôi cũng mải mê ngắm nhìn những chú tò he xinh xắn được bày bán trên những chiếc mẹt con giữa chợ. Các chú tò he này nguyên liệu là bột nếp được tạo ra nhờ đôi bàn tay khéo léo của các “nghệ nhân nghiệp dư” nên nhìn mỗi con vật giống như thật. Ở bên ngoài mỗi chú tò he được nhuộm bằng phẩm màu thực phẩm xanh đỏ, vàng, cam,…trông thật thích mắt. Những chú tò he vừa là đồ chơi vừa nướng lên để ăn được. Nhưng vì chúng quá ngộ nghĩnh, lại rất đáng yêu nên chúng tôi mải ngắm nghía rồi bày ra để chơi đồ hàng mãi không chán và cũng không nỡ nướng chúng lên để ăn.

Tết Đoan Ngọ xưa và nay

Ngoài những chú tò he xinh xắn mẹ không quên mua những chiếc kẹo bột nấu bằng mật mía, lăn bột ở ngoài cho khỏi dính, được đùm trong lá chuối khô. Loại kẹo này lúc đầu cắn thì rất cứng nhưng nhai từ từ thì dai và ngọt hắc. Nhà đông con nên đây là món quà dễ chia nhất và hấp dẫn nhất với trẻ thơ. Có lần, trưa Tết Đoan Ngọ, tôi đang chơi cùng chị bạn thì chị ấy lôi từ trong túi quần ra một chiếc kẹo bột to rủ tôi cùng ăn. Chị loay hoay để cắn kẹo bỗng kêu thất thanh: “á đau quá!”, rồi máu trong miệng chảy ra (thì ra kẹo cứng nên chị cắn mạnh quá làm gãy cả chiếc răng đang lung lay chưa nhổ được). Và thế là, một tay cầm kẹo, một tay cầm răng chị chạy vội về nhà để nhờ mẹ ném qua mái nhà vì sợ răng ở hàm trên mọc lên không đúng chỗ. Những chú tò he, những chiếc kẹo bột giờ đây có thể là cổ tích đối với các bạn nhỏ nhưng đối với thế hệ 6X trở về trước thì đó là cả một niềm ao ước đầy ắp kỉ niệm của tuổi thơ.

Quê tôi ở một vùng bán sơn địa, nhà nào nhà nấy đều có vài sào vườn để trồng cây ăn quả. Loại cây được trồng nhiều nhất ngày ấy là mít. Nhiều cây mít cành lá tươi tốt nhưng không có quả hoặc ít quả thế là Tết Đoan Ngọ vào đúng lúc 12 giờ trưa (chính ngọ) các nhà thi nhau “khảo” mít. Màn “khảo” mít tuy được làm rất bí mật nhưng cũng không giấu được sự tò mò của lũ trẻ con chúng tôi. Mỗi lần thấy người lớn vác dao ra vườn là chúng tôi bám theo nấp một nơi để theo dõi. Một người trèo lên cây còn một người cầm con dao to đứng dưới gốc cây và khảo “mít” bằng những câu hỏi đáp:

- Mít! Năm tới có ra nhiều quả không? - người dưới gốc cầm dao hỏi và khẽ đập nhẹ vào gốc để đánh thức cây.

- Có ạ! – người trèo trên cây trả lời.

- Thật không? – người dưới gốc cây lại hỏi tiếp.

- Thật ạ!- người trên cây trả lời.

- Không thật thì sẽ chặt gốc nhé! - người dưới gốc cây dùng dao băm 3 nhát nhẹ vào gốc như lời nhắc nhở cây.

- Vâng ạ! - Người trên cây trả lời và từ từ tuột xuống.

Chứng kiến màn “khảo” mít ấy tôi cứ ngỡ trong mơ nhưng vẫn tin là thật để rồi bây giờ trên đầu đã hai thứ tóc mới thấy buồn cười với kí ức tuổi thơ.

Vào dịp Tết Đoan Ngọ, trời cũng hay mưa nắng bất chợt oi nồng. Thế mà lũ trẻ con chúng tôi nhân lúc bố mẹ ngủ, lén rủ nhau ra vườn xem rắn lột xác, tìm tổ chim, chơi ô ăn quan, đánh chắt, đánh chuyền... không biết nóng. Phơi mình dưới ánh nắng chang chang, đầu trần chân đất nên người đứa nào cũng đỏ ửng chi chít mụn rôm như tảng cháy khắp người, ngứa ngáy khó chịu. Nghe người lớn nói nếu được tắm mưa Tết Đoan Ngọ thì rôm sẽ lặn nên hễ có mưa rào thì bất chấp sấm sét kinh thiên động địa, lũ trẻ hò reo cởi quần áo thi nhau ra tắm mưa. Bêu nắng rồi tắm mưa, ăn uống thì đạm bạc, ngủ không máy lạnh, quạt điện, chỉ phe phẩy hơi mát từ chiếc quạt nan tre hoặc quạt mo cau của mẹ thế mà vẫn say giấc ngon lành, không bệnh tật ốm đau, khác hẳn bây giờ trẻ con cứ bị vài giọt mưa hoặc ra nắng là ốm. Có lẽ một phần do môi trường ngày ấy trong lành, không độc hại chăng ?

Tết Đoan Ngọ không chỉ gắn liền với những phong tục tập quán của mỗi người dân đất Việt mà còn là một ngày vô cùng quan trọng đối với cuộc đời tôi - đó là ngày tôi cất tiếng khóc chào đời. Nghe mẹ kể lại, sáng hôm ấy sau khi đi chợ về mẹ chưa kịp tham gia “diệt sâu bọ” cùng mọi người trong gia đình thì đau bụng trở dạ. Mẹ tôi lúc ấy đã ngoài bốn mươi nên bố tôi vội vã đưa mẹ đến trạm xá để sinh. Có lẽ vì tuổi cao khó sinh nên mẹ tôi đau bụng gần cả một ngày trời mới sinh ra tôi. Mẹ gần như kiệt sức sau khi sinh nên không có sữa (mà ngày ấy ở quê thì lấy đâu ra sữa cho trẻ sơ sinh), may mà bố tôi để dành được ít mật ong do lấy được từ tổ ong trong vườn nhà pha với nước ấm cho tôi uống nên tôi mới đỡ khóc và chịu ngủ yên. Ngày xưa nhà đông con các ông bố bà mẹ ít khi nhớ được ngày dương vì thế ngày mùng 5-5 âm luôn được xem là ngày sinh nhật của tôi và mỗi lần cả nhà quây quần bên mâm cơm trong dịp Tết Đoan Ngọ là mẹ tôi lại nhắc tới chuyện xưa.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, mái tóc đen của tôi ngày nào đã điểm bạc, người mẹ kính yêu mãi yên nghỉ giấc ngàn thu nơi chín suối. Nhưng cứ gần đến ngày Tết Đoan Ngọ là lòng tôi lại trào dâng một nỗi nhớ bâng khuâng: nhớ dáng mẹ tảo tần, lam lũ sớm khuya nuôi con khôn lớn trưởng thành, nhớ kí ức tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng vô ngần.

Tết Đoan Ngọ năm nay đúng vào lúc đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng để chuẩn bị cho ngày tết các bà nội trợ vẫn xát gạo nếp lật mới thu hoạch để ủ rượu cái, chuẩn bị lạc tươi và bánh đa, hoa quả vườn nhà để thành kính dâng lễ trong ngày “diệt sâu bọ”. Rồi, xách làn tranh thủ đi chợ phiên mùng 5, mua lá về rửa sạch phơi khô làm chè mùng 5 và dự trữ để nấu nước tắm cho trẻ nhỏ. Đó đây, bên trong những ngôi nhà ngói khang trang có quạt điện, vòi sen đủ loại vẫn còn những đứa trẻ háo hức mong chờ được tắm mưa vào lúc chính ngọ.

Cuộc sống đã đổi thay theo xu hướng ngày càng hiện đại hơn nhưng mọi gia đình sinh sống trên dải đất hình chữ S vẫn không quên ngày “Tết diệt sâu bọ”. Bởi vậy, Tết Đoan Ngọ luôn thể hiện được những nét đẹp giản dị, dân dã về văn hóa trong đời sống tinh thần của mỗi người dân đất Việt thân yêu.

Bình Yên


Bình Yên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]