(vhds.baothanhhoa.vn) - Thạc Quận công Lê Thì Hải là nhân vật lịch sử sống vào nửa cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18. Ông vốn người thôn Đông, xã Phú Hào, huyện Lôi Dương, nay thuộc xã Thọ Phú (Triệu Sơn). Làm quan dưới triều Lê - Trịnh. Trong cuộc đời binh nghiệp, ông đã “Nam chinh, Bắc chiến”, lập nhiều chiến công vang dội khiến người đương thời và hậu thế kính nể.

Thạc Quận công Lê Thì Hải và cuộc đời binh nghiệp vẻ vang

Thạc Quận công Lê Thì Hải là nhân vật lịch sử sống vào nửa cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18. Ông vốn người thôn Đông, xã Phú Hào, huyện Lôi Dương, nay thuộc xã Thọ Phú (Triệu Sơn). Làm quan dưới triều Lê - Trịnh. Trong cuộc đời binh nghiệp, ông đã “Nam chinh, Bắc chiến”, lập nhiều chiến công vang dội khiến người đương thời và hậu thế kính nể.

Thạc Quận công Lê Thì Hải và cuộc đời binh nghiệp vẻ vangTrải qua hơn 300 năm, những nét chữ khắc trên văn bia tại khu vực từng là đền thờ Thạc Quận công Lê Thì Hải vẫn rất sắc nét.

Lưu truyền tại địa phương, từ nhỏ Lê Thì Hải đã được người bác ruột là Thái tể Lê Thì Hiến nuôi dạy. Chàng trai Lê Thì Hải chăm chỉ đọc binh thư, học đâu hiểu đó; lại siêng năng luyện tập kiếm cung, quyết chí theo nghiệp nhà binh.

Năm 1656, khi cuộc chiến giữa quân triều đình Lê - Trịnh (Đàng Ngoài) với quân chúa Nguyễn (Đàng Trong) vẫn cam go, Lê Thì Hải theo người bác ruột là Hào Quận công Lê Thì Hiến vào Nam chinh phạt nhà Nguyễn, bắt đầu cuộc đời binh nghiệp. Nhờ tài thao lược của lão tướng Lê Thì Hiến, quân Lê - Trịnh nhiều lần đánh thắng quân chúa Nguyễn. Trong những thắng lợi đó, có sự góp sức của vị tướng trẻ Lê Thì Hải. Vì thế, năm 1661, tướng chiến trận Lê Thì Hải được “hồi kinh”. Đến năm 1672, Lê Thì Hải lại theo quân triều đình Lê - Trịnh phát binh “hỏi tội” chúa Nguyễn. Đây là trận Nam chinh quy mô lớn với hai mũi tiến công thủy, bộ.

Cũng bởi tài đức hơn người, võ tướng Lê Thì Hải được chúa Trịnh yêu mến, gả con gái đầu là Quận chúa làm vợ. Từ đây, nhờ nỗ lực bản thân và sự ân sủng của nhà chúa, con đường binh nghiệp của ông càng thêm rộng mở.

Thạc Quận công Lê Thì Hải và cuộc đời binh nghiệp vẻ vangVăn bia ghi lại cuộc đời binh nghiệp của võ tướng Lê Thì Hải hiện nằm trong khu vực nhà người dân.

Không chỉ Nam chinh đánh trận, võ tướng Lê Thì Hải còn thể hiện tài năng của mình khi Bắc chiến đánh dẹp tàn quân Mạc.

Năm Đinh Mùi (1667) Lê Thì Hải dẫn quân theo Lê Thì Hiến đi bình định Cao Bằng. Năm sau lại theo Lê Thì Hiến đem quân đóng đồn ở Châu Lão bảo vệ dinh Trấn thủ Sơn Tây. Năm Canh Tuất (1670), Lê Thì Hiến phụng mệnh đi bình định Tuyên Quang, Lê Thì Hải cùng đi đã lập công lớn, góp phần đuổi quân Mạc thu phục đất đai nên được ban thưởng nhiều bạc vàng.

Đến năm Canh Thân (1680), Lê Thì Hải phụng mệnh vua Lê đi làm Trấn thủ bốn châu của Cao Bằng, rồi kiêm Trấn thủ Thái Nguyên. Sau đó, lại được giao thêm chức Tham đốc các quân ở xứ Thái Nguyên, Lạng Sơn, Tuyên Quang... Lúc bấy giờ, tàn quân Mạc ở phía Bắc không ngừng quấy rối. Ông đánh đâu thắng đó khiến quân địch kinh sợ, đồng thời còn nêu cao ân đức của vua Lê để phủ dụ quân phản loạn, vì thế mà đã chiêu hàng được nhiều tướng giặc, lập lại bình yên một cõi biên cương đất nước. Từ những chiến tích lập được, võ tướng Lê Thì Hải đã được thăng chức Tây quân đô đốc phủ, Đô đốc thiêm sự (nắm một trong năm phủ quân chính quy của triều đình).

Sách Văn tài võ lược xứ Thanh dẫn lại lời chế văn phong tướng của vua Lê dành cho vị võ tướng tài năng: “Lê Thì Hải là người kiện chí tang bồng... thật xứng đáng với dòng dõi trâm anh, đã nối được nghiệp lớn của nghĩa phụ Lê Thì Hiến, thật xứng được lưu danh muôn thuở. Vốn dòng nhà tướng, Thì Hải đã thể hiện tài thao lược của mình, dụng binh mau lẹ, bí mật; khi xung trận thì mạnh mẽ như hổ báo, chim ưng. Từ khi Bắc phạt ở Cao Bằng, Tuyên Quang cho đến khi phụng mệnh Nam chinh ở miền Thuận - Quảng đều như vậy”.

Dưới ba đời vua (Lê Gia tông, Lê Hy tông, Lê Dụ tông), Lê Thì Hải là một trong những võ tướng lập được nhiều chiến công bậc nhất ở miền biên cương phía Bắc. Những chiến công ấy đã đưa ông trở thành võ quan trụ cột của triều đình.

Đặc biệt, ngay cả khi đã được về kinh đô chỉ huy quân chính quy (ngũ quân) của triều đình, võ tướng Lê Thì Hải vẫn được vua Lê - chúa Trịnh tin tưởng giao trọng trách trong những tình huống cấp bách. Chuyện kể rằng, năm Giáp Tuất (1694) ở huyện Gia Viễn có bọn phú hào tham lam cướp đất của dân, gây rối loạn khắp vùng khiến lòng người phẫn nộ. Lúc này, triều đình đã cử Lê Thì Hải về phủ dụ, dẹp loạn. Chỉ sau một thời gian ngắn, dân nghèo đã lấy lại được đất cày cấy, cuộc sống yên ổn trở lại. Từ đó lại càng thêm tôn quý ơn đức của vị võ quan xứ Thanh.

Thạc Quận công Lê Thì Hải và cuộc đời binh nghiệp vẻ vangBức văn bia thứ hai được ghép từ nhiều tấm bia nhỏ hiện nằm sát với đường đi trong làng.

Hơn 70 năm cuộc đời với gần 60 năm binh nghiệp, từ lính đánh trận đến tướng cầm quân đánh Nam dẹp Bắc, võ quan Lê Thì Hải với tài thao lược, dũng mãnh và tấm lòng nhân từ được người trên yêu mến, người dưới kính nể, từ đó đạt được sự vinh hiển ít người sánh kịp. Sau khi qua đời, ông được triều đình phong tặng hàm Thái phó, thi hài đưa về an táng ở quê nhà làng Phú Hào, xây dựng đền thờ uy linh. Theo người dân địa phương, đền thờ võ tướng Lê Thì Hải khi xưa bề thế, rộng lớn. Nhưng ngày nay, các công trình kiến trúc đều không còn. Chỉ còn 2 tấm văn bia khắc ghi thân thế, sự nghiệp và việc thờ cúng vị tướng uy danh lẫy lừng trong lịch sử.

Trong đó, văn bia Lê Tướng công sự nghiệp huân danh là “tài liệu” quý ghi lại sự nghiệp vẻ vang của Lê Tướng công (Lê Thì Hải) được dựng năm Bính Thân (1716). Lời người xưa ngợi ca: “... Thánh thượng coi là người tâm phúc, thân nhau như chân với tay, dân chúng dựa vào ngài như tòa thành vững ngàn dặm. Vì mệnh nước, tuổi đã cao mà đức lớn tỏ sáng, bề tôi đạt đến hàng tam công trong thiên hạ, đầy đủ ngũ phúc của đất trời, như thế đáng được ngưỡng vọng” (theo sách Địa chí huyện Triệu Sơn).

Trải qua hơn 300 năm, chữ khắc trên cả hai văn bia đều còn sắc nét với những lời lẽ tôn kính, ngợi ca công đức tiền nhân, song đáng tiếc, đền thờ lại không còn. Ngậm ngùi hơn khi hiện cả 2 văn bia nhiều năm qua đang nằm trong khu vực vườn nhà người dân. Ông Nguyễn Xuân Quy - Chủ tịch UBND xã Thọ Phú cho biết: “Khu vực được xác định là đền thờ Thạc Quận công Lê Thì Hải với những dấu tích còn sót lại và hiện vật là 2 tấm văn bia hiện đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Việc giữ gìn văn bia còn lại của đền thờ võ tướng Lê Thì Hải thời gian qua vẫn được người dân ý thức trách nhiệm. Tuy nhiên, để tôn tạo lại đền thờ là điều không dễ, cần đến nguồn lực kinh phí, sự vào cuộc của các cấp, ngành và ủng hộ của người dân...”.

(Bài viết tham khảo, sử dụng tư liệu trong các sách Địa chí huyện Triệu Sơn; Văn tài võ lược xứ Thanh.)

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]