Thái giám Ngọ Tư Thành - từ chối ban cấp tiền bạc cho bản thân
Người ta thường quan niệm thái giám là những người “yếu đuối”. Nhưng một số thái giám trong cung đình Việt xưa là những nhân tài kiệt xuất, lập nhiều công trạng to lớn đối với giang sơn xã tắc. Thái giám Ngọ Tư Thành, khi sống là một công thần giúp nước, khi chết rất linh thiêng, vì thế mà được phong “thần”.
Đền thờ có không gian rộng lớn, được xây dựng khang trang ở khu phố 1, thị trấn Quán Lào (Yên Định).
Trên đất Kẻ Lở
Là nơi chuyển tiếp giữa miền núi cao phía Tây và đồng bằng ven biển phía Đông, thị trấn Quán Lào (Yên Định) có địa hình tương đối bằng phẳng, đồng ruộng rộng lớn, phì nhiêu. Hơn nữa, vùng đất này lại nằm ở nơi có các dòng sông Mã, sông Mạn Định, sông Cầu Chày chảy qua. Con sông này góp phần làm nên đất và người Kẻ Lở.
Cũng vì nằm ở liền kề các con sông lớn mà nơi đây có dân cư đến khai đất lập làng từ rất sớm. Sau này thì nhiều cư dân từ nơi khác đã tìm đến làm ăn, sinh sống và lập nghiệp. Điều này đã tạo nên sự giao thoa văn hóa lớn, thể hiện trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Những tên làng, tên đất, tên sông ở nơi đây trở thành chất liệu trong những câu truyện dân gian lý thú. Các loại hình văn nghệ quần chúng như: làn điệu cò lả, hát bội, hát đối đáp, hát đúm, hát ghẹo... vang lên khi người dân mừng mùa màng bội thu, trong những lễ hội, hay những đêm trăng thanh gió mát... Các trò chơi dân gian như đánh cờ tướng, đánh cù... được tổ chức vào mùa xuân, trong ngày hội làng...
Năm nào cũng vậy, khi có lễ hội, người dân trong làng, trong phố từ già - trẻ, gái - trai tụ họp đông đủ tại đình làng dâng lễ tế thành hoàng làng, kết nạp thêm đinh... đồng thời cũng để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con người khỏe mạnh.
Di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh, đền thờ Thái giám Ngọ Tư Thành.
Ở thị trấn Quán Lào hiện nay, ngoài di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia đền thờ Lê Đình Kiên, còn có 3 di tích cấp tỉnh, đó là đình làng Thiết Đinh, đền thờ Trần Ân Chiêm và đền thờ Thái giám Ngọ Tư Thành. Đây là những địa chỉ để người dân và du khách tìm về cõi tâm linh đồng thời hiểu thêm về mảnh đất giàu truyền thống văn hóa và lịch sử.
Vị thái giám linh thiêng
Sinh ra ở thời nhà Lý, Ngọ Tư Thành vốn thông minh, tài năng hơn người. Sử sách ghi lại, ông làm quan nội giám trong triều, là người “trọng tâm ái quốc vẹn toàn”, kỷ cương phép nước rõ ràng, giúp vua xây dựng cơ đồ triều chính ổn định.
Nhắc đến thái giám, trong suy nghĩ và định kiến của nhiều người đó là đối tượng nhờ xiểm nịnh mà được lòng vua chúa, rồi nắm quyền chính, tác oai lộng quyền... song trong lịch sử phong kiến Việt Nam, đã từng có Lý Thường Kiệt, người được giao trọng trách cầm quân đánh giặc và lập nhiều chiến công hiển hách khiến quân Tống phía Bắc, quân Chiêm phía Nam phải khiếp sợ; có Lê Văn Duyệt, “Cọp gầm Đồng Nai” – một tài năng lớn về chính trị, kinh tế, quân sự... và không ít những vị quan thái giám thanh liêm khác.
Nói về Thái giám Ngọ Tư Thành, sử sách không ghi nhiều về quá trình ông làm quan trong triều đình nhà Lý. Nhưng lại ghi nhiều chuyện sau khi ông xin từ quan trở về quê nhà. Dù được vua ban thêm tước lộc, cấp tiền bạc song ông bái yết không nhận mà tâu với nhà vua ban cấp tiền bạc cho bản trang Châu Lữ (tên nôm: Kẻ Lở). Ông bái yết nhà vua rồi trở về quê nhà, dựng một sở khu Từ Vũ Đê để khai khẩn đất đai, đào ao làm một hồ sen lớn. Hưởng thụ chưa được bao lâu rồi ông ốm và chết.
Ông Lê Đình Tuấn, công chức văn hóa - xã hội thị trấn Quán Lào giới thiệu về chiếc khánh đá cổ trong đền thờ.
Tương truyền sau ba tháng ông mất, Nhân dân trong làng đều bị bệnh, đau ốm, không được yên ổn, bèn tiến hành làm lễ vọng yết ở lăng mộ Thái giám Ngọ Tư Thành. Ba ngày sau, Nhân dân trong làng đều khỏi bệnh, yên ổn. Thấy rõ sự linh thiêng ấy, họ đã chung tay dựng ngay một ngôi miếu để phụng thờ, phong ông làm vị thần linh thiêng của dân.
Đến thế kỷ XV, Bình định vương Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, khởi binh dẹp giặc Liễu Thăng, đi đến đền thờ Ngọ Tư Thành, tự nhiên giữa trưa mà trời đất tối sầm, gió mưa nổi lớn, binh mã không thể tiến lên được. Lê Lợi cho là việc linh thiêng khác thường, bèn triệu người dân hỏi rõ việc này.
Sau khi nghe được chuyện, Lê Lợi mệnh truyền Nhân dân làm tế lễ cầu. Trời đất bỗng tạnh quang, gió mưa cũng ngừng. Lê Lợi tiến binh, quân đi như bay đến trại giặc và nhanh chóng dẹp yên được giặc. Trở về, đến địa giới xã Sóc Sơn, huyện Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Lộc) lại thấy binh mã không tiến lên được, Lê Lợi không biết do đâu mà trở ngại, cho quân trở về đền thiêng ở trang Châu Lữ tiến hành làm lễ tạ. Sau sự việc đó, Lê Lợi cho sắc chỉ tới đền, phong Ngọ Tư Thành là “Đương cảnh thành hoàng. Trí nghĩa nhân cương. Nghị thái giám nội thị hầu. Thượng đẳng tối linh. Phúc thần đại vương”; cho phép Nhân dân trang Châu Lữ, huyện Yên Định, phủ Thiệu Thiên thờ, cúng, cấp thêm cho Nhân dân tiền công 47 quan để làm tiền hương hỏa và miễn binh lương các việc tạp dịch 3 năm.
Có nhiều năm trông coi đền thờ, bà Trịnh Thị Hoạt (72 tuổi) cho biết: Là bậc đương cảnh thành hoàng nên hằng năm đền thờ tổ chức rất nhiều lễ. Chẳng hạn lễ tưởng niệm ngày sinh cụ vào 13/3 âm lịch phải dùng thịt lợn, gạo đen, rượu trắng, đồ ngọt; Ngày giỗ 24/1 âm lịch thì đồ lễ trước một ngày là gà, nếp, rượu; chính lễ là cỗ chay, bánh trôi, hoa quả, kim ngân, áo mũ vàng mã; Ngày lễ mừng vào 20/10 cúng gồm có lợn, nếp, rượu và ca hát một ngày. Điều đặc biệt chữ “Thành” là chữ húy kị nên nhất thiết trong mọi ngày lễ đều nghiêm cấm mọi người mặc đồ màu trắng...
Trong không gian thơm ngát của hồ sen ngay trước đền, những câu chuyện huyền bí về Thái giám Ngọ Tư Thành từ thuở mới được sinh ra đến khi mất đi đều mang nhiều màu sắc dân gian. Điều đó càng cho thấy, sức ảnh hưởng, vai trò của ông trong lịch sử thăng trầm của các triều đại phong kiến cũng như trong đời sống tâm linh của người đương thời.
Về khu phố 1, thị trấn Quán Lào (Yên Định), chúng tôi có thể hiểu thêm phần nào lý lịch và cuộc đời của vị quan Thái giám Ngọ Tư Thành. Hiếm có ngôi đền thờ nào mà khang trang và to rộng như nơi đây. “Trong những năm qua, đền thờ được UBND thị trấn Quán Lào và Nhân dân tôn tạo bằng nguồn kinh phí của địa phương và sự đóng góp từ thiện của các cơ quan, đơn vị, của họ Ngọ, các bản hội, của Nhân dân và quý khách thập phương”, ông Lê Đình Tuấn, công chức văn hóa - xã hội thị trấn Quán Lào cho biết.
Bài và ảnh: Bảo Anh
{name} - {time}
-
2025-05-19 09:32:00
Đảng viên trẻ tiên phong phát triển kinh tế
-
2025-05-19 08:02:00
Học Bác, anh Lê Nhật Công say mê lao động sáng tạo
-
2025-05-16 10:26:00
Những người con ưu tú của đất mường Trịnh Vạn
[WOW! THANH HÓA] SUNSET GLAMPING SẦM SƠN
Đường đến thành công không đo bằng ánh đèn đô thị
Dòng họ Trịnh trên đất Biện Hạ xưa
Những người con vùng đất Cổ Định xưa
Sử gia Lê Văn Hưu - người viết nên bộ Đại Việt sử kí đầu tiên trong lịch sử
Võ tướng dốc lòng vì sự nghiệp Trung hưng nhà Lê
[WOW! THANH HÓA] Chó Lài sông Mã - Báu vật rừng xanh