Thám hoa Đỗ Huy Kỳ
Đỗ Huy Kỳ được nhắc nhiều nhất với tư cách là học trò của tiến sĩ Trần Ân Triêm (Chiêm) - người huyện Yên Định, trấn Thanh Hoa, nay thuộc thị trấn Quán Lào (Yên Định). Song, ông còn là Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh (Thám hoa) khoa Tân Hợi niên hiệu Vĩnh Khánh 3 (1731).
Một góc thôn Thuần Hậu hôm nay.
Có rất nhiều câu chuyện về tình thầy trò xoay quanh gia đình tiến sĩ Trần Ân Triêm và các học trò Đỗ Huy Kỳ, Hà Tông Huân, Trịnh Đồng Giai. Sau này, cả ba người đều trở thành con rể của thầy Triêm và đều đỗ đại khoa. Trong đó có 2 người vào bậc tam khôi đỗ đầu Đình nguyên là Hà Tông Huân và Đỗ Huy Kỳ.
Thám hoa Đỗ Huy Kỳ sinh năm 1695, người tổng Thử Cốc, huyện Thụy Nguyên (nay thuộc thôn Thuần Hậu, xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân).
Mặc dù có cuộc sống gian nan, vất vả nhưng dòng họ Đỗ ở huyện Thụy Nguyên xưa đã có truyền thống hiếu học, đỗ đạt cao, làm rạng danh cho làng. Bố của Đỗ Huy Kỳ là ông Đỗ Quang Châu đã đỗ khoa thi hương; hai em là Đỗ Huy Lâm và Đỗ Huy Lai cùng đỗ một khóa thi hội. Đặc biệt với cá nhân ông, vốn là người chăm chỉ, lại thông minh hơn người nên con đường thi cử khá thuận lợi. Sau khi đỗ khoa thi Sĩ vọng, năm 1731, ông đã đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ tam danh (Thám hoa) khoa Tân Hợi niên hiệu Vĩnh Khánh 3 đời vua Lê Duy Phường. Cũng bởi khoa thi này, trong tam khôi không có trạng nguyên, bảng nhãn, vì vậy Đỗ Huy Kỳ đứng thủ khoa Đình nguyên.
Đỗ đạt vinh quy, ông được tuyển làm quan trong triều. Kinh qua các chức quan từ Tham nghị, rồi Thừa chính sứ Hải Dương, tước Hoa Nhạc bá. Tin tưởng ông, nhà vua đã phái đi sứ sang nhà Thanh.
Năm Cảnh Hưng Mậu Thìn (1748), sứ bộ của ông lên đường. Tuy nhiên, khi mới đi đến trạm Lã Côi (nay thuộc xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội) thì ông lâm bệnh mất. Triều đình thương tiếc, truy tặng ông chức Lễ bộ Hữu thị lang.
Dù cuộc đời khá ngắn ngủi nhưng trong suốt 17 năm làm quan, Thám hoa Đỗ Huy Kỳ luôn giữ được sự thanh sạch, thương dân, cống hiến hết mình cho triều đình. Ngoài là vị quan thanh liêm, Thám hoa Đỗ Huy Kỳ nổi tiếng là người hay chữ, vì thế nhiều người đã tìm đến ông xin học. Trong đó có Phan Huy Cẩn, đỗ Hội nguyên Đồng tiến sĩ xuất thân năm 1754.
Sau khi chết Lễ bộ Hữu thị lang Đỗ Huy Kỳ được đưa về quê an táng và được cấp đất làm nhà thờ.
Trong gia đình, dòng họ chỉ còn một số ít tài liệu lưu trữ về Thám hoa Đỗ Huy Kỳ, song trên văn bia đề danh tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đã ghi rất rõ tên ông cùng 11 người đỗ đạt tại khoa Tân Hợi niên hiệu Vĩnh Khánh năm thứ 3 (1731).
Nhà thờ Thám hoa Đỗ Huy Kỳ tại thôn Thuần Hậu, xã Xuân Minh (Thọ Xuân).
Trải qua thời gian, tài liệu chính sử về Thám hoa Đỗ Huy Kỳ không còn nhiều. Tuy nhiên, về thôn Thuần Hậu, chúng tôi được ông Đỗ Huy Chân, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Xuân Minh, tự hào cho biết: Khi sống cụ là người có tài học, là quan thanh liêm, có nhiều đóng góp cho triều đình. Cuộc đời và tài học của ông được lưu truyền đến ngày nay. Ở ngay trên vùng đất xã Xuân Minh này, chính tại nhà thờ cụ đã diễn ra rất nhiều sự kiện quan trọng của làng, đánh dấu những mốc son của lịch sử cách mạng trong giai đoạn trước năm 1945. Là con cháu dòng họ, chúng tôi vô cùng tự hào về điều đó.
Theo sách Lịch sử xã Xuân Minh, năm 1942, sau khi vượt ngục trốn khỏi nhà tù của thực dân Pháp để tiếp tục hoạt động cách mạng, các đồng chí Trịnh Ngọc Điệt, Hoàng Tiến Trình, Nguyễn Văn Phác, Tố Hữu, Lê Tất Đắc, Hoàng Xung Phong đã được ông Đỗ Huy Kính (tức Lý Cung), Đỗ Huy Khuê cùng một số gia đình cơ sở cách mạng ở làng Thuần Hậu nuôi giấu và bảo vệ trong nhà thờ Thám hoa Đỗ Huy Kỳ. Cũng tại nơi này, năm 1943 đã diễn ra cuộc họp đại biểu Đảng bộ tỉnh. Tại hội nghị này, Ban Chấp hành Tỉnh ủy Thanh Hóa đã cử đồng chí Tố Hữu làm Bí thư Tỉnh ủy và phát triển phong trào cách mạng, xây dựng cơ sở đảng lãnh đạo tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Đã có thời kỳ, ngôi nhà thờ Thám hoa Đỗ Huy Kỳ bị chia tách và phá bỏ. Năm 1997, các ban, ngành chức năng của tỉnh, của huyện cùng với dòng họ chung tay xây dựng lại nhà thờ. Ông Đỗ Huy Dậu đại diện dòng họ Đỗ Huy cho biết: Trong 13 điểm di tích lịch sử cách mạng của xã Xuân Minh được công nhận có điểm nhà ông Đỗ Huy Kính gắn liền với nhà thờ Thám hoa Đỗ Huy Kỳ. Cùng với giá trị di tích cách mạng, nhà thờ Thám hoa Đỗ Huy Kỳ và cuộc đời, công trạng ông xứng đáng được xếp hạng di tích lịch sử. Vì vậy, chúng tôi đã làm đơn kiến nghị gửi các ban, ngành xem xét lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử văn hóa nhà thờ Thám hoa Đỗ Huy Kỳ gắn với di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Xuân Minh, ông Đỗ Huy Hùng khẳng định: Dòng họ Đỗ Huy luôn phát huy truyền thống hiếu học, chú trọng công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Quỹ khuyến học của dòng họ Đỗ Huy được phát động và có sự đóng góp nhiệt tình từ con em xa quê thành đạt. Cứ vào ngày 10 tháng giêng hằng năm, ngày hội làng Thuần Hậu, các gia đình tề tựu đông đủ tại nhà thờ họ, con cháu được nghe hội đồng gia tộc nói về truyền thống hiếu học của dòng họ Đỗ Huy tiêu biểu là cụ Thám hoa Đỗ Huy Kỳ, để nhắc nhở chính mọi người nỗ lực học tập, từ đó không chỉ làm thay đổi cuộc sống của bản thân mà còn góp phần xây dựng quê hương.
Bài và ảnh: Bảo Anh
{name} - {time}
-
2024-12-06 07:52:00
Nguyễn Công Duẩn, khai quốc công thần nhà Lê
-
2024-12-04 09:25:00
Nữ bí thư chi bộ nhiệt huyết, trách nhiệm
-
2024-10-04 07:03:00
Tướng quân Ðào Xuân Ðiền
Thẩm phán tiên phong nhận án khó
Một đời gùi chữ lên non
Thầy Ninh dạy chữ Thái
Nữ bí thư chi bộ kiểu mẫu
Người cao tuổi khởi nghiệp, làm kinh tế giỏi
Sức lan tỏa của cô gái mang năng lượng “sạch”
Trần Lựu - "Công ghi Pha Lũy lưỡi gươm hùng”
Gương sáng “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”
Danh quan Hoàng Hối Khanh