(vhds.baothanhhoa.vn) - Chiều 26/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Thanh Hóa về tình hình thực hiện nhiệm vụ KT-XH. Tham dự buổi làm việc còn có lãnh đạo các Bộ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa là VN thu nhỏ, cần phát huy lợi thế để phát triển

Chiều 26/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Thanh Hóa về tình hình thực hiện nhiệm vụ KT-XH. Tham dự buổi làm việc còn có lãnh đạo các Bộ.

Thanh Hóa là tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, dân số khoảng 3,5 triệu người, thu nhập bình quân trên 1.530USD/người. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh 9 tháng qua ước đạt 8,06%. Thanh Hóa là tỉnh có số thu ngân sách lớn, năm 2015 đạt trên 13.000 tỷ đồng, năm nay dự kiến số thu là gần 11.500 tỷ đồng. Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm, toàn tỉnh hiện có 1 huyện, 115 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Thanh Hóa cũng là địa phương có điều kiện giao thông khá thuận lợi với 102 km bờ biển, có Cảng hàng không Thọ Xuân, quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt chạy qua, có cửa khẩu quốc tế với Lào; có tiềm năng phát triển du lịch…

Tính đến cuối năm 2015, Thanh Hóa có 60 dự án FDI đang triển khai, với tổng vốn đầu tư 12,7 tỷ USD, đứng thứ 6 cả nước về thu hút vốn FDI.

Thế nhưng, theo đại diện các Bộ, lẽ ra với nhiều lợi thế, Thanh Hóa phải có sự phát triển đột phá thay vì như hiện nay.

Nguyên nhân được cho là Thanh Hóa thiếu tính kế thừa giữa các giai đoạn, chưa khai thác tốt các lợi thế tiềm năng. Bốn vùng động lực phát triển tỉnh, còn gọi là “tứ sơn”, là Nghi Sơn, Sầm Sơn, Bỉm Sơn, Lam Sơn chưa tạo động lực đồng bộ cho phát triển.

Cùng với đó, môi trường đầu tư kinh doanh còn phải cải thiện, coi trọng các nhà đầu tư hơn nữa, kể cả các nhà đầu tư nhỏ.

Thanh Hóa có nhiều di tích lịch sử quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt và các danh lam thắng cảnh như: Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, Sầm Sơn, Bến En...

Năm 2015, Thanh Hóa thu hút được 5,54 triệu lượt khách, nhưng con số này vẫn được coi là chưa tương xứng với tiềm năng, đặc biệt là còn ít khách nước ngoài.

Đại diện các Bộ cho rằng, thời gian tới, Thanh Hóa cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, thu hút mạnh đầu tư vào KKT Nghi Sơn cũng như các vùng động lực của tỉnh; thúc đẩy phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, Thanh Hóa cũng cần lưu ý quy mô thu ngân sách của tỉnh có chiều hướng giảm. Do đó tỉnh cần có biện pháp khắc phục, tăng thu và tự chủ tốt hơn và cân đối nguồn trả nợ cho một số khoản vay của tỉnh.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng biểu dương Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa có nhiều nỗ lực trong phát triển KT-XH, cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực; nhiều chỉ tiêu KT-XH, QP-AN đạt và vượt kết hoạch; xây dựng nông thôn mới có kết quả tốt.

Tuy vậy, Thủ tướng lưu ý, điều hành một tỉnh lớn với hơn 3,5 triệu dân đòi hỏi lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cần thấy hết những khó khăn; phát huy tốt tiềm năng lợi thế, trong đó có tiềm năng con người, với lực lượng lao động chiếm tới trên 65% dân số.

Thủ tướng đánh giá cao Thanh Hóa xác định hướng đi phát triển các KKT và khu công nghiệp, nhưng lưu ý tỉnh vẫn có 1/3 dân số sống ở vùng cao và nhiều xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, dư thừa lao động nông thôn.

Cùng với đó, Thủ tướng lưu ý, Thanh Hóa vẫn là tỉnh phải nhận trợ cấp ngân sách Trung ương, quy mô kinh tế còn nhỏ, số lượng doanh nghiệp còn thấp và chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Tỉnh cần quan tâm về tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, các khu công nghiệp.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Thanh Hóa một số giải pháp: “Đảng bộ Thanh Hóa cần phát huy được truyền thống quý báu của người dân Thanh Hóa, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, phấn đấu trở thành một tỉnh khá của cả nước. Từ lợi thế so sánh, Thanh Hóa cần chuẩn bị điều kiện để hội nhập tốt hơn nữa. Một câu hỏi đặt ra đối với Đảng bộ, chính quyền Thanh Hóa, là khi hội nhập, nhất là những hiệp định thương mại thế hệ mới, thì người dân và doanh nghiệp Thanh Hóa phải phát triển theo hướng nào? Không trả lời được câu hỏi này thì sẽ gặp khó khăn trong vận hành phát triển của tỉnh”.

Để phát triển đúng hướng, Thủ tướng yêu cầu Thanh Hóa làm tốt quy hoạch, phân định rõ các khu phát triển đối với từng ngành nghề, lĩnh vực.

Trong lãnh đạo điều hành, Thủ tướng cho rằng Thanh Hóa phải tôn trọng nguyên tắc thị trường, xã hội hóa để thu hút mạnh mẽ mọi nguồn lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong mọi lĩnh vực.

Về các chỉ tiêu KT-XH, Thủ tướng chỉ đạo Thanh Hóa cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, thực hiện hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch năm nay và các năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, Thanh Hóa cần tìm mô hình phát triển phù hợp, phát triển kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao năng lực phẩm chất, chú ý xây dựng nền hành chính liêm chính, phục vụ người dân.

Thủ tướng chỉ rõ: “Cần tiếp tục suy nghĩ phát huy tiềm năng lợi thế của một Việt Nam thu nhỏ ở tỉnh Thanh Hóa, triển khai quyết liệt hành động để thực hiện Nghị quyết 19, 35, 60 của Thủ tướng Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công để triển khai các dự án”.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng cho rằng, Thanh Hóa cần coi trọng hơn nữa và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng xây dựng nền nông nghiệp đa chức năng, ứng dụng khoa học công nghệ, đưa doanh nghiệp về nông thôn, củng cố hợp tác xã, có chương trình đào tạo lao động nông thôn, chuyển đổi lao động ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp. Cùng với đó, tỉnh cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho miền Tây của tỉnh còn nghèo khó.

Thủ tướng cũng chỉ đạo tỉnh kiên quyết không khởi công các dự án khi chưa có vốn, không gây phát sinh nợ mới; quản lý vốn chặt chẽ, hiệu quả và đúng quy định của Nhà nước.

Đi liền với đó, tỉnh cần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm tỷ lệ nghèo xuống dưới mức bình quân cả nước.

Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh đảm bảo an ninh trật tự xã hội, trấn áp tội phạm trên địa bàn, bởi đây là một điều kiện quan trọng để góp phần thu hút khách du lịch.

Thủ tướng cũng nhắc nhở Thanh Hóa cần đoàn kết, từ Ban thường vụ, UBND các cấp; đẩy mạnh chống tiêu cực, tham nhũng, tình trạng sân sau; giữ gìn môi trường sống cho người dân, nhất là môi trường biển, sông.

Nguồn: VOV



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]