(vhds.baothanhhoa.vn) - Hiện nay Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Thanh Hóa, doanh nghiệp đã và đang vào cuộc quyết liệt, khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Thủy điện Hồi Xuân.

Tháo gỡ “nút thắt” cho Dự án Thủy điện Hồi Xuân

Hiện nay Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Thanh Hóa, doanh nghiệp đã và đang vào cuộc quyết liệt, khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Thủy điện Hồi Xuân.

Tháo gỡ “nút thắt” cho Dự án Thủy điện Hồi XuânĐồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng và các thành viên trong đoàn kiểm tra công trình Thủy điện Hồi Xuân tháng 2-2023. Ảnh: Minh Hiếu

Thanh Hóa quyết liệt chỉ đạo thực hiện Dự án Thủy điện Hồi Xuân

Ngày 15-2-2023, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đi kiểm tra công trình chậm tiến độ Thủy điện Hồi Xuân, huyện Quan Hóa. Để đưa dự án đi vào hoạt động nhằm ổn định đời sống Nhân dân vùng bị ảnh hưởng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Công ty CP Đầu tư và Xây dựng điện Hồi Xuân VNECO tập trung thu xếp nguồn vốn để tiếp tục triển khai dự án, huy động mọi nguồn lực, tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của các cơ quan hữu quan để có nguồn vốn triển khai dự án. Đồng thời yêu cầu các ban, sở, ngành và huyện Quan Hóa thường xuyên nắm chắc tình hình, theo dõi kiểm tra tiến độ công việc công ty đang triển khai thực hiện, kịp thời giải quyết vấn đề khó khăn phát sinh để đưa dự án vào vận hành, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Quan Hóa cũng như tỉnh Thanh Hóa.

Làm việc với phóng viên Báo Thanh Hóa, ông Nguyễn Đức Dũng, Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa cho biết: Hiện nay, huyện Quan Hóa có 3 công trình thủy điện trên dòng sông Mã là thủy điện Trung Sơn, Thành Sơn, Hồi Xuân. 2 công trình thủy điện đi vào hoạt động đã phát điện, vận hành ổn định, góp phần tăng thêm công suất sản xuất điện trên địa bàn tỉnh, đóng góp ngân sách lớn cho huyện Quan Hóa và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đối với Dự án Thủy điện Hồi Xuân, do thời gian triển khai dài, quá trình thi công có sự điều chỉnh lại dự án, nhiều lần thay đổi nhà đầu tư, dẫn đến dự án chậm tiến độ, hiện nay dừng hoạt động gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển trên địa bàn, đời sống Nhân dân. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương hiểu vai trò, ý nghĩa, tác động của thủy điện đối với sự phát triển của đất nước, của tỉnh và huyện Quan Hóa, bởi vậy thể hiện quyết tâm rất cao khi có chủ trương quyết định đầu tư. Huyện đã chủ động vào cuộc phối hợp với các nhà đầu tư theo sự chỉ đạo của tỉnh, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, sắp xếp ổn định dân cư. Huyện đang thực hiện chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại Thông báo số 210-TB/VPTU ngày 16-2-2023 của Văn phòng Tỉnh ủy để xây dựng kế hoạch chi tiết việc thực hiện các nội dung công việc còn lại của dự án, trong đó xác định các nhiệm vụ cụ thể, thứ tự thực hiện, thời gian hoàn thành ngay sau khi chủ đầu tư được giải ngân nguồn vốn bổ sung để giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho Thủy điện Hồi Xuân

Nhận được phản ánh về Dự án Thủy điện Hồi Xuân chậm tiến độ, gây ảnh hưởng đến đời sống của hàng nghìn người dân, tại Văn bản 1391/VPP-CN ngày 6-3-2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành liên quan kiểm tra, tháo gỡ khó khăn. Ngày 9-3-2023, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Dự án Thủy điện Hồi Xuân.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: Dự án Thủy điện Hồi Xuân là dự án khá lớn với quy mô công suất 102 MW, dự kiến hàng năm cung cấp 328,49 triệu kWh cho hệ thống điện quốc gia và sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Việc nhanh chóng đi vào vận hành dự án này còn góp phần tận dụng, phát huy những tiềm năng, lợi thế của Thanh Hóa về năng lượng tái tạo. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu đối với chủ đầu tư dự án phải khẩn trương đánh giá tổng thể, rà soát kỹ lưỡng để tìm ra những “nút thắt” cần tháo gỡ. Sau khi được giải ngân nguồn vốn bổ sung, chủ đầu tư phối hợp với UBND các tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình, UBND các huyện để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các hộ dân trong vùng ảnh hưởng; hoàn thiện các thủ tục pháp lý của dự án; tổ chức triển khai thi công các hạng mục công trình còn dở dang và các công việc khác để sớm đưa dự án vào vận hành.

Đối với UBND tỉnh Thanh Hóa, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị tỉnh chủ trì cùng lãnh đạo tỉnh Hòa Bình chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ thiết thực, kịp thời những khó khăn, vướng mắc, trở ngại của người dân trong vùng ảnh hưởng của dự án (kể cả việc chủ động xây dựng cơ sở hạ tầng tái định cư cho người dân) không để bức xúc kéo dài. Trong thời gian chủ đầu tư thực hiện các thủ tục để bổ sung nguồn vốn thực hiện dự án, UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các cơ quan có liên quan (đặc biệt là UBND các huyện, xã nơi có các hộ dân bị ảnh hưởng), vận động người dân thông cảm, chia sẻ với khó khăn của chủ đầu tư; không để người dân trong vùng bị bức xúc, gây mất ổn định trật tự, xã hội.

Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ trưởng yêu cầu, EVN cần rà soát các hợp đồng mua bán điện đã ký và xem xét, thương thảo, giải quyết những khuyến nghị của chủ đầu tư theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, hỗ trợ chủ đầu tư dự án trong việc đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, thí nghiệm, hiệu chỉnh, chạy thử và các kiến nghị chính đáng khác của chủ đầu tư thuộc thẩm quyền của EVN.

Báo cáo tại cuộc họp, chủ đầu tư dự án, ông Thái Minh Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư và Xây dựng điện Hồi Xuân VNECO cho biết: Khó khăn lớn nhất của dự án đang gặp phải là vấn đề giải phóng mặt bằng, thiếu vốn. Hiện chủ đầu tư dự án cam kết hết quý I-2024 sẽ hoàn thiện, vận hành nhà máy.

Cũng theo báo cáo của VNECO, cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, tổng thầu xây dựng tự bỏ kinh phí để tái khởi động xây dựng nhà máy thủy điện và đã hoàn thành được một số hạng mục: lao dầm và đổ sàn cầu vượt 3 khoang tràn; lát nền sân MBA 220kV ước tính khối lượng đạt khoảng 3,5 tỷ đồng. Giá trị kinh phí để hoàn thành xây dựng đập và nhà máy thủy điện còn lại khoảng 206,3 tỷ đồng.

Thời gian qua, thực hiện Thông báo số 210-TB/VPTU ngày 16-2-2023 của Văn phòng Tỉnh ủy về việc thực hiện kết luận của đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh về việc đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án Thủy điện Hồi Xuân, UBND tỉnh đã có Công văn số 2194/UBND-CN ngày 24-2-2023 triển khai thực hiện kết luận của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh. Đồng thời, sau khi Bộ Công Thương chủ trì cuộc họp về tình hình triển khai đầu tư xây dựng và các tồn tại, vướng mắc của Dự án Thủy điện Hồi Xuân và đã có Thông báo kết luận số 52/TB-BCT ngày 21-3-2023, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có văn bản triển khai kết luận của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại Công văn số 4151/UBND-CN ngày 29-3-2023. Theo đó, UBND tỉnh giao: Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành, đơn vị liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình về việc triển khai Dự án Thủy điện Hồi Xuân để hướng dẫn UBND huyện Quan Hóa và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng điện Hồi Xuân VNECO giải quyết các khó khăn, vướng mắc và thực hiện các nội dung công việc còn lại nhằm hoàn thành dự án, đưa Nhà máy Thủy điện Hồi Xuân đi vào vận hành. Đến nay, qua báo cáo của chủ đầu tư, khó khăn lớn nhất của chủ đầu tư là chưa huy động được nguồn vốn còn thiếu để tiếp tục triển khai thực hiện dự án. Đây là “nút thắt” cơ bản để sớm đưa dự án vào vận hành.

Thảo Nguyên

Tin liên quan:
  • Tháo gỡ “nút thắt” cho Dự án Thủy điện Hồi Xuân
    Người dân mong chờ thủy điện sớm đi vào vận hành

    Việc Dự án Thủy điện Hồi Xuân chậm tiến độ thực hiện do thiếu vốn không chỉ ảnh hưởng đến quá trình vận hành, sản xuất điện hòa vào lưới điện quốc gia mà còn ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân nhường đất cho thủy điện, cũng như chưa thể hoàn trả, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội tại khu vực này.

  • Tháo gỡ “nút thắt” cho Dự án Thủy điện Hồi Xuân
    Thủy điện dang dở sau hơn 10 năm khởi công

    Dự án Thủy điện Hồi Xuân là 1 trong 3 công trình thủy điện trên địa bàn huyện Quan Hóa được xây dựng trên sông Mã. Nếu như Nhà máy Thủy điện Trung Sơn và Thành Sơn đã đi vào vận hành ổn định, thì hiện nay Nhà máy Thủy điện Hồi Xuân vẫn đang còn dang dở. Các công trình chính chưa xây dựng tiếp, trong khi đó các hạng mục xây lắp từ lâu đang dần xuống cấp.



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]