(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Tấm Huy chương Vàng SEA Games 29 đã và đang mang dáng dấp như một chiếc “phao cứu sinh” của Liên đoàn. Nó không chỉ mang theo niềm hy vọng cứu một nhiệm kỳ VFF “nghèo nàn” thành tích mà còn được trông đợi sẽ vớt vát uy tín, vị thế cho nhiều cá nhân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

‘Phao cứu sinh’ của Liên đoàn

(VH&ĐS) Tấm Huy chương Vàng SEA Games 29 đã và đang mang dáng dấp như một chiếc “phao cứu sinh” của Liên đoàn. Nó không chỉ mang theo niềm hy vọng cứu một nhiệm kỳ VFF “nghèo nàn” thành tích mà còn được trông đợi sẽ vớt vát uy tín, vị thế cho nhiều cá nhân.

Sân chơi lần này mang ý nghĩa khác hẳn bởi kết thúc SEA Games 29 cũng là thời điểm VFF rục rịch bước vào Đại hội VIII - hoạt động định kỳ song tiềm ẩn không ít biến động nơi “thượng tầng”. Chính vì thế mà tại Hội nghị Ban chấp hành VFF lần thứ 10 - nhiệm kỳ VII diễn ra tại TP Hồ Chí Minh cách đây mươi ngày (23/7), chủ trương “dốc toàn lực” cho SEA Games 29 nhận được sự đồng thuận rất cao.

Để có cái nhìn toàn diện về chủ trương này, trước hết, hãy nói về những chuyển động của làng bóng nước nhà trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến năm 2009, tương đương với nhiệm kỳ V của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). 1 năm trước khi nhiệm kỳ V khép lại, giới thạo tin đã không ngừng “rỉ tai” nhau chuyện “ông nọ mất ghế”, “vị kia phải rời vị trí”. Nhận định này không phải không có cơ sở bởi trong gần 4 năm điều hành, nền bóng đá quốc nội nhìn đâu cũng thấy thất bại, tiêu cực. Mở đầu là vụ án trọng tài Lương Trung Việt cùng đồng phạm đưa, nhận và môi giới hối lộ tại V.League mùa bóng 2004 - 2005. Bản án 7 năm tù cho ông “vua áo đen” họ Lương còn chưa ráo mực thì xảy ra scandal bán độ động trời ở SEA Games 23 (năm 2005). Hai năm sau, thầy trò huấn luyện viên Alfred Riddle tiếp tục “cúi mặt” rời xứ chùa Vàng sau thất bại tới 0-5 trước Singapore ở trận tranh Huy chương đồng SEA Games 24. Ở đấu trường trong nước, V.League liên tục dính “phốt” mà đỉnh điểm là vụ bạo loạn trên sân Vinh khiến một khán giả tử vong năm 2008...

Ấy thế nhưng, cục diện bỗng xoay chuyển một cách ngoạn mục khi Chủ tịch VFF lúc ấy là Nguyễn Trọng Hỷ quyết định giao quyền dẫn dắt đội tuyển quốc gia cho nhà cầm quân người Bồ Đào Nha Calisto. Và chức vô địch AFF Suzuki Cup năm 2008 mà thầy trò ông Calisto mang về được Thường trực VFF “bám” lấy như một sự bảo chứng cho năng lực điều hành của nhân sự khóa V. Không ngạc nhiên khi ông Hỷ tiếp tục trúng cử và đàng hoàng ngồi trên chiếc ghế tối cao của Liên đoàn thêm 4 năm nữa (2009 - 2013).

Ở thời điểm hiện tại, thực trạng bóng đá nước nhà dẫu chưa đến nỗi “bi đát” như cách đây hơn một thập kỷ thì cũng chẳng có gì sáng sủa. Trong cương vị “ông chủ” của ngôi nhà VFF khóa VII (2014 - 2018), đương kim Chủ tịch Lê Hùng Dũng không ngừng tuyên bố lần lượt những mục tiêu: Đội tuyển Việt Nam vào chung kết AFF Cup 2014, đội tuyển nữ vào vòng chung kết World Cup tại Canada 2015, đội U23 Việt Nam vô địch SEA Games 28 năm 2015 tại Singapore. Song tất cả chúng ta đều biết, 3 lần “mơ cao” là chừng ấy lần chúng ta “ngã đau”.

Trong bối cảnh chưa đầy một năm nữa, Đại hội VFF nhiệm kỳ VIII sẽ diễn ra, không ngạc nhiên khi Liên đoàn đã và đang trông cả vào SEA Games 29 bởi chỉ có “vàng SEA Games” mới là bệ đỡ cần thiết để cho “ai đó” chạy đua vào chiếc ghế quyền lực nhất VFF hoặc trụ vững ở vị trí hiện tại. “Vương miện” bóng đá khu vực còn là điều kiện cốt tử quyết định huấn luyện viên trưởng Nguyễn Hữu Thắng có được tiếp tục dẫn dắt đội bóng đá quốc gia hay không? Và như những gì người hâm mộ đã được nghe từ Phó Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức, chuyện ông có tiếp tục tham gia điều hành VFF hay không cũng hoàn toàn phụ thuộc vào thành tích sân cỏ ở kỳ SEA Games 29 tới.

Thanh Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]