(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau một mùa giải buộc phải hủy bỏ cả ba giải đấu bóng đá cao nhất, phương án cho mùa giải năm 2022 đã sớm được xác định. Tuy vậy, cả hai phương án đã được đưa ra vẫn được xem là “bình mới, rượu cũ” khi cả Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) vẫn bộc lộ sự bị động và chưa tính toán hợp lý, hài hòa “bài toán lợi ích”.

Bài toán lợi ích và việc “loay hoay” phương án tối ưu cho giải V.League

Sau một mùa giải buộc phải hủy bỏ cả ba giải đấu bóng đá cao nhất, phương án cho mùa giải năm 2022 đã sớm được xác định. Tuy vậy, cả hai phương án đã được đưa ra vẫn được xem là “bình mới, rượu cũ” khi cả Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) vẫn bộc lộ sự bị động và chưa tính toán hợp lý, hài hòa “bài toán lợi ích”.

Bài toán lợi ích và việc “loay hoay” phương án tối ưu cho giải V.League

Không chỉ bóng đá Việt Nam mà gần như các nền bóng đá thế giới đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 trong 2 năm qua. Việc buộc phải hoãn, hủy các giải bóng đá quốc gia, các giải vô địch châu lục, thế giới là việc khó tránh khỏi và các nước đều phải chấp nhận với thực tế này. Mặc dù vậy, các liên đoàn bóng đá quốc tế, các quốc gia đều sớm chủ động xây dựng phương án tổ chức trở lại các giải bóng đá thích ứng với công tác phòng, chống dịch. Về cơ bản, hoạt động bóng đá nói chung, các giải bóng đá được tổ chức trở lại với “kịch bản” mới đã được các liên đoàn bóng đá, các quốc gia thực hiện khá hiệu quả. Nhiều quốc gia cũng đã bắt đầu đưa khán giả trở lại các sân bóng mà vẫn thực hiện rất nghiêm, chặt chẽ công tác phòng, chống dịch. Điều đáng nói là thể thức thi đấu của các giải không bị thay đổi và được giữ nguyên theo truyền thống.

Không chỉ ở khu vực châu Âu mà ngay cả ở châu Á, dù vẫn đang phải căng mình chống dịch nhưng các nước vẫn tổ chức trở lại hệ thống các giải bóng đá quốc gia, tham gia các giải quốc tế. Những yếu tố trên đã khẳng định tính chuyên nghiệp, sự linh hoạt trong công tác tổ chức. Điều này đã giúp các đội bóng được định hướng rõ ràng để có sự chuẩn bị, thích ứng với điều kiện, yêu cầu của tình hình mới, trong đó gắn liền với công tác phòng dịch.

Trong khi đó, dù đã trải qua năm thứ hai chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng cả VFF và VPF vẫn “loay hoay” với các phương án thi đấu của giải vô địch quốc gia V.League. Việc phải bỏ thể thức thi đấu truyền thống (lượt đi và lượt về với 26 vòng đấu) và phương án thể thức mới (thi đấu 13 vòng giai đoạn 1, tách thành 2 nhóm: tranh vô địch và đua trụ hạng) vẫn còn khiến nhiều đội bóng không khỏi băn khoăn. Ngay cả khi dịch COVID-19 trong nước bùng phát trở lại, ban điều hành giải còn bộc lộ sự non kém khi quyết định dời giải V.League năm 2021 sang tháng 3-2022. Dĩ nhiên, hơn 2/3 các CLB đều phản đối khi các đội sẽ gặp nhiều khó khăn về tài chính khi vẫn phải “nuôi quân, nuôi tướng” trong khoảng 7 tháng giải tạm nghỉ. Chưa kể những bất cập khác như hợp đồng các cầu thủ hết hạn trong năm 2021, kế hoạch cho mùa giải 2022 bị ảnh hưởng không tốt... Đa phần lãnh đạo các CLB đều cho rằng, việc VFF, VPF tự đưa ra quyết định nói trên chỉ giúp bảo đảm lợi ích về tiền tài trợ, quảng cáo, bản quyền truyền hình... mà chưa quan tâm đến những khó khăn của các đội bóng. Ngay cả khi quyết định hủy bỏ toàn bộ 3 giải đấu gồm V.League, hạng Nhất và Cúp Quốc gia chính thức được thông qua, các CLB vẫn phải căng mình vượt qua khó khăn để chuẩn bị cho mùa giải mới.

Chủ tịch CLB Đông Á Thanh Hóa Cao Tiến Đoan cho biết: Trên thực tế, trong tháng 11 và tháng 12-2021, nếu tình hình dịch được kiểm soát, giải V.League hoàn toàn có thể tổ chức được với nhiều cách thức như các nước đã áp dụng thi đấu tập trung tại một số địa điểm trong điều kiện toàn bộ các thành viên của các CLB đã tiêm 2 mũi vắc-xin phòng COVID-19; thi đấu không có khán giả; thực hiện công tác phòng dịch ở mức cao nhất. Với việc SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam đã lùi sang tháng 5-2022, phương án này vẫn sẽ khả thi nếu ban điều hành giải có sự chủ động, tính toán một cách linh hoạt, phù hợp nhất. Khi đó sẽ bảo đảm hài hòa về lợi ích cho ban tổ chức và các đội bóng”.

Trong Hội nghị tổng kết mùa giải 2021, VFF, VPF đã xác định 2 phương án cho giải V.League 2022 đó là: thi đấu theo thể thức truyền thống (26 vòng đấu lượt đi và lượt về) và thể thức đã áp dụng trong năm 2020 và 2021. Dù vậy, đây vẫn là những “kịch bản” đã cũ. Điều mà các đội bóng mong chờ không chỉ là thể thức của giải V.League mà còn là cách thức tổ chức, điều hành của VFF và VPF phải có sự đổi mới, chủ động hơn để thích ứng với công tác phòng, chống dịch trong nước. Cần phải có sự hài hòa về lợi ích giữa Ban tổ chức và các CLB. Có như vậy, các giải bóng đá quốc gia sẽ không rơi vào nguy cơ liên tục bị hoãn, “thay đổi xoành xoạch” và bị hủy bỏ. Tính chuyên nghiệp phải được thể hiện bằng những giải pháp hiệu quả, những định hướng, hành động cụ thể để chính các CLB chủ động, thích nghi với tình hình mới.

Mạnh Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]