(vhds.baothanhhoa.vn) - Vừa phải tăng cường công tác đào tạo vận động viên (VĐV) kế cận đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, bộ môn bắn súng Thanh Hóa còn phải vượt qua những khó khăn do thiếu súng, đạn cho tập luyện và thi đấu. Đây vẫn là nỗi trăn trở của các xạ thủ xứ Thanh nhiều năm nay.

Bắn súng Thanh Hóa - và nỗi trăn trở thiếu súng, đạn

Vừa phải tăng cường công tác đào tạo vận động viên (VĐV) kế cận đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới, bộ môn bắn súng Thanh Hóa còn phải vượt qua những khó khăn do thiếu súng, đạn cho tập luyện và thi đấu. Đây vẫn là nỗi trăn trở của các xạ thủ xứ Thanh nhiều năm nay.

Bắn súng Thanh Hóa - và nỗi trăn trở thiếu súng, đạnĐội tuyển bắn súng Thanh Hóa nỗ lực vượt qua khó khăn do thiếu súng, đạn, vẫn giành được thành tích tốt tại đấu trường quốc gia những năm gần đây.

Bắn súng là một trong những bộ môn thế mạnh của thể thao Thanh Hóa trong hơn 1 thập kỷ qua. Bên cạnh những thành tích khá ổn định ở đấu trường quốc gia hàng năm, các xạ thủ cũng đã có nhiều đóng góp về huy chương, thành tích cho đoàn Thanh Hóa tại các kỳ đại hội thể thao toàn quốc gần đây. Điển hình nhất là tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018, bắn súng đã đem về 5 HCV, đóng góp đáng kể vào vị trí thứ 4 toàn đoàn của Đoàn Thể thao Thanh Hóa trên bảng tổng sắp huy chương. Bắn súng Thanh Hóa cũng đã từng giành được HCV ở đấu trường SEA Games, cũng như tại các giải trong khu vực Đông Nam Á.

Thành công là đáng ghi nhận nhưng cũng ít ai biết được phía sau những tấm huy chương nói trên, các xạ thủ xứ Thanh đã phải đối mặt với không ít khó khăn, thiếu thốn. Đầu tiên là điều kiện tập luyện tại khu trường bắn quá cũ, xuống cấp nghiêm trọng và đã lỗi thời, không còn đáp ứng với yêu cầu mới hiện nay. Không chỉ vậy, khó khăn còn nhân lên gấp bội khi nhiều năm nay, đội bắn súng Thanh Hóa luôn ở trong tình trạng thiếu đạn, thiếu súng. “Bắn súng mà không có đạn thì thi đấu sao được” - câu nói vui nhưng lại là chuyện có thật. Việc mua đạn phụ thuộc vào các đơn vị của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Vì thế, đối với các đội tuyển bắn súng Quân đội, Công an, việc mua đạn cho quá trình tập luyện và thi đấu hàng năm thuận lợi hơn rất nhiều. Còn với các đơn vị tỉnh lẻ như Thanh Hóa, vấn đề này vẫn rất khó khăn.

Theo ban huấn luyện đội tuyển bắn súng Thanh Hóa, việc đặt mua đạn đã được bộ môn gấp rút triển khai từ năm 2021, tuy nhiên cho đến thời điểm này vẫn chưa có đạn. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình huấn luyện, tập luyện của bộ môn. Với số lượng đạn ít ỏi hiện tại, bộ môn buộc phải tiết kiệm, để dành để đi thi đấu các giải quốc gia năm 2022, nhất là giải vô địch quốc gia trong chương trình Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX vào cuối năm nay. Điều này đồng nghĩa với việc các xạ thủ xứ Thanh vẫn phải “tập chay”. Chất lượng chuyên môn của công tác huấn luyện, tập luyện nâng cao thành tích cho cá nhân từng xạ thủ là rất khó khăn trong điều kiện thiếu thốn hiện nay.

Không chỉ thiếu đạn, hầu hết súng phục vụ thi đấu của bộ môn hiện nay là súng đã có “tuổi đời” trên dưới chục năm. Cho đến thời điểm này, môn thể thao bắn súng đã có nhiều thay đổi cả về luật thi đấu cũng như yêu cầu về trang thiết bị thi đấu, nhất là hệ thống súng - đạn. Vì vậy, số súng hiện nay chỉ đáp ứng yêu cầu tối thiểu nhất, còn lại là đã lỗi thời, chưa kể còn bị hỏng hóc. Các VĐV vẫn phải “liệu cơm, gắp mắm”. Cơ hội được gọi vào đội tuyển quốc gia của các xạ thủ Thanh Hóa cũng đã bị thu hẹp lại. Hiện Thanh Hóa không có VĐV nào trong đội tuyển quốc gia và chỉ có 1 số VĐV trong đội trẻ quốc gia. Trước tình hình đó, năm 2021, bộ môn đã được phê duyệt chủ trương mua súng mới với 3 khẩu súng trường hơi. Thanh Hóa có thế mạnh ở các nội dung súng trường hơi nên việc đầu tư mua súng mới là hợp lý và cần thiết ở thời điểm này. Dù vậy, các VĐV nam, nữ ở cả 3 tuyến cũng sẽ phải chia nhau sử dụng, trong đó các xạ thủ ở đội 1 sẽ được ưu tiên hơn, nhất là phục vụ thi đấu ở các giải đấu lớn. Các VĐV tuyến trẻ và năng khiếu phải tập luyện với súng cũ và vẫn thiếu đạn.

Bước vào giai đoạn 2021 - 2025 với những yêu cầu, nhiệm vụ và mục tiêu mới đó là giữ được vị trí trong tốp đầu toàn quốc và nâng cao thành tích trên đấu trường quốc tế. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, bộ môn bắn súng Thanh Hóa đã xây dựng lực lượng VĐV kế cận với lứa xạ thủ năng khiếu khá triển vọng. Trong số 30 VĐV của cả bộ môn thì xạ thủ trẻ nhất sinh năm 2009. Các VĐV kỳ cựu, kinh nghiệm như Phùng Lê Huyên, Nguyễn Thành Đạt, Đỗ Mạnh Định, Tạ Trang Thư vẫn là những trụ cột quan trọng bên cạnh những nhân tố trẻ hơn như Nguyễn Thị Hải Yến, Mai Thị Thương...

Năm 2021, các giải đấu quốc gia gần như hủy bỏ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và đây được xem là giai đoạn để các xạ thủ xứ Thanh có sự chuẩn bị tốt nhất cho năm 2022 với nhiều giải đấu quốc gia quốc tế quan trọng. Các VĐV bắn súng Thanh Hóa vẫn phải nỗ lực vượt qua những khó khăn, thiếu thốn để giành được những thành tích tốt nhất. Kết quả giành được 5 HCV, 4 HCB và 2 HCĐ, xếp thứ ba toàn đoàn tại Giải vô địch các CLB bắn súng quốc gia năm 2022 mới đây, được xem là bước chạy đà quan trọng để các xạ thủ xứ Thanh hướng tới mục tiêu giành từ 3 HCV trở lên tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX, phấn đấu giành thứ hạng cao tại giải trẻ quốc gia năm 2022.

Mạnh Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]