(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhắc nhà Thục Hán bên Trung Hoa, người ta không thể không nhắc đến Triệu Tử Long, một trong “ngũ hổ tướng” của Lưu Bị với những chiến công lừng lẫy trên chiến trường.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Câu chuyện thể thao: Dụng nhân...

Nhắc nhà Thục Hán bên Trung Hoa, người ta không thể không nhắc đến Triệu Tử Long, một trong “ngũ hổ tướng” của Lưu Bị với những chiến công lừng lẫy trên chiến trường.

Tuy nhiên, có một thực tế là trước khi phò tá họ Lưu, Triệu Tử Long chỉ là một tướng trẻ “vô danh” dưới trướng sứ quân Công Tôn Toản và hoàn toàn không nhận được sự tín nhiệm của chủ. Phò tá họ Lưu là quyết định, có thể nói đúng đắn nhất của Triệu Tử Long “như vén mây trông thấy mặt trời”. Ngược lại, kẻ lập nên nhà Thục Hán cũng chứng tỏ “con mắt tinh đời” trong việc nhìn người khi trọng dụng Triệu Tử Long. Điều này góp phần lý giải tại sao sau này Lưu Bị hùng cứ một phương và Triệu Tử Long trở thành một trong những chiến tướng nổi danh không chỉ riêng thời Tam quốc.

Chuyện của Triệu Tử Long ít nhiều sẽ khiến người hâm mộ liên tưởng tới tiền đạo đội tuyển Việt Nam đang tỏa sáng tại AFF Suzuki Cup 2018: Nguyễn Anh Đức.

Sớm được khán giả và giới chuyên môn thừa nhận về năng lực và phẩm chất của một tiền đạo nhưng sự nghiệp của Anh Đức trong màu áo đội tuyển lại khá lận đận. Chân sút 33 tuổi này từng không ít lần được các đời HLV trưởng “đội bóng áo đỏ” triệu tập nhưng chưa bao giờ là sự lựa chọn hàng đầu trên hàng công. Và chẳng biết có phải vì bế tắc, chán chường hay không mà sau AFF Suzuki Cup 2014, tiền đạo thuộc biên chế CLB B.Bình Dương đột ngột nói lời chia tay đội tuyển. “Lời người ra đi” tuy bất ngờ nhưng không khó lý giải bởi dưới triều đại HLV người Nhật Toshiya Miura, Anh Đức không có đất để dụng võ.

2 năm sau đó (2016), với những đóng góp lớn lao trong màu áo đội bóng đất Thủ Dầu Một, Anh Đức được HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng điền tên vào danh sách các cầu thủ được triệu tập lên tuyển nhưng lúc bấy giờ, Đức đã viện lý do “gia đình” để từ chối. Chỉ đến khi Hữu Thắng từ chức sau thất bại tại SEA Games 29 thì cái tên Nguyễn Anh Đức lại mới được nhắc đến. Trong một bận trà dư tửu hậu, nhà cầm quân tạm quyền Mai Đức Chung đã tiết lộ, đại ý: ông vẫn nhận thấy ở Anh Đức một khát khao cống hiến và chẳng khó khăn gì để thuyết phục anh trở lại khoác áo đội tuyển quốc gia. Đây cũng là bước ngoặt lớn trong sự nghiệp tiền đạo sinh năm 1985 này bởi từ HLV Mai Đức Chung đến Park Hang Seo, Anh Đức luôn là một trong những sự lựa chọn đầu tiên trên hàng tiền đạo và anh cũng không mất nhiều thời gian để tìm lại bản năng săn bàn của mình.

Dĩ nhiên, mỗi người có một nhãn quan chiến thuật riêng và rất có thể lối chơi, cách di chuyển của Anh Đức không phù hợp với cách sắp xếp đội hình của 2 các đời HLV trước. Chỉ biết, qua những gì thể hiện tại AFF Suzuki Cup 2018, Nguyễn Anh Đức đã chứng minh: ông thầy đến từ Hàn Quốc quả là người “biệt nhỡn liên tài”, biết dụng nhân đúng lúc, đúng chỗ.

Vẫn biết từ Triệu Tử Long đến Nguyễn Anh Đức có sự cách biệt của gần hai nghìn năm, của hai thế giới và giữa chiến trường với sân cỏ có quá nhiều sự khác biệt. Song sự cách biệt, khác biệt ấy lớn thế nào đi chăng nữa thì người cầm quân hay theo nghề huấn luyện không thể không biết dụng nhân nếu muốn gặt hái được thành công, thắng lợi. Ở điểm này, ông Park Hang Seo tỏ ra thấm nhuần triết lý của người xưa: dụng nhân như dụng mộc, không vì một vài chỗ cong vênh mà vứt đi cả một cây gỗ lớn!

Thanh Hà


Thanh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]