(vhds.baothanhhoa.vn) - Ở chuyến hành quân đến đất Thủ Dầu Một (vòng 5 V.League 2018) - trận cầu được xem là “ra mắt” của “tướng trẻ” Hoàng Thanh Tùng - lối chơi của Câu lạc bộ (CLB) Bóng đá FLC Thanh Hóa đã khởi sắc thấy rõ. Điều này đặt ra những vấn đề nghiêm túc cần nhìn nhận lại trong sách lược dụng nhân ở xứ Thanh, nhất là trên băng ghế huấn luyện.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện ‘thay tướng’ ở xứ Thanh!

Ở chuyến hành quân đến đất Thủ Dầu Một (vòng 5 V.League 2018) - trận cầu được xem là “ra mắt” của “tướng trẻ” Hoàng Thanh Tùng - lối chơi của Câu lạc bộ (CLB) Bóng đá FLC Thanh Hóa đã khởi sắc thấy rõ. Điều này đặt ra những vấn đề nghiêm túc cần nhìn nhận lại trong sách lược dụng nhân ở xứ Thanh, nhất là trên băng ghế huấn luyện.

Tính từ thời điểm CLB Bóng đá FLC Thanh Hóa chính thức ra mắt người hâm mộ cả nước (tháng 6 năm 2015), đã có 3 ông thầy “danh chính ngôn thuận” nắm quyền chỉ đạo chuyên môn và lần lượt khăn gói rời đại bản doanh CLB: Lê Thụy Hải, Petrovic, Mihail. Tính trung bình, mỗi mùa bóng, FLC Thanh Hóa thay 1 HLV - tỉ lệ có thể nói là khá cao so với mặt bằng chung ở giải chuyên nghiệp. Đó là chưa kể trường hợp của gương mặt “mới mà cũ”, chuyên được dùng để “chữa cháy” hay “đóng thế” Hoàng Thanh Tùng - cứ “kép chính” nói lời chia tay thì anh lại được chỉ định “nhiếp chính”, qua đó giúp băng ghế huấn luyện ở xứ Thanh luôn trong trạng thái “nhộn nhịp”, “đông vui”.

Tuy nhiên, lịch sử V.League gần 2 thập kỷ qua đã chứng minh: số bận “thay tướng” ở một CLB chưa bao giờ tỉ lệ thuận với số lần đăng quang. Lấy ví dụ từ Hà Nội FC. 8 mùa bóng gần đây nhất, họ giành tới 3 chức vô địch và 4 lần cán đích ở vị trí Á quân và 1 Huy chương Bạc tại giải chuyên nghiệp năm ngoái. Nếu không tính Phạm Minh Đức - người nắm quyền chỉ đạo trong vẻn vẹn 3 tháng thì chủ nhân băng ghế huấn luyện ở đội bóng thủ đô gần một thập kỷ qua chỉ gói gọn trong hai cái tên: Phan Thanh Hùng và Chu Đình Nghiêm. Đặc biệt là Phan Thanh Hùng - thời gian tại vị của chiến lược gia người Quảng Đà lên tới 6 mùa giải và cả 6 năm ấy, ông Hùng “không nhất thì nhì”. Ngay cả Chu Đình Nghiêm, trên thực tế chỉ danh chính ngôn thuận ngồi ghế HLV trưởng từ tháng 5/2016 song với cầu thủ Hà Nội FC, ông Nghiêm là gương mặt “rất cũ” khi có nhiều năm gắn bó với CLB ở các tuyến trẻ.

HLV ngoại của FLC Thanh Hóa, ông Mihail ra đi vì không nắm được quân.

Một minh chứng khác là trường hợp một CLB chỉ thuộc diện “làng nhàng” nhưng đã vượt mặt FLC Thanh Hóa tại V.League 2017: Quảng Nam FC.

Nhìn nhận một cách khách quan thì một chức vô địch giải chuyên nghiệp chưa phải chiếc hàn thử biểu chính xác để đánh giá năng lực HLV Hoàng Văn Phúc song trên thực tế, để có được vinh quang ngày hôm nay, ông Phúc “béo” cũng có tới gần 3 năm ăn ngủ cùng bóng đá xứ Quảng. Đó cũng là quãng thời gian để Nguyễn Hữu Thắng mang về cho đội bóng xứ Nghệ chức vô địch năm 2011.

Trở lại băng ghế huấn luyện ở sân Thanh Hóa, xem ra FLC Thanh Hóa chỉ chịu thua người hàng xóm bên kia đèo Ba Dội. Trong quá khứ, The Vissai Ninh Bình từng thiết lập nên kỷ lục không tiền khoáng hậu là đổi tới 6 lần HLV trưởng chỉ trong 3 mùa bóng (từ V.League 2009 đến V.League 2011). Và dù được hậu thuẫn bởi một ông bầu nổi tiếng chơi ngông cùng “túi tiền không đáy” nhưng hàng trăm tỷ đồng mà cựu bầu Hoàng Mạnh Trường bỏ ra chỉ mang về vẻn vẹn 1 Cúp Quốc gia (sau đấy là Siêu Cúp Quốc gia) ở mùa bóng 2013.

Chừng ấy dẫn chứng liệu đã đủ để Ban lãnh đạo bóng đá Thanh Hóa nhìn nhận một cách đúng đắn về điều kiện “cần” để một nhà cầm quân có thể thành công ở giải đấu cao nhất làng cầu quốc nội?

Bởi xét cho cùng, khi liên tục “trảm tướng” bên cạnh thông điệp “khát” danh hiệu vô địch, người ta còn nhìn thấy ở đội chủ sân Thanh Hóa sự nôn nóng, thiếu tầm nhìn chiến lược, chưa có định hướng lâu dài.

Thanh Hà


Thanh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]