(vhds.baothanhhoa.vn) - Họ là những nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên tiêu biểu, có nhiều thành tích đóng góp cho ngành VH,TT&DL xứ Thanh. Trong thời khắc xuân mới 2020, Báo Văn hóa và Đời sống xin giới thiệu với bạn đọc những gương mặt tiêu biểu, lắng nghe tâm sự của họ khi năm cũ qua đi cũng như những khát vọng chinh phục, vươn đến mục tiêu cao hơn trong năm mới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đầu năm xông đất các nghệ sĩ, VĐV tiêu biểu xứ Thanh

Họ là những nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên tiêu biểu, có nhiều thành tích đóng góp cho ngành VH,TT&DL xứ Thanh. Trong thời khắc xuân mới 2020, Báo Văn hóa và Đời sống xin giới thiệu với bạn đọc những gương mặt tiêu biểu, lắng nghe tâm sự của họ khi năm cũ qua đi cũng như những khát vọng chinh phục, vươn đến mục tiêu cao hơn trong năm mới.

Quách Thị Lan - Đẳng cấp được khẳng định

Năm 2019 ghi dấu một năm thi đấu cực kỳ thành công của tài năng điền kinh Quách Thị Lan với chuỗi thành tích nổi bật ở đấu trường quốc tế. Nữ VĐV xứ Mường Ngọc Lặc (Thanh Hóa) này đã sở hữu những tấm huy chương cực kỳ quý giá ở đấu trường khu vực và châu lục với 2 HCV ở giải vô địch điền kinh Grand Prix châu Á, 2 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ ở SEA Games 30 tại Philippines, cũng như được đôn lên nhận HCV ASIAD 2018, HCV tại giải vô địch điền kinh châu Á 2017.

Bảng thành tích trên của Quách Thị Lan chính là sự đóng góp rất lớn đối với điền kinh Việt Nam cũng như thể thao nước nhà trong năm qua. Điều này cũng như một lời khẳng định sự trưởng thành mạnh mẽ của nữ VĐV sinh năm 1995 này. Tuy vậy, cũng ít ai biết được rằng, năm 2019 vừa qua, ngoài việc là một trong những VĐV lĩnh ấn tiên phong cho đội tuyển điền kinh Việt Nam tham gia các giải đấu quốc tế, Quách Thị Lan còn phải vật lộn với chấn thương, nỗ lực để hồi phục.

Cũng với sự quan tâm của tỉnh Thanh Hóa, đội tuyển điền kinh Việt Nam, Quách Thị Lan đã được tạo điều kiện chữa trị chấn thương, có chương trình huấn luyện riêng, cũng như được đi tập huấn nước ngoài. Nhờ đó, ngay khi vừa trở lại sau chấn thương, Quách Thị Lan đã giành 2 HCV tại giải vô địch điền kinh Grand Prix châu Á 2019 sau khi vượt qua đối thủ nhập tịch gốc Nigeria của Bahrain. Không tham gia giải vô địch quốc gia để dành sức cho SEA Games 30, tài năng điền kinh xứ Thanh đã thi đấu xuất sắc để giành 2 HCV, 1 HCB và 1 HCĐ tại SEA Games 30 trên đất Philippines. Dù 2 tấm HCV đều giành được ở 2 cự ly chạy tiếp sức hỗn hợp 4x400m và tiếp sức nữ 4x400m song đó cũng là sự nỗ lực hết mình của Quách Thị Lan sau chấn thương. Tấm HCB, HCĐ ở các cự ly sở trường 400m vượt rào và 400m là kết quả có phần đáng tiếc song đây lại là yếu tố để chính nữ VĐV này có thêm động lực trong thời gian sắp tới.

Trong năm qua, Quách Thị Lan cũng liên tiếp được đón nhận những niềm vui khi VĐV được đôn lên nhận HCV ASIAD 2018 và HCV tại giải vô địch châu Á 2017 do các đối thủ người Bahrain và Ấn Độ bị phát hiện sử dụng chất cấm (doping). Đây được xem là sự ghi nhận kịp thời của Liên đoàn Điền kinh châu Á với Quách Thị Lan. Nữ VĐV sinh ra và lớn lên tại xứ Mường Ngọc Lặc của tỉnh Thanh Hóa này cho biết: Dù đã giành được những thành tích tốt trong năm qua nhưng thực sự em chưa thấy hài lòng với bản thân và vẫn sẽ còn phải cố gắng hơn nữa, quan trọng nhất là lúc nào cũng phải vượt lên chính mình”.

Được biết, Quách Thị Lan cùng với người anh trai của mình là Quách Công Lịch sẽ có thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý khá ngắn trước khi trở lại đội tuyển điền kinh quốc gia, chuẩn bị cho các giải đấu quốc tế trong năm 2020. Quách Thị Lan được xem là VĐV tiêu biểu nhất của thể thao Thanh Hóa năm 2019 và tiếp tục là niềm hy vọng vàng trong năm 2020.

Ngọc Huấn

NSƯT Lê Thị Thúy Hường: Danh hiệu chỉ là sự khởi đầu

Đến với nghệ thuật Tuồng như một cái duyên, từ những ngày còn nhỏ khi thấy các cô văn công về Hà Trung biểu diễn, NSƯT Lê Thị Thúy Hường đã thích ngay. Ra trường chị về Đoàn Tuồng Thanh Hóa, và ngay lập tức dành giải Tài năng trẻ diễn viên sân khấu Tuồng chuyên nghiệp. Nhưng mọi biến cố xảy ra khi chị lập gia đình vào năm 2003, chị phải lựa chọn gia đình và công việc bởi không phải ai cũng có thiện cảm với người làm nghệ thuật. Chị quyết định đi học y, với mong muốn giữ mái nhà ấm êm. Nhưng rồi mọi điều không như ý.

Khi tưởng như chẳng còn chỗ bấu víu thì chị quyết định quay lại với nghề.Khoảng thời gian nghỉ gần 7-8 năm, quay trở lại lúc 28 - 29 tuổi, đó là thời điểm năm 2010, rất may là được mọi người trong đoàn tạo điều kiện để chị được làm vai rồi thi tài năng. Chị chia sẻ rất chân tình: “Có lẽ tôi được hưởng lộc tổ nghề, ngoài sự cố gắng thì tôi biết rằng mình may mắn”. Bởi chị hiểu được thế mạnh cũng như những hạn chế của mình.

Biết rằng trong một xã hội như hiện nay, với người trẻ, nghệ thuật Tuồng không hề dễ gần. Và cũng không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa của tích tuồng, ngay cả những người trong nghề, nếu không được giảng giải đôi khi còn không hiểu hết lời của vở diễn. NSƯT Thúy Hường cho rằng: “Dân giờ có quá nhiều phương tiện giải trí, vì thế cũng là thách thức để không chỉ riêng tôi mà cả ban lãnh đạo nhà hát cũng rất trăn trở để tồn tại. Vì thế mà những người trong nghề yêu thương nhau và cùng nhau phát triển để giữ bộ môn này”.

Sân khấu ở tỉnh lẻ thỉnh thoảng mới sáng đèn, nhưng rồi những đêm diễn lại quá ít người, khiến nghệ sĩ chạnh lòng buồn, sợ cảm giác mình bị lãng quên. Chính vì thế mà chị luôn xác định đã nhận vai là phải làm đến tận cùng. Là nghệ sĩ có nhan sắc lại thêm đã từng đạt HCV, HCB, vì thế năm 2019, Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2019 diễn ra tại Thanh Hóa, khi được đạo diễn đưa vai chính, chị mừng lắm, rồi lại lo lắm. Nhất là lo đứa con nhỏ, thời gian đi viện nhiều hơn ở nhà, nhỡ may đúng vào thời điểm nước rút thì ảnh hưởng đến toàn đoàn. Chị trào nước mắt xin rút vai. Quan điểm của chị là dù vai chạy qua sân khấu, hay vai thị nữ khi được giao chị cũng không từ chối.

Cầm danh hiệu nhưng không có nghĩa là bằng lòng. Nhiều người cho rằng đạt đến đấy là toại nguyện, với mình đó là trách nhiệm để cố gắng xứng đáng với danh hiệu. Vì chị nghĩ rằng nghệ thuật là không có đỉnh, nhận danh hiệu là khởi đầu chứ không phải để kết thúc. Chị cũng rất biết, so với các anh chị em nghệ sĩ lớp trước thì chị còn phải học hỏi nhiều lắm.

Khi được hỏi về mong muốn của những năm tiếp theo chị nói: “Trong các vai diễn thì tôi thích vai đào bi thuộc đào võ, mạnh mẽ và bi tráng. Tôi hy vọng rằng, sẽ đến một lúc tôi sẽ nhận được đúng vai sở trường của mình”.

Với các nghệ sĩ, khi mọi người được thư giãn nghỉ ngơi thì họ lại bận rộn tất bật cho các chương trình. Chia tay Thúy Hường vì chị đang chuẩn bị cho chương trình tết, tôi nghĩ mãi về cái duyên và sự khởi đầu của nghệ sĩ. Nếu không có duyên thì có lẽ nghề thầy đàn con hát sẽ chẳng níu chân các nghệ sĩ, và chính sự khởi đầu là niềm hứng khởi để các nghệ sĩ thăng hoa.

P.V

Trần Anh Tuấn - Niềm tự hào của Vovinam Thanh Hóa

Vovinam Thanh Hóa những năm qua đều khẳng định vị trí nằm trong top 3 toàn quốc, cũng như duy trì thành tích trên đấu trường quốc tế. Với việc giành HCV tại giải vô địch thế giới năm 2019 vừa qua, VĐV Trần Anh Tuấn của Thanh Hóa đã lần thứ 3 có danh hiệu này - một kỷ lục ấn tượng. Võ sỹ sinh ra tại xã Quảng Bình, huyện Quảng Xương này chính là niềm tự hào của bộ môn Vovinam nói riêng, của thể thao Thanh Hóa nói chung.

Với thân hình khá nhỏ nhắnnếu so với yêu cầu củ một bộ môn võ thuật, nhất là ở nội dung đối kháng nhưng bù lại Trần Anh Tuấn lại có sự nhanh nhẹn, quyết đoán và khôn ngoan. Bén duyên với Vovinam Thanh Hóa từ năm 2005, Trần Anh Tuấn được xem là VĐV có nhiều đóng góp nhất cho bộ môn này với bảng thành tích vô cùng ấn tượng. Kỹ thuật, sự sắc sảo và tốc độ chính là ưu điểm mà nam võ sỹ sinh năm 1990 này có được. Nhanh chóng khẳng định tài năng từ giải trẻ vô địch quốc gia, Trần Anh Tuấn còn tiến bộ rất nhanh ở giải vô địch quốc gia và gần như không có đối thủ ở hạng cân 68 kg đối kháng nam. 7 lần vô địch quốc gia, 8 lần vô địch tại giải cúp quốc gia chính là cơ sở vững chắc để Trần Anh Tuấn khẳng định vị trí quan trọng trong đội tuyển quốc gia Việt Nam. Ngay lần đầu tham gia giải vô địch thế giới năm 2013, Trần Anh Tuấn đã xuất sắc giành HCV. Hai năm sau, nam võ sỹ này bảo vệ thành công tấm HCV thế giới để khẳng định vị thế và đẳng cấp số 1 ở hạng cân 68 kg nam. Đến năm 2019, Trần Anh Tuấn đã lập kỷ lục cho Vovinam Việt Nam khi lần thứ 3 vô địch thế giới. Trong bối cảnh Vovinam (Việt võ đạo) - môn võ thuật truyền thống của Việt Nam ngày càng có sự lan tỏa, phát triển ngày càng rộng rãi trên thế giới, việc giành được cú “hattrick” HCV tại giải vô địch thế giới là điều không hề dễ dàng. Tuy vậy, đẳng cấp và phong độ cực kỳ ấn tượng đã đem đến thành công cho Trần Anh Tuấn.

Ở đấu trường quốc gia, Trần Anh Tuấn còn đều đặn giành HCV nhất là ở các kỳ đại hội thể thao toàn quốc lần thứ VII và VIII, đóng góp đáng kể vào thành tích của Vovinam Thanh Hóa. Anh chính là tấm gương cho nhiều lứa VĐV trẻ kế cận của bộ môn Vovinam và là niềm tự hào của thể thao tỉnh nhà. Trần Anh Tuấn cũng là VĐV có nhiều đóng góp cho việc đưa môn Vovinam phát triển mạnh mẽ hơn trên thế giới. Mong muốn của võ sỹ này không chỉ là chinh phục những đỉnh cao thành tích mới, mà còn tiếp tục đem những tinh hoa võ Việt đến với bạn bè khắp năm châu, đưa Vovinam trở thành bộ môn thể thao thi đấu chính thức tại các sự kiện lớn như SEA Games và mục tiêu là ASIAD sau này.

Khánh Hưng

Biên đạo múa Hoàng Thanh Hải: Chúng ta phải có trách nhiệm giữ gìn các giá trị truyền thống

Được đào tạo chuyên nghiệp, với 11 năm để có tấm bằng thạc sĩ, biên đạo múa Hoàng Thanh Hải cười vui: Tôi làm nghệ thuật quần chúng nhưng lại được đào tạo chuyên nghiệp. Có lẽ cũng vì lý do đó mà chị luôn có tên trong danh sách hội đồng thẩm định các chương trình nghệ thuật của tỉnh Thanh Hóa.

Nhìn vào bảng thành tích của chị với rất nhiều huy chương thì khán giả đều có thể nhận ra, lĩnh vực nghệ thuật quần chúng của Thanh Hóa những năm gần đây, đặc biệt là năm 2019, rất phát triển. Tiếp xúc mới thấy chị trăn trở về việc bảo tồn phát triển các giá trị truyền thống nói chung và nghệ thuật múa mà chị đang làm việc. Chị chia sẻ: Năm 2019, chúng tôi mở nhiều lớp tập huấn để hướng dẫn cho cán bộ văn hóa cơ sở hiểu được phương pháp làm rồi từ đó họ có thể truyền cảm hứng cho giới trẻ về dân ca, dân vũ, văn hóa truyền thống.

Quả thật, hiện nay với xu hướng phát triển của xã hội thì thị hiếu của giới trẻ cũng thay đổi rất nhiều cho phù hợp với xu hướng ấy. Chị chia sẻ: “Chúng ta không thể trách được các bạn trẻ. Người lớn tuổi thích nghe những bài dân ca, hoặc những bài hát cách mạng nhưng giới trẻ giờ thích những bài có tiết tấu hip-hop, disco... Có điều, tôi nghĩ rằng, lứa đàn anh đàn chị như chúng tôi phải có trách nhiệm truyền dạy cho các em, khéo léo để các em hiểu việc tiếp cận cái mới là cần thiết nhưng không thể bỏ được truyền thống; dù phát triển thế nào thì cũng phải giữ cái gốc rễ. Còn việc tiếp thu được đến đâu còn tùy thuộc vào mỗi em”.

Chị tâm sự thêm: “Thực tế trong quá trình làm nghề nói chung và năm 2019 nói riêng, chúng tôi mở 3 lớp về bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ nhằm khôi phục và bảo tồn các nét đẹp truyền thống. Tuy vậy, có nhiều câu chuyện đáng để tôi phải trăn trở, thậm chí thấy buồn. Chẳng hạn như điệu múa cá sa của Thanh Hóa rất hay, tiết tấu rộn ràng nhưng gần như giới trẻ không thích kiểu múa đó nên thường lai tạo múa xòe của Tây Bắc. Người Thái Thanh Hóa múa không có xòe. Hay múa khèn Pá Hộc hoặc múa xúng xính của người Mông ở Mường Lát, Quan Sơn, vì sát biên giới của Lào nên lai tạp hết với xập xình lăm vông, hoặc các giai điệu của Lào. Nếu người biết thì sẽ hiểu không còn chút Mông nào của Thanh Hóa trong các làn điệu ấy. Ngay cả múa Pôồn Pôông của người Mường Ngọc Lặc nếu không giữ thì cũng sẽ mất rất nhanh thôi”.

Tôi nghĩ những điều trăn trở của chị là rất thật, bởi ngay tại nhà chị cũng có mở một số lớp học múa, trong đó tôi biết, những năm gần đây chị đã cố gắng đưa múa dân gian Việt Nam vào như một phần học với hy vọng các em sẽ ngấm dần, hiểu dần để rồi từ đó có thể yêu các điệu múa của quê mình. “Tôi sợ cảm giác tiếp theo sẽ là một thế hệ không biết gì gốc rễ của mình, không biết múa dân gian Việt Nam là gì, không phân biệt nổi đâu là múa Xuân Phả, múa đèn Đông Anh, không biết hát hò sông Mã và làn điệu dân ca của 7 dân tộc của Thanh Hóa. Điều đó thực sự nguy hiểm. Nếu chúng ta không làm ngay từ bây giờ chắc chắn bọn trẻ thật sự sẽ không biết hẳn”.

Tính đến bây giờ chị có 24 năm theo nghề, từ 11 tuổi đã đi học múa, đến nay hơn 40 tuổi, mới thấy rằng những số giải thưởng trong năm 2019 như Giải Xuất sắc Hội thi múa toàn quốc do Bộ VH,TT&DL tổ chức; 3 HCV cho 3 tác phẩm múa và giải biên đạo xuất sắctoàn quốc, 5 HCB, và nhiều giải khác thật đáng quý. Nhưng hơn hết tôi trân quý chị ở sự lo âu, sự nghĩ suy về những giá trị truyền thống đang ngày một mai một.

“Thiếu kinh tế có thể làm ra tiền, giặc đến nhà có thể đánh giặc nhưng mất văn hóa là mất nước, lời thầy giáo khiến tôi nhớ mãi để cố gắng nghiêm túc làm nghề. Nghệ thuật hơn hết là cái tâm, là sự trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”, biên đạo múa Hoàng Thanh Hải bày tỏ quan điểm của mình.

C.A

Phạm Thị Vân - Tài năng bơi lội, niềm tự hào của thể thao Thanh Hóa

Phải khá lâu rồi, bơi lội Thanh Hóa mới trình làng lứa VĐV trẻ đầy tài năng như hiện nay. Những thành tích mà bơi lội Thanh Hóa giành được trong năm 2019 vừa qua có sự đóng góp rất lớn của một loạt tài năng trẻ đầy triển vọng, trong số đó, Phạm Thị Vân là cái tên sáng giá nhất.

Bơi lội Thanh Hóa đã vắng bóng khá lâu trên bình diện quốc gia cũng như các giải đấu quốc tế. Cũng khá lâu rồi, Thanh Hóa không có VĐV bơi lội đáng kể nào và thành tích vì thế cũng không có. Quyết tâm làm lại môn bơi lội của thể thao Thanh Hóa bắt nguồn từ việc phải xây dựng lại lực lượng VĐV trẻ mới hoàn toàn. Phạm Thị Vân là một trong những hạt nhân đầu tiên trong chiến dịch phục hưng bộ môn bơi lội xứ Thanh. Cùng với các đồng đội Hoàng Thị Trang, Nguyễn Phương Thanh, Lê Hà My...Phạm Thị Vân đã phải xa nhà từ khá sớm để khăn gói vào Đà Nẵng luyện tập, cũng như học văn hóa. Đây là điều dễ hiểu bởi tại Thanh Hóa không có bể bơi đạt chuẩn để đội tuyển bơi tập luyện, thi đấu. Vượt qua những khó khăn, nỗi nhớ gia đình, VĐV sinh ra và lớn lên tại Ngọc Lặc này đã sớm chứng tỏ được tài năng của mình.

Khởi đầu chỉ là những tấm HCB, HCĐ tại giải trẻ vô địch quốc gia năm 2017, Phạm Thị Vân đã có sự tiến bộ không ngừng cả về chuyên môn, lẫn thành tích thi đấu. Đến tháng 7/2018, trong lần đầu được tham gia giải vô địch bơi các nhóm tuổi (giải trẻ) Đông Nam Á lần thứ 42, Vân đã xuất sắc giành được 1 HCV, 2 HCB, góp công lớn vào vị trí nhất toàn đoàn của đội tuyển Việt Nam. Tiếp nối thành công trên, Vân tiếp tục tạo ra cú bứt phá mạnh ở giải trẻ vô địch quốc gia 2018 với 4 HCV trong số 6 HCV của đoàn Thanh Hóa.Và đến năm 2019 đã khẳng định sự trưởng thành chững chạc của Phạm Thị Vân với 1 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ tại giải trẻ vô địch quốc gia. Lần đầu tiên được tham gia giải vô địch quốc gia, gặp những đối thủ sừng sỏ đến từ các đơn vị mạnh như TP Hồ Chí Minh, Quân đội, Hà Nội, Long An... Tuy nhiên, Phạm Thị Vân đã ghi dấu mốc quan trọng với 3 HCV, 1 HCB. Trong đó 3 tấm HCV mà Vân giành được ở các cự ly 50m, 100m tự do nữ và 50m bơi ngửa, HCB ở cự ly 50m bơi bướm. Sự xuất sắc của Phạm Thị Vân đã được ban huấn luyện đội tuyển bơi lội quốc gia ghi nhận và nữ VĐV sinh năm 2005 này từ lâu đã trở thành thành viên quan trọng của đội tuyển. Thành tích cũng như tài năng của Phạm Thị Vân hoàn toàn có thể giúp VĐV này có 1 vé dự SEA Games 30 vừa qua tại Philippines nhưng ban huấn luyện vẫn muốn “để dành” cho SEA Games 31 trên sân nhà vào năm 2021.

Chính vì vậy, năn 2020 này có thể xem là bản lề đối với Phạm Thị Vân. Ngay từ đầu năm 2020, Phạm Thị Vân cùng các đồng đội đã bước vào tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia 3 Đà Nẵng. Duy trì phong độ, tiếp tục nỗ lực để cải thiện thành tích chính là chìa khóa để Phạm Thị Vân hướng tới chinh phục những cột mốc thành tích ở cả đấu trường quốc gia và quốc tế. Sự trở lại mạnh mẽ của bơi lội Thanh Hóa có sự góp công cực lớn của tài năng trẻ này.

Thảo Nguyên

Nhóm P.V


Nhóm P.V

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]