(vhds.baothanhhoa.vn) - Brazil ở World Cup 1982 với những Zico, Cerezo, Falcao, Socrates... được đánh giá là đội hình đẹp nhất mọi thời đại của xứ sở Samba. Thế nhưng trên đất Tây Ban Nha, họ bị loại từ vòng bảng thứ 2 bởi Italia của một Paolo Rossi quá xuất sắc.

Điều quan trọng nhất của bóng đá chả phải là niềm vui sao?

Brazil ở World Cup 1982 với những Zico, Cerezo, Falcao, Socrates... được đánh giá là đội hình đẹp nhất mọi thời đại của xứ sở Samba. Thế nhưng trên đất Tây Ban Nha, họ bị loại từ vòng bảng thứ 2 bởi Italia của một Paolo Rossi quá xuất sắc.

Điều quan trọng nhất của bóng đá chả phải là niềm vui sao?

Dù thất bại, nhưng Brazil 1982 cho đến nay thậm chí được nhớ đến nhiều hơn cả một số nhà vô địch World Cup bởi thứ bóng đá vị nghệ thuật mê đắm lòng người mà họ trình diễn.

Một đội bóng đẹp, trước hết được định hình từ triết lý bóng đá. HLV trưởng của họ, Tele Santana là một tín đồ của bóng đá đẹp. Ông nổi tiếng với tuyên bố: “Bóng đá là nghệ thuật, là niềm vui chứ không đơn thuần là đưa trái bóng lên trên. Tôi sẵn sàng thua trận còn hơn bảo các học trò phạm lỗi với đối phương, hay thắng với một bàn không hợp lệ”.

Còn đội trưởng của họ nói về thất bại lịch sử của đội tuyển: “Cứ đá đẹp trước, chiến thắng là thứ 2. Điều quan trọng nhất của bóng đá chả phải là niềm vui sao?”.

Ở đất nước mà bóng đá là một tôn giáo, thất bại ở mỗi kỳ World Cup là cú sốc tâm lý cho toàn dân tộc, để kiên định với bóng đá đẹp là điều không dễ dàng trước áp lực thành tích. Brazil 1982 đã làm được điều đó, mỗi trận đấu của đội tuyển là một bữa tiệc bóng đá với tất cả đặc sản, từ giật gót, “xâu kim”, sút xa, phối hợp nhóm, bứt tốc... Và, dù bữa tiệc ấy dang dở, thì dư vị vẫn còn đọng lại mãi, thậm chí được huyền thoại hóa.

Cùng nhớ lại không khí lễ hội sau chiến tích lịch sử của đội tuyển U23 quốc gia ở vòng Chung kết giải vô địch bóng đá U-23 châu Á 2018. Dù không thể giành chức vô địch, song tinh thần chiến đấu ngoan cường và đặc biệt là những ứng xử rất đẹp của những cầu thủ trẻ, từ việc Duy Mạnh cắm cờ Tổ quốc trên tuyết trắng Thường Châu đến việc đồng đội súm lại gạt tuyết trước khi Quang Hải vẽ nên siêu phẩm “Cầu vồng tuyết” và cái khoanh tay ngạo nghễ của Văn Thanh..., là những yếu tố lay động trái tim người hâm mộ. Những hành động đẹp được viết nên bởi những người trẻ có nhân cách đẹp, dựa trên tư duy bóng đá chuyên nghiệp thực sự và giàu sức cống hiến đã khơi bùng dậy tình yêu, niềm tin của người hâm mộ cả nước sau một thời kỳ dài bóng đá trẻ bị phủ bức màn u ám của những tiêu cực.

Bóng đá đẹp sẽ có sức hấp dẫn bền bỉ. Đội bóng “phố Núi” Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) là một ví dụ. Họ đào tạo nên một thế hệ cầu thủ trẻ, tài năng, có phông văn hóa và tri thức. Và, thay vì theo đuổi danh hiệu thì họ kiên định với bóng đá đẹp.

Ông bầu Đoàn Nguyên Đức khẳng định: “HAGL đá cho vui là đúng. Quan điểm làm bóng đá của tôi trước sau như một, bóng đá là phải làm cho tôi vui, những người quanh tôi vui, rồi khán giả Việt Nam vui. Riêng HAGL trước hết là phải làm cho khán giả Gia Lai được vui trong mỗi một lần họ đến sân.

Người ta đến kín cả sân vận động để làm gì? Để cùng có được tiếng cười, tiếng cổ vũ, tiếng vỗ tay phấn khích, sung sướng thì mới vui chứ. Nói tóm lại, HAGL đá cho khán giả vui. Nhiệm vụ quan trọng như vậy mà giảm bớt nhiệt huyết hay sức chiến đấu sao được”.

Từ quan điểm bóng đá, cho đến lối chơi đậm chất kỹ thuật, đặc biệt là những cái tên như Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn... từ lâu đã “hữu xạ tự nhiên hương”, nên dù thành tích của HAGL ở giải quốc nội có đì đẹt đến đâu chăng nữa, cũng không làm vơi đi tình cảm yêu mến của người hâm mộ cả nước. Hình ảnh người dân “phố Núi” chen lấn để hy vọng có được tấm vé vào sân Pleiku theo dõi trận đấu giữa đội chủ nhà với TP Hồ Chí Minh trong khuôn khổ vòng 6

V-League 2021 vừa qua, là minh chứng rõ nét nhất.

Dĩ nhiên, đội bóng nào cũng vậy, không phải cứ muốn đá đẹp là được. Song, với những vết gợn lặp đi lặp lại sau 2 thập kỷ lên chuyên nghiệp ở giải Vô địch quốc gia, từ việc xô xát, “nhường điểm”, “người anh em”, “bẻ còi” và vấn đề muôn thủa là bạo lực sân cỏ, có lẽ đã đến lúc cần xác lập và theo đuổi đến cùng quan điểm xây dựng một nền bóng đá đẹp lành mạnh, giàu sức cống hiến; cùng với đó là chiến lược đào tạo nhân lực, nuôi dưỡng nhân tài một cách bài bản, bao gồm cả chuyên môn và văn hóa. Có như vậy, những “mầm mống” tiêu cực mới được loại bỏ ngay từ đầu để hình thành một môi trường bóng đá đẹp, ngay từ trong nhận thức.

Nguyên Phong



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]