(vhds.baothanhhoa.vn) - Từng có 18 năm làm vận động viên (VĐV) Pencak Silat với những đỉnh cao vinh quang đạt được, vậy nhưng khi dừng sự nghiệp thi đấu anh lại lựa chọn bộ môn Muay để bắt đầu con đường trở thành huấn luyện viên (HLV). Để đến hôm nay, nhìn lại chặng đường hơn 10 năm gắn bó với Muay, HLV Đinh Công Sơn - Trưởng bộ môn Muay (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh) tâm sự: “Đó là sự lựa chọn mạo hiểm, nhưng rất đáng giá”.

Đinh Công Sơn: Từ VĐV Pencak Silat đến HLV “võ Thái”

Từng có 18 năm làm vận động viên (VĐV) Pencak Silat với những đỉnh cao vinh quang đạt được, vậy nhưng khi dừng sự nghiệp thi đấu anh lại lựa chọn bộ môn Muay để bắt đầu con đường trở thành huấn luyện viên (HLV). Để đến hôm nay, nhìn lại chặng đường hơn 10 năm gắn bó với Muay, HLV Đinh Công Sơn - Trưởng bộ môn Muay (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh) tâm sự: “Đó là sự lựa chọn mạo hiểm, nhưng rất đáng giá”.

Đinh Công Sơn: Từ VĐV Pencak Silat đến HLV “võ Thái”HLV Đinh Công Sơn - Trưởng bộ môn Muay, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh là một trong những người có công đầu trong việc phát triển môn “võ Thái” tại Thanh Hóa.

Sinh ra và lớn lên tại TP Thanh Hóa, vốn yêu thích các môn võ thuật từ bé, năm 1992 - khi 14 tuổi, chàng trai Đinh Công Sơn bén duyên với bộ môn Pencak Silat (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh). Sau thời gian dài miệt mài tập luyện, năm 1998 anh chính thức được gọi tên vào đội tuyển Pencak Silat quốc gia.

Trong thời gian là VĐV đội tuyển Pencak Silat quốc gia, Đinh Công Sơn từng là gương mặt quen thuộc với người hâm mộ cả nước, cũng là niềm tự hào của thể thao xứ Thanh khi anh 4 lần giành HCV Giải vô địch thế giới; 3 lần giành HCV tại các kỳ SEA Games; 3 lần Vô địch châu Á (hạng cân 70 - 80kg). Năm 2010 sau khi “đánh” giải tại Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc, nhà vô địch thế giới Đinh Công Sơn quyết định dừng lại sự nghiệp thi đấu ở tuổi 32. Sau gần 20 năm tham gia thi đấu ở các giải trong và ngoài nước, VĐV Đinh Công Sơn hài lòng với những thành tích mà mình đã đạt được bằng tất cả cố gắng, nỗ lực tập luyện, thi đấu không ngơi nghỉ.

Dừng thi đấu, cũng như hầu hết các VĐV chuyên nghiệp, Đinh Công Sơn trở thành HLV. Thay vì trở thành HLV Pencak Silat, anh quyết định chọn cho mình lối đi riêng, thử sức ở một bộ môn hoàn toàn mới: Muay - môn võ Thái. HLV Đinh Công Sơn nhớ lại: “Con người, vẫn thường có khát vọng được khám phá chính mình, tôi cũng vậy. “Chiếc áo không thể làm nên thầy tu”, là một VĐV Pencak Silat có thành tích, không đồng nghĩa sẽ trở thành HLV Pencak Silat tài năng. Bởi vậy, sau nhiều suy nghĩ, năm 2011 tôi quyết định đề xuất với Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh mở thêm bộ môn Muay. Đó thực sự là quyết định mạo hiểm. Bạn bè, người thân và cả đồng nghiệp, có người ủng hộ nhưng cũng không ít e ngại, lo lắng thậm chí cả phản đối. Vậy nhưng thực tế đã chứng minh, khi chúng ta có đủ nỗ lực, quyết tâm, đừng ngại đi trên con đường mà mình khát vọng”.

Tuy vậy, mọi chuyện không đơn giản. Dù đều là những môn võ thuật nhưng Pencak Silat và Muay không giống nhau. Muay được xem là môn võ thuật truyền thống của Thái Lan với sức mạnh tổng thể, sử dụng đầu gối, cùi chỏ, đấm đá... nên mang tính chất “mãnh liệt” hơn. Đinh Công Sơn thời điểm đấy cũng không tránh khỏi lo lắng: “Khi đó, bộ môn Muay với người Việt còn khá mới mẻ. Và tôi, ngoài đam mê thử sức mình để tìm lối đi riêng thì dường như không còn gì khác. Bản thân tôi ở thời điểm đó cũng chưa thực sự hiểu nhiều về Muay. Vì thế, ngoài việc tích cực tìm kiếm các kiến thức và video về bộ môn võ thuật của người Thái trên mạng internet thì tôi quyết định bỏ tiền cá nhân để sang Thái Lan tập huấn. Khoảng thời gian đó khá áp lực”.

Và có lẽ trời không phụ người, khi lứa VĐV đầu tiên của bộ môn Muay - Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh do HLV Đinh Công Sơn làm Trưởng bộ môn ngay lần đầu ra quân đã mang về thành tích. Trong đó, không thể không nhắc đến nữ võ sĩ bộ môn Muay xứ Thanh Bùi Thị Quỳnh (HCV Giải vô địch thế giới nội dung đối kháng nữ hạng cân dưới 48kg, năm 2013 - PV). Nói về HLV Đinh Công Sơn, Quỳnh trân trọng: “Nếu không có thầy Sơn dìu dắt, bồi đắp, huấn luyện tận tình sẽ không thể có những vinh quang mà em đã đạt được. Tự trong thâm tâm mình, em biết ơn thầy vô cùng. Thầy Sơn là người có công lớn trong đặt nền móng, phát triển và góp phần vào thành công - thành tích của bộ môn Muay ở Thanh Hóa nói riêng”.

Đến nay, sau 12 năm gắn bó với Muay, HLV Đinh Công Sơn tâm sự: “Muay đã thực sự “ăn” vào máu, trở thành một phần cuộc sống của tôi. Nếu muốn đến với Muay, trước hết phải chịu được... khổ, đặc biệt là với các VĐV nữ. Chuyện chấn thương, rách mặt trong quá trình tập luyện, thi đấu là bình thường. Để trở thành VĐV Muay chuyên nghiệp, ngoài năng khiếu thì cần cù là điều kiện đủ. Dù bạn có năng khiếu thiên bẩm nhưng nếu không cần cù tập luyện cũng không thể theo nghề được lâu dài. Thể thao chuyên nghiệp nói chung, Muay nói riêng, không có chỗ cho sự “ăn xổi”...”.

Năm 2011, bộ môn Muay thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh chính thức được thành lập. Dù “sinh sau” nhưng đây lại là một trong những bộ môn mang về nhiều huy chương cho thể thao thành tích cao Thanh Hóa trong các giải đấu. Thanh Hóa cũng nằm trong tốp 3 tỉnh, thành phố có thành tích thi đấu Muay tốt nhất cả nước đến thời điểm hiện tại. Kể từ khi thành lập, bộ môn Muay thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh đã ươm mầm, cống hiến cho đội tuyển Muay quốc gia không ít gương mặt sáng. Có thể kể đến: Bùi Thị Quỳnh, Quách Thị Hoài, Nguyễn Thị Ly... SEA Games 31 đang diễn ra, võ sĩ xứ Thanh Nguyễn Thị Phương Hậu cũng được đánh giá là “niềm hy vọng” cho đội tuyển Muay Việt Nam tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á.

Dù từng là VĐV tài năng hiếm có, một HLV nhiều tâm huyết, luôn dốc lòng vì học trò, mong học trò thành công hơn mình. Song anh Đinh Công Sơn - Trưởng bộ môn Muay Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh lại có quan điểm về thể thao khá cởi mở, anh chia sẻ: “Chơi bất cứ môn thể thao nào thì điều quan trọng nhất là rèn luyện sức khỏe, mang về thành tích nhưng không bao giờ được quên tinh thần thể thao. Tham vọng quá lớn, áp lực sẽ rất nhiều, đôi khi quá áp lực sẽ dẫn đến hệ quả không mong muốn. Bởi vậy, tôi vẫn luôn dặn VĐV của mình, khi bước vào bất cứ giải đấu nào, hãy cứ thoải mái tinh thần, cố gắng nỗ lực thi đấu hết sức để không phải hối hận. Khi đỉnh cao vinh quang chỉ có một, thì ai đó phải nuối tiếc cũng là điều dễ hiểu. Nhưng dù thắng, dù thua, không bao giờ được phép đánh mất tinh thần thể thao”.

Với say mê và khát vọng phát triển bộ môn Muay tại Thanh Hóa, tháng 10-2019 anh Đinh Công Sơn đã chính thức khai trương phòng tập Muay Sơn Thảo (phường Đông Hương, TP Thanh Hóa). Phòng tập được anh đầu tư tổng kinh phí 4,7 tỷ đồng cho xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị. Được biết, tại Thanh Hóa đến thời điểm hiện tại, đây là phòng tập Muay duy nhất được đầu tư hiện đại, đồng bộ và đảm bảo các tiêu chuẩn. Thông tin về phòng tập Muay của mình, anh Đinh Công Sơn cho biết: “Mở phòng tập Muay là niềm mơ ước của tôi. Để mở phòng tập, có sự hậu thuẫn, ủng hộ rất lớn từ gia đình. Ngoài là sân chơi cho những người yêu môn võ Thái, phòng tập Sơn Thảo còn là nơi gặp gỡ, tập luyện của các HLV, VĐV Muay, để mọi người có điều kiện thỏa mãn đam mê, phát huy năng lực, sở trường và kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Bản thân tôi may mắn vì có sự hỗ trợ kinh tế từ gia đình, nhưng còn nhiều HLV, VĐV nói chung có hoàn cảnh khó khăn. Chỉ mong, nhà nước có thêm những chính sách quan tâm, hỗ trợ để HLV, VĐV toàn tâm nỗ lực hết mình cống hiến cho thể thao...”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]