(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau 2 tuần lễ khởi tranh, Đại hội thể thao lớn nhất châu lục (Asiad 2018) đã chính thức khép lại trong rất nhiều cảm xúc. Với 4 HCV, 16 HCB, 18 HCĐ và thứ hạng 17 chung cuộc, xét ở góc độ... chỉ tiêu, chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đoàn thể thao Việt Nam xếp thứ 17 ASIAD 2018: Nhìn từ bảng tổng sắp huy chương

Sau 2 tuần lễ khởi tranh, Đại hội thể thao lớn nhất châu lục (Asiad 2018) đã chính thức khép lại trong rất nhiều cảm xúc. Với 4 HCV, 16 HCB, 18 HCĐ và thứ hạng 17 chung cuộc, xét ở góc độ... chỉ tiêu, chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ.

Một thực tế không thể phủ nhận là dẫu các quan chức thể thao nước nhà đã có những thay đổi đáng kể về tư duy quản lý như không còn đầu tư dàn trải theo kiểu lấy số lượng huy chương ở “hội làng” SEA Games thì Asiad vẫn cứ là sân chơi quá tầm với chúng ta mà biểu hiện rõ nhất là thành tích của đoàn thể thao Việt Nam chưa bao giờ vượt quá 4 HCV cùng một vị trí cao hơn Top 15 như kỳ Á vận hội tại Busan (Hàn Quốc) cách đây 16 năm (2002).

Ở một diễn biến khác, như chúng ta đều biết, trước ngày xuất quân, các quan chức thể thao nước nhà đã đặt chỉ tiêu 3-5 HCV. Vì vậy, xét cho cùng thì 4 HCV chỉ mang ý nghĩa “hoàn thành chỉ tiêu” chứ chưa thể xem là thắng lợi. Và đáng nói hơn, nếu “soi” từng tấm huy chương thì không phải không có những điều đáng để ưu tư.

Trước hết phải thấy rằng, kỳ vọng ban đầu của chúng ta được gửi gắm vào những gương mặt sáng giá như Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi) hay Thạch Kim Tuấn (cử tạ). Kỳ vọng này không phải vô căn cứ vì ở nhiều giải trong nước cũng như khu vực, họ đều không có đối thủ. Đặc biệt là với Xuân Vinh, cách đây 2 năm, xạ thủ họ Hoàng từng gây tiếng vang lớn với tấm HCV tại Thế vận hội mùa hè - Olympic Rio 2016 - ở nội dung thi đấu sở trường.

Tuy nhiên, cả 4 niềm hy vọng này đều không thể có vị trí cao nhất. Ngoại trừ Hoàng Xuân Vinh, thất bại của anh vốn mang những đặc thù rất riêng ở bộ môn bắn súng (như sự ổn định, kỹ thuật, thậm chí là nếu tâm lý thi đấu bị tác động cũng có thể trắng tay) còn yếu tố khiến 3 nhà vô địch SEA Games còn lại không thể giành “Vàng” đều xuất phát từ những lý do không thể biện minh: thua kém đối thủ về chuyên môn.

Ở khía cạnh khác, trong 4 lần các vận động viên (VĐV) của ta được vinh danh trên bục thứ hạng cao nhất Đại hội, có thể nói, tấm HCV ở nội dung đua thuyền nữ hạng nhẹ 4 người (Tạ Thanh Huyền, Lương Thị Thảo, Hồ Thị Lý và Phạm Thị Thảo) nằm ngoài dự kiến của các quan chức thể thao nước nhà.

Như chúng ta đã biết, cả hai kỳ Đại hội Thể thao châu Á gần đây, đua thuyền gần như chỉ là cuộc đua giữa Trung Quốc và Việt Nam. Dù không ngừng cố gắng nhưng các tay chèo Việt Nam vẫn không thể xô đổ được “gã khổng lồ”.

Ấy thế nhưng, trước thềm Asiad 2018, Trung Quốc bất ngờ không tranh tài ở nội dung này và đội thuyền đua Việt Nam đã “chớp thời cơ” để bước lên bục cao nhất. Đây chính là cơ sở để ông Nguyễn Trọng Hổ - Phó trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tỏ ra rất bình thản, “không bất ngờ” khi đua thuyền Việt Nam mang “Vàng” về cho Tổ quốc.

Với những “lăn tăn” ấy, không ngạc nhiên khi cái tên Bùi Thị Thu Thảo trở thành đề tài nóng bỏng trên các diễn đàn mạng bởi Thảo không nằm trong diện “quy hoạch huy chương”. Trong tâm thế chẳng có gì để mất, tham dự chủ yếu để “học hỏi” và “vượt qua chính mình”, Thu Thảo bất ngờ vượt qua cả những đối thủ mạnh đến từ Iran, Trung Quốc để biến VĐV Indonesia trở thành cựu vô địch ở nội dung nhảy xa.

Thành tích của Thu Thảo không chỉ mang về cho Đoàn Thể thao Việt Nam tấm huy chương lịch sử mà còn là thông điệp cần thiết gửi đến tất cả các VĐV khác - cả cùng thế hệ và sau chị, rằng: chiến thắng không chỉ giành cho những ai nằm trong diện “quy hoạch huy chương”, mà ngay cả các VĐV “bên lề” cũng có thể đoạt vòng nguyệt quế nếu họ đủ quyết tâm và khát khao chinh phục.

Thanh Hà


Thanh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]