(vhds.baothanhhoa.vn) - Vậy là sau không ít chỉ trích từ truyền thông, khán giả cả nước, thậm chí là từ chính các “đại biểu” tham dự, Đại hội thường niên của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), trước đó “chốt lịch” vào ngày 8/8/2020 - giữa thời điểm dịch bệnh Covid-19 đã và đang ngày càng diễn biến phức tạp, đã chính thức được bấm “lệnh” hoãn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hoãn Đại hội thường niên của VFF: Quyết định kịp thời, cần thiết!

Vậy là sau không ít chỉ trích từ truyền thông, khán giả cả nước, thậm chí là từ chính các “đại biểu” tham dự, Đại hội thường niên của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), trước đó “chốt lịch” vào ngày 8/8/2020 - giữa thời điểm dịch bệnh Covid-19 đã và đang ngày càng diễn biến phức tạp, đã chính thức được bấm “lệnh” hoãn.

Vài ngày trước, người hâm mộ đã không khỏi ngỡ ngàng khi một lãnh đạo VFF đăng đàn khẳng định, đại ý: Đại hội thường niên sẽ được tiến hành theo dự kiến để tổng kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2020 cũng như hoạch định kế hoạch cho nửa năm còn lại. Quan trọng hơn, chiếc ghế Phó Chủ tịch phụ trách Tài chính của VFF đã trong tình trạng vô chủ tới hơn 1 năm, cần gấp rút bổ sung, kiện toàn! Điều này có nghĩa, những gì liên quan đến “nồi cơm”, “túi tiền” của VFF hiện đang “nóng như lửa”, không cho phép tổ chức điều hành túc cầu giáo nước nhà dừng thêm một ngày nào nữa.

Và như chúng ta đã biết, 5 ngày trước đại hội, một thông tin đã được truyền đi từ trụ sở Liên đoàn: có 59/69 thành viên được quyền biểu quyết đăng ký tham dự - con số tưởng chừng... vu vơ nhưng lại mang một “thông điệp ngầm”, rằng việc tổ chức đại hội đã được “đa số tán thành”, cần triển khai “ngay và luôn”.

Chính vì sự gấp gáp, chạy đua với thời gian ấy mà không ít công đoạn chuẩn bị cho đại hội đã được giản lược hết mức có thể. Khác với thông lệ, tiêu chí của Phó Chủ tịch Tài chính lần này không được công khai. Các ứng cử viên cũng gói gọn trong những gương mặt “rất cũ” (hai ông: Lê Văn Thành và Phạm Thanh Hùng đang là trưởng, phó Ban Tài chính VFF, riêng ông Thành kiêm chức Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền. Doanh nhân Trần Văn Liêng cũng từng tham gia tranh cử và thất bại). Nói cách khác, Liên đoàn không dành nhiều sự quan tâm cho việc lựa chọn, đề cử thêm những cá nhân thực sự tiềm năng, có uy tín khác.

Bên cạnh đó, cả 3 ứng cử viên nói trên cũng không bắt buộc phải có “đề án/cương lĩnh tranh cử”. Vì vậy, nếu đại hội diễn ra theo đúng kế hoạch thì không loại trừ khả năng Liên đoàn sẽ “chọn đại” một cá nhân rồi “dí” vào vị trí Phó chủ tịch Tài chính cho... đủ ban bệ!

Chưa hết, như khẳng định của Phó Chủ tịch VFF kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam - Trần Anh Tú: Đại hội sẽ là cuộc “họp kín”; báo giới chỉ được tham gia ghi hình trước và sau khi đại hội diễn ra...

Điều đáng nói là công tác chuẩn bị nói trên ngay lập tức đã vấp phải phản ứng rất mạnh từ nhiều câu lạc bộ (CLB) chuyên nghiệp. Lãnh đạo của hai đội bóng: SHB Đà Nẵng và Quảng Nam FC cho biết, do địa phương nơi đội nhà đóng đại bản doanh là “điểm nóng” của dịch bệnh nên chắc chắn không thể có mặt. Đồng quan điểm, Chủ tịch Nguyễn Văn Đệ của đội bóng xứ Thanh cũng cho rằng nên hoãn đại hội, chí ít là đến khi dịch bệnh tạm lắng.

Ông Đệ còn không đồng tình với tính chất “đóng kín”, “chỉ người nhà biết với nhau” của đại hội qua phát biểu: Không cần thiết tổ chức bầu cử kín. Phó chủ tịch VFF, bên cạnh khả năng kiếm tiền phải là người có đạo đức. Đạo đức ở đây là minh bạch, không chỉ minh bạch tài chính VFF mà minh bạch cả người được chọn!

Không còn nghi ngờ gì nữa, thời điểm, động cơ, mục đích của đại hội đều cho thấy không ít “vấn đề”, chưa thuyết phục được cả “kẻ trong cuộc” (đại biểu tham dự), lẫn “người quan sát” (truyền thông, khán giả).

Vậy nên, việc VFF quyết định bấm lệnh “hoãn” là cần thiết, kịp thời; bởi chí ít, nó cũng thể hiện việc Liên đoàn biết lắng nghe!

Thanh Hà


Thanh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]