(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau hàng loạt scandal của giới cầm còi quốc nội ở những vòng đấu cuối V.League 2018, mới đây, Ban Trọng tài Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đang hướng tới dự án thành lập Học viện Trọng tài và có thể mời giảng viên là một số chủ tịch hội đồng trọng tài những quốc gia có nền bóng đá phát triển của thế giới hay châu lục.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Học viện Trọng tài: Giới cầm còi quốc nội liệu còn “thua trên sân nhà”?

Sau hàng loạt scandal của giới cầm còi quốc nội ở những vòng đấu cuối V.League 2018, mới đây, Ban Trọng tài Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đang hướng tới dự án thành lập Học viện Trọng tài và có thể mời giảng viên là một số chủ tịch hội đồng trọng tài những quốc gia có nền bóng đá phát triển của thế giới hay châu lục.

Cần phải khẳng định ngay rằng đây là chủ trương đúng đắn bởi những mùa giải gần đây, công tác trọng tài ở V.League đã bộc lộ không ít bất cập. Thật khó tưởng tượng là ở một giải bóng đá chuyên nghiệp nhưng lại có những vị “vua áo đen” chưa thuộc điều lệ, tự nghĩ ra luật hay mới đây là trường hợp trọng tài Trần Văn Lập ở vòng 22 (B.Bình Dương - Than Quảng Ninh) khi phạt một cầu thủ thẻ vàng thứ 2 nhưng không truất quyền thi đấu.

Học viện có giúp giới cầm còi quốc nội khỏi “thua trên sân nhà” hay không lại là chuyện khác. Bởi khi công kích giới cầm còi, ngoài chuyện nghi ngờ về năng lực, các câu lạc bộ ở xứ ta còn đặt ra những dấu hỏi to tướng về “cái đầu” của các vị “vua áo đen”. Sau khi phải chia điểm với Nam Định ở vòng đấu 22, vị tướng trẻ của FLC Thanh Hóa đã không ngần ngại điểm mặt một số trận đấu khác có khả năng sẽ bị trọng tài “đổi trắng thay đen”. “Chúng tôi sẽ tiếp tục trở thành nạn nhân của những tiếng còi méo khi đối đầu với các đội bóng đang ở nhóm có nguy cơ xuống hạng” - HLV Nguyễn Hữu Thắng khẳng định như đinh đóng cột.

Ở góc độ khác, diễn biến sân cỏ những năm gần đây đã chứng minh, năng lực của trọng tài ngoại không hơn các ông “vua nội”. Chẳng phải thế sao khi mà nhiều nhà cầm quân sau khi chứng kiến màn điều khiển của “vua ngoại” đã phải lắc đầu cảm thán: BTC đã phí tiền cho trọng tài ngoại.

Tuy nhiên, một thực tế ai cũng nhận thấy là khi trở thành “khách mời của V.League”, các vị “vua ngoại” đã giải quyết gần như triệt để bài toán tư tưởng của hầu hết CLB. Lấy dẫn chứng từ trận cầu “nóng” nhất vòng 21 V.League 2017 giữa đội bóng bên bờ sông Mã và Hà Nội FC thực sự là một bữa tiệc bóng đá mãn nhãn với 6 bàn thắng được chia đều cho cả 2 đội. Thầy trò HLV Petrovic từ chỗ phải rượt đuổi đã vươn lên dẫn trước cho đến khi trận đấu đã bước sang những phút bù giờ thì bị gỡ hòa (qua đó mất ngôi đầu bảng vào tay QNK Quảng Nam do bằng điểm nhưng kém về đối đầu trực tiếp) bởi quyết định thổi phạt 11m rất “dũng cảm” của ông “vua sân cỏ” đến từ xứ sở mặt trời mọc ở phút 90+2.

Phải khẳng định rằng đây là quyết định chính xác song không phải tất cả các trọng tài nội đều dám thổi còi nếu họ được đặt vào một vị trí như thế. Chúng tôi tin rằng nếu người chỉ tay vào chấm 11m trận FLC Thanh Hóa - Hà Nội FC không phải Jumpei IIDa mà là một trọng tài bản địa thì không loại trừ khả năng sẽ lại có một màn “bao vây”, gây sức ép từ các cổ động viên, cầu thủ, Ban huấn luyện đội bóng xứ Thanh. Đúng như nhận xét của nhiều chuyên gia, phẩm chất, tư cách của trọng tài đã giúp trận thư hùng này cán đích an toàn chứ không phải do năng lực người điều khiển.

Nói cách khác, nguyên nhân chính khiến giới trọng tài phải chịu sự chỉ trích gay gắt như hiện nay bắt nguồn từ “lỗi tư tưởng” (CLB nghi ngờ trọng tài “ăn tiền” để làm sai lệch tỉ số) chứ không phải “lỗi chuyên môn”.

Mà Học viện Trọng tài, nếu được thành lập thì cũng chỉ nâng cao năng lực chuyên môn nên sẽ chẳng ngạc nhiên nếu một mặt VFF dốc tiền của thành lập Học viện Trọng tài, mặt khác vẫn phải chịu nhiều phí tổn để thuê “vua ngoại”.

Thanh Hà


Thanh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]