(vhds.baothanhhoa.vn) - Những ngày này, sự kiện Chủ tịch Vũ Tiến Thành “ôm” luôn ghế huấn luyện viên (HLV) trưởng của Câu lạc bộ (CLB) Bóng đá Sài Gòn ở V.League 2020 đã và đang thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo truyền thông, người hâm mộ nước nhà.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khi chủ tịch CLB trực tiếp làm công tác huấn luyện

Những ngày này, sự kiện Chủ tịch Vũ Tiến Thành “ôm” luôn ghế huấn luyện viên (HLV) trưởng của Câu lạc bộ (CLB) Bóng đá Sài Gòn ở V.League 2020 đã và đang thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo truyền thông, người hâm mộ nước nhà.

Mặc dù kết quả ở trận cầu khai mạc mùa giải không tệ (hòa 1-1) nhưng theo khẳng định của ban lãnh đạo đội chủ nhà sân Thống Nhất thì cựu HLV trưởng Hoàng Văn Phúc đã không hoàn thành chỉ tiêu đề ra (thắng trận mở màn); quan trọng hơn, cầu thủ nhập cuộc trong trạng thái khá uể oải... và đó chính là nguyên nhân khiến “tướng Phúc” phải rời băng ghế huấn luyện. “Thời gian gấp gáp nên CLB đành chỉ đạo tôi (tức Chủ tịch Vũ Tiến Thành) tạm thời kiêm nhiệm vị trí HLV trưởng” - ông Thành giải thích.

Trước hết phải thấy rằng, cái gọi là “thời gian gấp gáp” nhiều phần mang ý nghĩa bao biện bởi thực tế nhân sự CLB Bóng đá Sài Gòn lúc này cho thấy, đội bóng đã và đang có sự phục vụ của trợ lý Phùng Thanh Phương - người từng có thời gian dẫn dắt CLB TP Hồ Chí Minh khi còn thi đấu ở giải hạng Nhất 2014 và là trợ lý số một của HLV Chung Hae Soung khi giành ngôi Á quân V.League 2019. Nói cách khác, nếu cần một người cho “đúng chuyên môn”, thậm chí là để hợp thức hóa chuyện bằng cấp, đội bóng này hoàn toàn có thể đăng ký Phùng Thanh Phương ở vị trí HLV trưởng còn “thực quyền” chỉ đạo vẫn thuộc về Chủ tịch Vũ Tiến Thành hay bất kỳ một cá nhân khác. Diễn biến sân cỏ quốc nội những năm gần đây cho thấy, không ít đội bóng đã áp dụng chiêu “lách luật” này khi người chính danh HLV trưởng đủ bằng cấp nhưng lại “non” tuổi nghề; ngược lại kẻ toàn quyền về chuyên môn có thừa kinh nghiệm, khả năng nhưng lại “khuyết” những văn bằng chứng chỉ cần thiết.

Chúng tôi không phủ nhận chuyên môn của Chủ tịch CLB Sài Gòn Vũ Tiến Thành mà chỉ nhìn nhận ở khía cạnh sự thiếu chuyên nghiệp trong công tác nhân sự. Có người còn bày tỏ sự bức xúc khi so sánh với hình ảnh ông bầu Nguyễn Đức Kiên ở CLB Bóng đá Hà Nội ACB gần 20 năm trước - ông Kiên giành quyền lên đấu pháp, xếp đội hình mà “quên” mất chuyện HLV trưởng CLB đang hiện diện kề bên.

Ở khía cạnh khác, dăm ba mùa giải trở lại đây, chức vô địch V.League luôn thuộc về những nhà cầm quân không có bằng cấp cao nhất như Chu Đình Nghiêm (Hà Nội FC), Hoàng Văn Phúc (Quảng Nam FC), Mai Đức Chung (B.Bình Dương)... Trong số này, HLV Chu Đình Nghiêm vốn chỉ quen “làm bóng đá trẻ”, bỗng được lãnh đạo đội bóng Thủ đô đôn lên sau sự rút lui của HLV kỳ cựu Phan Thanh Hùng và ngay lập tức, ông Nghiêm giúp đội nhà đăng quang.

Vì lẽ đó, ở V.League, nhiều khi bằng cấp chỉ là sự “hợp pháp hóa hồ sơ huấn luyện” không hơn không kém và quan trọng hơn, chẳng phải lúc nào “bằng cấp cao, chứng chỉ nhiều” cũng đồng nghĩa với “dễ tìm việc, có thành tích”.

Thanh Hà


Thanh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]