(vhds.baothanhhoa.vn) - Việc đại diện cho quốc gia tranh tài tại các giải bóng đá cấp châu lục tưởng rằng là một vinh dự lớn đối với bất cứ đội bóng nào, thế nhưng, nghĩa vụ này với nhiều CLB ở Việt Nam, lại đang là một “gánh nặng”.

Khi nghĩa vụ quốc gia trở thành “gánh nặng”

Việc đại diện cho quốc gia tranh tài tại các giải bóng đá cấp châu lục tưởng rằng là một vinh dự lớn đối với bất cứ đội bóng nào, thế nhưng, nghĩa vụ này với nhiều CLB ở Việt Nam, lại đang là một “gánh nặng”.

Khi nghĩa vụ quốc gia trở thành “gánh nặng”Ảnh minh họa.

Mùa giải 2017, QNK Quảng Nam giành chức vô địch V.League nhưng do không đáp ứng đủ tiêu chí theo quy định của AFC, đội bóng này đã không thể tham gia AFC Champions League năm 2018. “Kẻ đóng thế” lúc bấy giờ là FLC Thanh Hóa - đội á quân. Đội bóng xứ Thanh dù có nhà tài trợ FLC giàu tiềm lực song việc tham gia AFC Champions League và sau đó là AFC Cup thực sự là khó khăn lớn. Đầu tiên là việc phải thuê SVĐ quốc gia Mỹ Đình để thi đấu do sân Thanh Hóa không đạt chuẩn theo quy định. Tham gia vòng loại AFC Champions League nhưng sớm bị loại, rồi được thi đấu ở vòng bảng AFC Cup song FLC Thanh Hóa cũng không vượt qua được vòng đấu này dù chỉ gặp các đội bóng trong khu vực Đông Nam Á. Ngay cả những đội bóng vừa mạnh về lực lượng, có tiềm lực tài chính “khỏe” như Hà Nội, Viettel gần đây cũng không “mặn mà” lắm với đấu trường châu lục khi phải gặp những đối thủ quá mạnh. Cho đến hết mùa giải 2021, các CLB của Việt Nam gần như chưa thay đổi được hình ảnh, chưa cải thiện được thành tích ở các giải đấu châu Á, cho dù các CLB của Việt Nam không phải thi đấu vòng sơ loại và được vào thẳng vòng đấu bảng AFC Champions League và AFC Cup.

Ở những nền bóng đá phát triển như châu Âu, Nam Mỹ, để giành vé tham dự giải bóng đá cấp châu lục, các CLB phải giành được thứ hạng cao tại giải vô địch quốc gia, giành được Cúp quốc gia. Đây không chỉ là vinh dự mà còn là cơ hội để các đội bóng có dịp đổi đời. Điển hình nhất là UEFA Champions League (Cúp C1 châu Âu). Các đội bóng khi giành vé tham gia vòng đấu bảng giải đấu này vừa được hàng triệu người hâm mộ trên thế giới theo dõi, vừa có cơ hội tăng nguồn thu nhờ tiền bản quyền truyền hình, bán vé, bán quần áo, đồ lưu niệm... và những hoạt động khác. Càng vào sâu, các CLB càng gia tăng lợi ích, hình ảnh của mình.

Trong khi đó, ở Việt Nam, việc đại diện cho quốc gia tham gia tranh tài tại các giải đấu châu Á như AFC Champions League, AFC Cup nhiều năm trở lại đây hầu như chỉ mang tính thủ tục và phần nào là miễn cưỡng do gặp khá nhiều khó khăn và quan trọng nhất là cơ hội tiến sâu không cao. Trong lịch sử tham gia các giải đấu cấp châu lục, chỉ có Becamex Bình Dương là đội giành được thành tích tốt nhất với việc lọt vào đến vòng bán kết AFC Cup năm 2009. Còn lại, các đội bóng như Hà Nội, SHB Đà Nẵng, Viettel, Than Quảng Ninh... hầu như không có cơ hội tiến sâu ở các giải AFC Champions League, AFC Cup. Cùng lắm, các đội bóng của Việt Nam cũng chỉ vượt qua vòng bảng của khu vực Đông Nam Á và sớm dừng bước khi đối mặt với các CLB đến từ các quốc gia ở khu vực Đông Á, Tây Á. Những yếu tố kể trên đã cho thấy, phần lớn các CLB của Việt Nam tham gia đấu trường cấp châu lục chỉ mang tính thủ tục. Sự kém nhiệt tình của các đội là điều dễ hiểu khi mục tiêu chính là giải đấu quốc nội, còn việc tham gia đấu trường châu lục chỉ là thủ tục để hoàn thành nghĩa vụ quốc gia.

Mùa giải bóng đá 2021 đã bị hủy và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam buộc phải chọn các đội xếp thứ hạng cao ở giải V.League sau 12 vòng đấu của giai đoạn 1 để tham dự các giải đấu cấp châu lục năm 2022. Phương án được đưa ra là Hoàng Anh Gia Lai tham gia AFC Champions League, các đội xếp thứ 2 và 3 là Viettel và Than Quảng Ninh tham gia AFC Cup. Đội bóng phố Núi gần như chắc chắn sẽ tham gia, còn 2 đội tham gia AFC Cup vẫn chưa ngã ngũ. Nhất là khi Than Quảng Ninh đang đứng trước nguy cơ giải thể sau khi không còn nhà tài trợ. Phương án tiếp theo là Nam Định (xếp thứ 4) và Đông Á Thanh Hóa (xếp thứ 5). Mặc dù vậy, cả 2 đội bóng nói trên đều không mấy “mặn mà”. Lãnh đạo đội bóng xứ Thanh khẳng định, việc tham gia AFC Cup vượt quá khả năng của CLB cả về vấn đề tài chính, lực lượng và sân vận động, chưa kể những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 thời gian qua. Đội bóng thành Nam cũng ở trong hoàn cảnh tương tự, thậm chí mùa giải 2021 vừa qua họ đã từng ký hợp đồng cầu thủ ngắn hạn (từ 1 đến 3 tháng).

Chắc chắn Liên đoàn Bóng đá Việt Nam sẽ phải khá đau đầu khi chọn các đội bóng đại diện cho Việt Nam tham gia cúp châu lục năm sau. Khi các CLB tham gia đều phải “tự túc” 100%, mục tiêu cao nhất vẫn nằm ở giải quốc nội thì nghĩa vụ quốc gia vẫn sẽ là “gánh nặng”. Vấn đề này vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, thiếu tính định hướng, thiếu mục tiêu, vì vậy vẫn chưa được cải thiện. Đội tuyển quốc gia Việt Nam đã và đang vươn đến tầm châu lục, nhưng các CLB vẫn loay hoay ở vùng trũng của “ao làng”.

Mạnh Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]