(vhds.baothanhhoa.vn) - Việc đội tuyển Việt Nam lọt vào vòng loại cuối của World Cup 2022 khu vực Châu Á, để lại trong lòng người hâm mộ những cảm xúc đặc biệt. Trong đó, hình ảnh những tuyển thủ quốc gia với những khối cơ bắp rắn chắc hằn lên sau bộ đồng phục ướt đẫm mồ hôi cùng nụ cười rạng rỡ trên gương mặt sau mỗi trận đấu, đã truyền đi những thông điệp tự hào.

Khi thể lực lên tiếng

Việc đội tuyển Việt Nam lọt vào vòng loại cuối của World Cup 2022 khu vực Châu Á, để lại trong lòng người hâm mộ những cảm xúc đặc biệt. Trong đó, hình ảnh những tuyển thủ quốc gia với những khối cơ bắp rắn chắc hằn lên sau bộ đồng phục ướt đẫm mồ hôi cùng nụ cười rạng rỡ trên gương mặt sau mỗi trận đấu, đã truyền đi những thông điệp tự hào.

Khi thể lực lên tiếng

Trước đây, mỗi lần đối mặt với Thái Lan, Indonesia, Malaysia là mỗi lần điểm yếu về thể lực của các cầu thủ Việt Nam được đề cập tới. Khi thể lực bị bào mòn, thì kỹ thuật hay chiến thuật cũng không còn ý nghĩa, tinh thần và ý chí cũng không thể vãn hồi được thế cuộc.

Năm 2014, chuyên gia người Nhật Bản Tanaka Koji được VPF mời làm Trưởng Ban tổ chức V.League đã chỉ ra một thông số khiến nhiều người giật mình: Cầu thủ Việt Nam chỉ chạy 5,6km/ trận, thấp hơn con số 8-10km/trận của các giải bóng đá chuyên nghiệp khác.

Nền tảng thể chất của các tuyển thủ Thái Lan, Indonesia, Malaysia hiện nay vẫn rất tốt, nhưng các tuyển thủ của chúng ta còn thể hiện sự “trên cơ” nhờ biết phân bổ và duy trì thể lực tuyệt vời trong cả trận đấu.

Đội tuyển quốc gia đang sở hữu một thế hệ cầu thủ với thể hình lý tưởng, từ các hậu vệ: Quế Ngọc Hải (1,79m), Đỗ Duy Mạnh (1,80m), Bùi Hoàng Việt Anh (1,86m), Đoàn Văn Hậu (1,86m); đến tiền vệ: Nguyễn Hoàng Đức (1,83m), Lương Xuân Trường (1,78m) và tiền đạo: Nguyễn Tiến Linh (1,83m). Thậm chí, đội tuyển Việt Nam có thể ra sân với đội hình có chiều cao trung bình lên tới 1,80m. Cầu thủ có thể hình thuộc diện “mỏng cơm” nhất là tiền vệ Nguyễn Quang Hải, lại sở hữu những chỉ số lý tưởng khi có hàm lượng mỡ trong cơ thể là 7% - bằng với tỷ lệ của siêu sao Cristiano Ronaldo.

Một số cầu thủ của chúng ta thậm chí còn thể hiện sự vượt trội về thể lực so với các tuyển thủ trong khu vực. Minh chứng rõ nhất là tại 2 giải đấu cấp khu vực là AFF Cup 2018 và SEA Games 2019, Đoàn Văn Hậu gần như “vô đối” ở vị trí mà hậu vệ quê Thái Bình này trấn giữ.

Giải được “bài toán” thể lực cho các cầu thủ là cả một quá trình dài, dựa trên yếu tố nền tảng thể chất của các tuyển thủ và sự đầu tư khoa học, bài bản của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), các CLB chủ quản, sự tham gia của các chuyên gia về dinh dưỡng, thể lực, các nhà tài trợ...

Còn nhớ, năm 2017, HLV Park Hang-seo sau trận đấu đầu tiên chính thức dẫn dắt đội tuyển Việt Nam đấu Afghanistan ở vòng loại Asian Cup 2019, đã chỉ ra vấn đề: “Cầu thủ Việt Nam về kỹ thuật và chuyền bóng khá tốt nhưng tôi cũng hơi tiếc vấn đề của họ là thể lực. Chúng ta cần có kế hoạch cụ thể để giải quyết vấn đề này”.

Thầy Park đã chỉ ra rằng về mặt cơ và gân, cầu thủ Việt Nam phát triển không đều. Phần thân trên của cầu thủ Việt Nam rất kém. Như các cầu thủ Châu Âu hay các nước trong châu lục, phần thân trên lớn nên khi họ tranh chấp, tì đè tốt hơn. Khi chạm vào người cầu thủ Việt Nam, dường như chỉ thấy cơ bắp, xương với da. Từ đó, một chiến lược phát triển thể lực cho các cầu thủ đã được vạch ra và thực hiện nghiêm ngặt với sự tham gia của các chuyên gia thể lực, chuyên gia dinh dưỡng.

Bên cạnh đó, ý thức tự giác rèn luyện của các tuyển thủ cũng là một điểm cộng. Không khó để bắt gặp hình ảnh Đặng Văn Lâm, Đoàn Văn Hậu, Bùi Tiến Dũng, Quế Ngọc Hải... đổ mồ hôi trong phòng tập gym, khoe những khối cơ rắn chắc. Thủ môn Đặng Văn Lâm còn thể hiện tính chuyên nghiệp rất cao khi anh tự bỏ tiền thuê HLV thể lực tập riêng tại nhà.

Tuy nhiên, trận đấu mới đây với UAE ở vòng loại World Cup 2022, đã chỉ ra rằng, nền tảng thể chất, thể lực của các cầu thủ Việt Nam vẫn còn một khoảng cách khá xa so với những đội bóng hàng đầu châu lục.

Đó là lý do mà sau khi đội tuyển Việt Nam giành vé vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực Châu Á, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã ký hợp đồng với HLV thể lực Cedric Roger.

Chưa kể, trong cuộc trả lời phỏng vấn trực tuyến truyền thông Hàn Quốc mới đây, HLV Park Hang-seo đã thẳng thắn chia sẻ rằng, bóng đá Việt Nam vẫn cần cải thiện nhiều mặt, một trong số đó là đội tuyển hiện vẫn chưa có chuyên gia dinh dưỡng.

Rõ ràng, cải thiện thể chất cho cầu thủ Việt Nam với lộ trình đến World Cup vẫn là câu chuyện dài và trách nhiệm không chỉ của VFF hay ban huấn luyện đội tuyển. Song, chúng ta có niềm tin, như chính chia sẻ của HLV Park Hang-seo là: “Việt Nam là một đất nước cực kỳ yêu bóng đá. Nền kinh tế ở đây đang phát triển nên nền bóng đá cũng đang lớn mạnh. Hai điều này tỷ lệ thuận với nhau. Phát triển bóng đá là điều khó khăn và cần thêm những chuyên gia. Chúng tôi đang tiếp tục đề xuất thêm chuyên gia có khả năng đóng góp và Chính phủ Việt Nam đang tiếp nhận ý kiến. Đây cũng là một điều thuận lợi của tôi ở Việt Nam bởi Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng lắng nghe và tiếp nhận những chuyên gia mới có đủ năng lực”.

Nguyên Phong



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]