(vhds.baothanhhoa.vn) - Là một trong những đội bóng rất “sốt sắng”, tích cực trên thị trường chuyển nhượng trước thềm V.League 2020 và sớm có được chữ ký của nhà cầm quân “hạng sang” Fabio Lopez - sở hữu bằng huấn luyện UEFA Pro, cao nhất V.League hiện tại - nhưng nghịch lý thay, sau 2 lượt trận ra quân, đội bóng bên bờ sông Mã hoàn toàn tay trắng, ngay cả khi được thi đấu trên sân nhà.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lại chuyện “thuốc Tây” - “bệnh Việt”

Là một trong những đội bóng rất “sốt sắng”, tích cực trên thị trường chuyển nhượng trước thềm V.League 2020 và sớm có được chữ ký của nhà cầm quân “hạng sang” Fabio Lopez - sở hữu bằng huấn luyện UEFA Pro, cao nhất V.League hiện tại - nhưng nghịch lý thay, sau 2 lượt trận ra quân, đội bóng bên bờ sông Mã hoàn toàn tay trắng, ngay cả khi được thi đấu trên sân nhà.

Kể từ ngày sân chơi cao nhất làng cầu quốc nội khoác trên mình tấm áo chuyên nghiệp, đã có gần 50 gương mặt thầy ngoại hành nghề ở V.League. Thậm chí, dăm bảy năm về trước, giải vô địch quốc gia còn có một giai đoạn được các chuyên gia gọi là “thời cực thịnh” của thầy ngoại, gắn với sự kiện hàng loạt ông chủ doanh nghiệp, hàng loạt nhà tài phiệt đua nhau rẽ ngang sang sân cỏ: Họ ồ ạt mua sắm từ “quân” đến “tướng” và V.League mặc nhiên trở thành “miền đất hứa” cho các cầu thủ và cả HLV ngoại.

Nói đến thành công của thầy ngoại, người hâm mộ gần như chỉ nhớ đến 2 gương mặt: Arjhan Songngamsap (hai lần giúp Hoàng Anh Gia Lai đăng quang V.League các năm 2003 - 2004, cùng hai danh hiệu Siêu Cup quốc gia) và Henrique Calisto (thống trị giải chuyên nghiệp trong liên tiếp 2 mùa giải 2005 - 2006). Song, bên cạnh những gương mặt hiếm hoi thành công, số HLV ngoại thất bại ở Việt Nam... nhiều không kể xiết, dẫu năng lực của họ đã được thừa nhận rộng rãi như: A.Riedl (từng huấn luyện đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam với những thành tích nhất định ở sân chơi khu vực và châu lục nhưng lại đưa K.Khánh Hòa xuống hạng mùa bóng 2001), Ricardo Fomosinho (được cả thế giới biết đến với vai trò là trợ lý cho chiến lược gia lừng danh Jose Mourinho nhưng sự nghiệp huấn luyện ở B.Bình Dương tại V.League 2011 chỉ kéo dài trong vẻn vẹn chừng 3 tháng) và đặc biệt là vị “giảng viên HLV” của Liên đoàn Bóng đá châu Á (tức “thầy của các HLV”) - ông Robert Lim - người dẫn dắt đội bóng cố đô Hoa Lư mùa giải 2010 và phải nói lời giã từ chỉ sau 1 tháng với bảng thành tích tệ hại 5 điểm/4 trận.

Để tìm nguyên nhân thất bại của các ông thầy ngoại, cần phải nhắc lại câu chuyện liên quan đến HLV Guillaume Graechen tại V.League 2015. Được công nhận là “nhà giáo ưu tú” nơi học viện Pleiku nhưng khi chính thức “cầm sa bàn”, Guillaume Graechen lại cho thấy sự “bất cập” thấy rõ: Hoàng Anh Gia Lai liên tục “tuột dốc không phanh”. Khi nguy cơ rớt hạng hiển hiện, bầu Đức buộc phải “thay ngựa giữa đường”. Tướng trẻ Nguyễn Quốc Tuấn được chỉ định “nhiếp chính” và tập thể này đã trụ hạng trong sự ngỡ ngàng của cả làng túc cầu và người hâm mộ (Hoàng Anh Gia Lai có nhiều trận thắng khó tin trước các đối thủ “trên cơ”).

So sánh Guillaume Graechen với Nguyễn Quốc Tuấn, ông Trần Bình Sự - HLV trưởng CLB Đồng Nai (đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Hoàng Anh Gia Lai mùa giải năm ấy) đã có phát ngôn để đời: Về năng lực, Nguyễn Quốc Tuấn chỉ đáng học trò nhưng lại hơn Guillaume Graechen ở... các mối quan hệ!

Thực hư việc ông Tuấn dùng các mối quan hệ để tác động tới diễn biến sân cỏ ra sao thì chưa ai có thể kiểm chứng, song một thực tế nhiều người thừa nhận là sân chơi cao nhất quốc nội lâu nay vẫn tồn tại những “lệ bất thành văn”, nhiều điều “tế nhị” hay “cái bắt tay” nơi hậu trường. Và trong một số thời điểm, đó chính là “chiếc chìa khóa vàng” để biến nguy thành an. Đáng nói hơn, đây có thể xem là “điệp vụ bất khả thi” với những ông thầy vốn bất đồng ngôn ngữ, “lạ nước lạ cái” và hoàn toàn mù tịt về những bí ẩn nơi hậu trường của V.League.

Ở góc độ khác, câu chuyện “lòng quân, ý tướng” luôn là nút thắt tối quan trọng. Khi “tướng sĩ một lòng phụ tử”, khán giả được chứng kiến những tập thể bừng bừng khí thế. Ngược lại, trong một CLB mà lòng người chia năm xẻ bảy thì thành công luôn là chuyện rất xa vời. Nghiệt ngã thay, khi “lòng quân, ý tướng” không nhìn về một hướng, người thất bại chính là HLV. Minh chứng cho điều này, người ta thường dẫn phát ngôn “bất hủ” của HLV Đặng Trần Chỉnh: Ghế HLV có 4 chân thì cầu thủ nắm tới 3. Vì lẽ đó, có thể khẳng định: Không dễ để HLV Fabio Lopez - người đang nắm trong tay tấm “bằng đỏ” - lập tức có được thành công.

Nhưng dẫu sao đi nữa thì V.League 2020 mới chỉ đi qua những chặng đầu và nói cho công bằng thì 2 trận thua mà đội bóng bên bờ sông Mã phải gánh chịu có phần nghiệt ngã bởi các cầu thủ xứ Thanh đã thi đấu lấn lướt, thậm chí nhiều thời điểm dồn ép đối thủ “tới bến”. Điều quan trọng là sau vòng đấu thứ 2, V.League 2020 lại tạm nghỉ nên vẫn còn đủ thời gian để nhà cầm quân người Ý sửa sai, biết “thích nghi” với một giải đấu có quá nhiều “đặc thù” như giải bóng đá chuyên nghiệp vô địch quốc gia.

Thanh Hà


Thanh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]