(vhds.baothanhhoa.vn) - Trước sự tái phát của dịch bệnh Covid-19, không hẹn mà gặp, đại diện rất nhiều đội bóng ở sân chơi cao nhất quốc nội đã đồng loạt gửi văn bản, đề nghị Ban tổ chức bấm lệnh “dừng” V.League 2020. Về cơ bản, nếu đề xuất này được thông qua, Giải chuyên nghiệp năm nay sẽ lập tức xác định 3 đội nhận huy chương, từ cao xuống thấp, lần lượt là Sài Gòn FC, Viettel FC và Than Quảng Ninh, đồng thời không có đội xuống hạng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhiều đội bóng đề nghị dừng V.League 2020: Ngẫm từ lá đơn kiến nghị của “bầu Đệ”!

Trước sự tái phát của dịch bệnh Covid-19, không hẹn mà gặp, đại diện rất nhiều đội bóng ở sân chơi cao nhất quốc nội đã đồng loạt gửi văn bản, đề nghị Ban tổ chức bấm lệnh “dừng” V.League 2020. Về cơ bản, nếu đề xuất này được thông qua, Giải chuyên nghiệp năm nay sẽ lập tức xác định 3 đội nhận huy chương, từ cao xuống thấp, lần lượt là Sài Gòn FC, Viettel FC và Than Quảng Ninh, đồng thời không có đội xuống hạng.

Cần phải khẳng định ngay rằng, từ nhiều tháng trước, việc kết thúc sớm mùa bóng đã được một số giải đấu áp dụng. Juplier Pro League - giải vô địch Bỉ đã trở thành sân chơi đầu tiên ở châu Âu thông báo kết thúc sớm, đồng thời trao chức vô địch cho Club Brugge - đội đứng đầu bảng xếp hạng thời điểm ấy. Song, điều đáng nói là việc người Bỉ sớm hạ “tấm màn nhung” đã vấp phải sự phản đối rất quyết liệt từ Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA). Bên cạnh đó, dẫu dịch bệnh lây lan rất dữ dội và không có dấu hiệu “hạ nhiệt” thì một số nền bóng đá lớn như Anh, Ý, Tây Ban Nha... chỉ áp dụng “chế độ chờ” mà không hề nghĩ đến việc kết thúc sớm những sân chơi danh giá.

Chuyện người Anh, người Ý, người Tây Ban Nha từ chối hạ màn giải đấu sớm không khó lý giải bởi sân chơi Serie A (Italia), Ngoại hạng (Anh) hay La Liga (Tây Ban Nha) đều là những thương hiệu hái ra tiền. Việc kết thúc sớm cũng đồng nghĩa Ban tổ chức và cả UEFA đều phải chịu những thiệt hại rất lớn về kinh tế, không biết bao giờ mới hồi phục hay gượng dậy được. Chính vì lẽ đó, đã có ý kiến cho rằng: UEFA chỉ quan tâm đến lợi nhuận, bất chấp sự an nguy của cầu thủ. Đây cũng là khác biệt rất lớn giữa V.League với các nền bóng đá kể trên - quả bóng V.League chỉ lăn khi có sự đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Trở lại những diễn biến ở sân chơi cao nhất làng cầu quốc nội. Quảng Nam FC là đội bóng đầu tiên đệ đơn lên Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đề nghị VPF nổi hồi còi mãn cuộc V.League 2020. Liền sau đó, hai CLB: Sông Lam Nghệ An và Nam Định đều có chung “tiếng lòng”.

Đáng nói là ngay sau hiện tượng “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” này, đây đó, trên một số diễn đàn, có ý kiến cho rằng, kiến nghị của 3 đội bóng nói trên chỉ là để hợp thức hóa việc chạy trốn suất xuống hạng. Đặc biệt là Quảng Nam FC, trên bảng tổng sắp, sau vòng 11, đội bóng xứ Quảng đang đứng bét bảng với khoảng cách 6 điểm so với “nhóm an toàn”. Tuy nhiên, khi ông bầu Nguyễn Văn Đệ của đội bóng bên bờ sông Mã lên tiếng, ủng hộ chủ trương này thì mọi chuyện đã mang sắc thái, ý nghĩa khác.

Một thực tế không thể phủ nhận là đội bóng xứ Thanh đang xếp hạng 8/14. Nếu giữ được vị trí này sau khi V.League 2020 kết thúc giai đoạn lượt đi, Thanh Hóa sẽ là một trong 8 gương mặt đủ điểm số để cạnh tranh huy chương. Nhìn nhận một cách khách quan thì so với các đối thủ khác, đội bóng của bầu Đệ không có nhiều khả năng giành 1 trong 3 thứ hạng cao nhất. Song trên lý thuyết, quan điểm của ông bầu họ Nguyễn vẫn là tiếng nói vì sự an toàn cho cầu thủ, cho cộng đồng, chứ hoàn toàn không phải để “chạy trốn suất xuống hạng” như một số cách giải thích không thật sự tích cực.

Trước phản ứng mau lẹ của không ít CLB, Ban tổ chức V.League, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã phát lệnh họp khẩn, nhằm tìm ra giải pháp tối ưu nhất. Theo tìm hiểu của chúng tôi, không loại trừ V.League 2020 sẽ có ngày tái sinh một khi Ban tổ chức không phải chịu áp lực kết thúc vào tháng 10/2020 để đội tuyển bóng đá quốc gia tập trung cho AFF Suzuki Cup 2020 (vì giải đấu này nhiều khả năng cũng bị hoãn, lui lại sang năm).

Dù không thể so sánh về quy mô, tác động, tầm ảnh hưởng với các giải đấu hàng đầu thế giới nhưng thiệt hại và những “dư chấn” từ việc “nghỉ sớm” của V.League chắc chắn là không hề nhỏ. Nhưng thiết nghĩ, dù V.League 2020 phải kết lại theo kịch bản nào đi chăng nữa thì đó vẫn là quyết định khó khăn của Ban tổ chức, và cao hơn là các cơ quan quản lý ở tầm vĩ mô.

Mong rằng các CLB sẽ có sự cảm thông, chia sẻ và ủng hộ vì sự an toàn của cả cộng đồng!

Thanh Hà


Thanh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]