(vhds.baothanhhoa.vn) - Tiếp nối thành công của năm 2018, năm 2019 có thể xem là “vụ mùa bội thu” của làng bóng nước nhà khi tại hầu hết các sân chơi mà chúng ta tham dự, các đội tuyển nam, nữ đều giành được kết quả hết sức ấn tượng: đội tuyển nữ vô địch giải Đông Nam Á 2019, đoạt Huy chương Vàng SEA Games 30; đội tuyển nam quốc gia lọt vào vòng Tứ kết - nhóm 8 đội mạnh nhất Asian Cup 2019, giành ngôi Á quân King's Cup 2019, hiện đang dẫn đầu bảng đấu tại Vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á… Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến tấm Huy chương Vàng của thầy trò huấn luyện viên Park Hang Seo tại Đại hội Thể thao khu vực sau 60 năm chờ đợi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhìn lại năm 2019 “đại hỷ” của bóng đá Việt Nam: Sau thành công là... “thuốc thử đủ liều”!

Tiếp nối thành công của năm 2018, năm 2019 có thể xem là “vụ mùa bội thu” của làng bóng nước nhà khi tại hầu hết các sân chơi mà chúng ta tham dự, các đội tuyển nam, nữ đều giành được kết quả hết sức ấn tượng: đội tuyển nữ vô địch giải Đông Nam Á 2019, đoạt Huy chương Vàng SEA Games 30; đội tuyển nam quốc gia lọt vào vòng Tứ kết - nhóm 8 đội mạnh nhất Asian Cup 2019, giành ngôi Á quân King"s Cup 2019, hiện đang dẫn đầu bảng đấu tại Vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á… Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến tấm Huy chương Vàng của thầy trò huấn luyện viên Park Hang Seo tại Đại hội Thể thao khu vực sau 60 năm chờ đợi.

Khác biệt rõ nhất trong thành công của hai mùa bóng (2018 và 2019) chính là tâm thế của các đội tuyển. Nếu như ở AFF Suzuki Cup 2018, rồi Asiad cùng năm, chúng ta bước vào giải trong tư thế một đội bóng giàu khát vọng, sẵn sàng gây bất ngờ và đằng sauthành công của năm 2018 là không ít băn khoăn, hồ nghi của khán giả - về cái gọi là “gặp thời”, “ăn may” của bóng đá nước nhà (có cảm giác chính Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng chưa hoàn toàn tin tưởng vào năng lực của HLV trưởng Park Hang Seo nên mới có nhiều biểu hiện cần thời gian “nghe ngóng”, “kiểm chứng thêm” trước khi gia hạn hợp đồng với chiến lược gia người Hàn Quốc)... thì năm nay, đối thủ của chúng ta tại Asian Cup, SEA Games, thậm chí là cả vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á đều xem Việt Nam là ứng cử viên sáng giá, một “thách thức” đích thực. Và đáng nói hơn, thành tích, danh hiệu mà chúng ta đạt được đều rất thuyết phục.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kỳ tích sân cỏ năm 2019: Nào sự quan tâm, tạo mọi điều kiện của liên đoàn và các cơ quan quản lý Nhà nước; nào sự “mát tay” của nhà cầm quân người Hàn Quốc; sự ủng hộ hết mình của hàng triệu khán giả nước nhà... nhưng trên hết, chúng ta đang sở hữu một “thế hệ vàng” vừa độ “chín tới”. Chúng ta tin rằng chỉ cần một sách lược đúng đắn thì cả hai đội bóng đá nam (U23 và tuyển quốc gia) đều có thể tiếp tục tỏa sáng trong một vài năm tới. Đây chính là tiền đề để khán giả “mơ mộng”, VFF cũng không ngần ngại hướng đến 3 mục tiêu rất cao: giành suất tham dự Olympic Tokyo 2020, đi sâu vòng loại World Cup 2020 và vô địch AFF Suzuki Cup 2020.

Song, nhắc đến “thế hệ vàng” thì không thể không đề cập đến khái niệm “lứa kế cận”. Diễn biến sân có những năm gần đây cho thấy, công tác đào tạo trẻ của sân cỏ Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa có sự đột phá nào đáng kể và rất thiếu toàn diện. Quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là vài ba “lò” đào tạo mới nổi như Hoàng Anh Gia Lai, PVF (có thể kể thêm Hà Nội FC); những lò giàu truyền thống và bản sắc như Thanh Hóa, Nghệ An từ vài năm nay đã im hơi lặng tiếng... Dẫu đây là những “vườn ươm” bước đầu gây dựng được thương hiệu thì một tỷ lệ như vậy vẫn quá thấp so với số lượng câu lạc bộ thi đấu chuyên nghiệp (cả giải V.League - vô địch quốc gia lẫn giải hạng Nhất chúng ta có gần 30 CLB bóng đá chuyên nghiệp).

Ở góc độ khác, nếu như nhiều năm trước, “lò Hoàng Anh JMC” có thể sản sinh cùng lúc hàng loạt gương mặt trẻ chất lượng (Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn, Văn Thanh...) thì vài ba năm trở lại đây, đào tạo trẻ nơi phố núi Pleiku gần như không giới thiệu thêm được gương mặt nào đáng giá. Bóng đá Việt Nam hiện vẫn có những cầu thủ chất lượng như Văn Hậu, Tiến Linh song năng lực của họ mang tính “thiên bẩm” nhiều hơn là sản phẩm của các lò đào tạo. Nói cách khác, hiệu quả từ công tác đào tạo trẻ vẫn chưa cao; sau “mẻ gang đầu”, người ta vẫn chưa thấy tín hiệu “sóng Trường Giang lớp sau đè lớp trước” mà sự kiện cả hai đội U16 quốc gia (nam và nữ) đều bị loại ngay từ vòng đấu bảng vòng loại U16 châu Á 2019 là dẫn chứng điển hình.

Không thể không nhìn thẳng vào thực tế này để thấy rằng, sân cỏ nước nhà vẫn còn không ít việc phải làm, cần khắc phục mới có thể nói tới chuyện“vươn vai”, trở thành một thế lực thực sự của bóng đá châu lục và xứng với hai chữ “đẳng cấp”, nhất là ở Vòng chung kết giải U23 châu Á tới đây, U23 Việt Nam sẽ gặp những “thuốc thử đủ liều” như U23 Triều Tiên, U23 UAE và U23 Jordan trong khuôn khổ bảng D. Bởi ai cũng biết một câu thuộc hàng “danh ngôn” trong bóng đá rằng “Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi”!

Chưa bàn tới việc thầy trò HLV Park Hang Seo có lọt vào nhóm 3 đội mạnh nhất để giành vé tham dự Olympic Tokyo 2020 như mục tiêu đề ra hay không, nội chuyện phải cạnh tranh 2 tấm vé với U23 Triều Tiên, U23 UAE, U23 Jordan đã vô cùng gian nan, khốc liệt và rất có thể sẽ là “điệp vụ bất khả thi”.

Thanh Hà


Thanh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]