(vhds.baothanhhoa.vn) - Góp tiếng nói để Olympic Tokyo 2020 được tổ chức, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, Thế vận hội là một sự kiện của hy vọng, rằng “Thế vận hội có sức mạnh để mang cả thế giới lại với nhau, truyền cảm hứng, thể hiện những gì có thể. Cầu mong những tia hy vọng từ vùng đất này sẽ chiếu sáng một bình minh mới cho một thế giới khỏe mạnh, an toàn hơn và công bằng hơn”.

Những câu chuyện truyền cảm hứng

Góp tiếng nói để Olympic Tokyo 2020 được tổ chức, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, Thế vận hội là một sự kiện của hy vọng, rằng “Thế vận hội có sức mạnh để mang cả thế giới lại với nhau, truyền cảm hứng, thể hiện những gì có thể. Cầu mong những tia hy vọng từ vùng đất này sẽ chiếu sáng một bình minh mới cho một thế giới khỏe mạnh, an toàn hơn và công bằng hơn”.

Những câu chuyện truyền cảm hứng

Ảnh minh họa.

Hơn 2/3 chặng đường đã qua của Thế vận hội, đã có nhiều câu chuyện “truyền cảm hứng”, mang theo “bình minh mới” được các VĐV kể theo những cách khác nhau.

Ở tuổi 17, Kim Je Deok là cung thủ trẻ tuổi nhất giành HCV trong lịch sử tham dự Olympic của đất nước Hàn Quốc. Kim mồ côi mẹ từ nhỏ. Để đến được Olympic, cậu phải vừa tập luyện vô cùng vất vả, với thời gian lên đến 16 tiếng mỗi ngày, vừa phải chăm sóc người cha bệnh tật. Trước mỗi lượt bắn, Kim thường hét to “cố lên” để tự động viên mình.

Mirabai Chanu đã kể câu chuyện “cổ tích giữa đời thường” khi giành HCB cử tạ hạng cân 49kg, giúp cử tạ Ấn Độ giải cơn khát huy chương Olympic sau 21 năm chờ đợi. Với chiến tích này, Mirabai Chanu đã từ một cô bé từ năm 10 tuổi phải lên rừng kiếm củi và thường gánh những bó củi thật to đem về đổi lấy gạo, đã gánh trên vai vinh quang của cả dân tộc.

Đã 101 năm trôi qua kể từ lần cuối cùng một kình ngư Phần Lan giành huy chương ở nội dung bơi ếch của một kỳ Thế vận hội, đến Olympic Tokyo mới lại có người chạm tay tới vinh quang, đó là Matti Mattsson với tấm HCĐ ở nội dung 200m bơi ếch nam. Chỉ ít năm trước, Mattsson bị mắc chứng Celiac, một căn bệnh hiếm khiến anh bị rụng hết tóc, chưa kể một tai nạn khi đạp xe leo núi khiến anh bị chấn thương tay và phải phẫu thuật. Phong độ đi xuống, cuộc đời Mattsson đi vào ngõ cụt, đến mức sau Olympic Rio de Janeiro 2016, kình ngư Phần Lan phải thốt lên “nếu có một cánh cửa sập ở đáy hồ bơi, tôi sẽ mở nó ra, bước vào và không bao giờ quay trở lại”. Thế nhưng với sự động viên, hỗ trợ của HLV Karvonen, kình ngư 27 tuổi đã hàng ngày khổ luyện trong một bể bơi dài 7m dưới tầng hầm của một căn chung cư, để rồi bước ra và tỏa sáng ở Tokyo- giành tấm HCĐ lịch sử và trở thành kình ngư nhanh thứ 8 mọi thời đại ở đường bơi 200m ếch.

Những câu chuyện truyền cảm hứng không chỉ lan tỏa trên bục vinh quang, có rất nhiều VĐV mà chỉ sự góp mặt của họ thôi, đã như nguồn sáng chắt chiu từ những chuỗi ngày gian nan, tỏa ánh sáng tinh khiết trên bầu trời Olympic.

Đất nước Syria tròn 10 năm chìm trong thảm cảnh của chiến loạn đã khiến 388.000 người thiệt mạng, trong đó có 118.000 dân thường và 22.000 trẻ em. Không chỉ chiến tranh, nghèo đói mà sự hoành hành của đại dịch COVID-19 khiến khoảng 60% người dân đất nước này có nguy cơ đối mặt với nạn đói trong năm nay, hơn 1 triệu trẻ em được sinh ra trong các trại tị nạn ngoài Syria; 3,5 triệu trẻ em thất học; 90% trẻ em thiếu thốn nghiêm trọng về vật chất và chịu ảnh hưởng lớn về tâm lý.

Vì thế, trong ngày thi đấu đầu tiên của đại hội thể thao lớn nhất hành tinh, khi VĐV 12 tuổi người Syria, Hend Zaza tiến vào sân thi đấu nội dung đơn nữ môn bóng bàn, em đã thu hút mọi ánh nhìn. Đến với bóng bàn từ năm 5 tuổi, nơi Zaza luyện tập không đáp ứng bất cứ tiêu chuẩn Olympic nào, em thường xuyên phải tập luyện ở điều kiện thời tiết lên tới 40 độ C, trong tiếng đạn pháo ngay bên tai. Em lần lượt chinh phục tất cả các giải đấu trong nước, xuất sắc vượt qua các đối thủ giàu kinh nghiệm ở Vòng loại Olympic khu vực Tây Á tổ chức ở Jordan để dõng dạc tiến về Tokyo. Dù thất bại ngay trong trận ra quân, nhưng thông điệp mà cô bé cầm cờ của đoàn thể thao Syria gửi gắm đủ sức lay động hàng triệu trái tim những người yêu chuộng hòa bình: "Thực sự rất khó khăn, nhưng tôi phải chiến đấu vì điều đó. Và đây cũng là thông điệp tôi muốn gửi đến tất cả nhưng ai có chung hoàn cảnh với mình - hãy chiến đấu vì ước mơ của bạn. Hãy cố gắng, nỗ lực bất kể khó khăn và bạn sẽ đạt được ước mơ của mình”.

...

Trong tác phẩm “The most incredible Olympic stories”, nhà văn người Argentina Luciano Wernicke đã dày công tập hợp lại những câu chuyện kể về hành trình của các kỳ Olympic từ huyền thoại vươn tới nền văn minh hiện đại. Qua cuốn sách, tác giả muốn gửi gắm tới độc giả rằng, Olympic không chỉ là sân chơi thể thao mà còn là nơi hợp lưu, lan tỏa các giá trị của cuộc sống, của mỗi thời đại.

Dõi theo hành trình của các VĐV tại Olympic lần này, chúng ta cũng tựa như đang đọc một cuốn sách sinh động bằng hình ảnh về thời đại mà chúng ta đang sống vậy.

Nguyên Phong


Nguyên Phong

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]