(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ khi 10 tuổi, Phạm Thị Vân đã khổ công tập luyện, để rồi sau đó khiến người hâm mộ không ít lần sửng sốt đến ngỡ ngàng về những thành tích em đạt được trên đường đua xanh. Giờ đây, em là niềm hy vọng vàng không chỉ với thể thao thành tích cao Thanh Hóa mà còn cả bộ môn bơi lội quốc gia.

Phạm Thị Vân: Hy vọng vàng trên đường đua xanh

Từ khi 10 tuổi, Phạm Thị Vân đã khổ công tập luyện, để rồi sau đó khiến người hâm mộ không ít lần sửng sốt đến ngỡ ngàng về những thành tích em đạt được trên đường đua xanh. Giờ đây, em là niềm hy vọng vàng không chỉ với thể thao thành tích cao Thanh Hóa mà còn cả bộ môn bơi lội quốc gia.

Phạm Thị Vân: Hy vọng vàng trên đường đua xanh

Phạm Thị Vân trên đường đua xanh.

Phạm Thị Vân sinh năm 2005, tại làng Ngán, xã Ngọc Khê, nay là thị trấn Ngọc Lặc (huyện Ngọc Lặc). So với nhiều “đàn anh”, “đàn chị”, Vân vào “độ chín” khá sớm khi chỉ mất hơn 1 năm tập luyện để đứng trên bục cao nhất của giải trẻ quốc gia và hơn 3 năm để giành HCB trong Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII năm 2018. Cụ thể, được tuyển vào lớp bơi năng khiếu tháng 5-2015, đến tháng 7-2016, nữ vận động viên (VĐV) xứ Thanh đã có HCV tại Giải bơi lội trẻ toàn quốc, đến tháng 12-2018, giành HCB tại đấu trường thể thao lớn nhất quốc gia được tổ chức 4 năm 1 lần. Trong khi đó, các chuyên gia thể thao cho rằng, thông thường phải mất từ 5 - 7 năm tập luyện thì mới có được một VĐV đủ “chín”.

VĐV Phạm Thị Vân được Huấn luyện viên (HLV) Phạm Việt An phát hiện và tuyển chọn vào lớp năng khiếu bơi lặn của tỉnh trong một lần “tuyển quân” tại huyện Ngọc Lặc. Theo HLV An, em được phát hiện có tố chất của một tài năng bơi lội thông qua hình thể. Lúc ấy em 10 tuổi và còn chưa biết bơi.

Sau 3 tháng làm quen với bộ môn, Vân được gọi vào Đội tuyển trẻ bơi lội Quốc gia tập luyện tại TP Đà Nẵng. Gần 1 năm sau đó, em bắt đầu gặt hái những tấm huy chương đầu tiên của sự nghiệp khi mới 11 tuổi. Đó là điều hiếm gặp trong thể thao.

Cũng kể từ năm 2016 đến nay, cứ mỗi lần xuống nước tham gia các giải đấu là Vân có “vàng”. Kình ngư của xứ Thanh có lợi thế ở các cự ly ngắn, mà nội dung 50m bơi bướm, em gần như không có đối thủ, dù đó là “tượng đài” bơi lội Việt Nam Nguyễn Thị Ánh Viên. Thực tế, qua 3 lần đối đầu ở cự ly này, thì cũng chừng ấy lần Vân về trước “nàng tiên cá”.

Cụ thể, tại Giải vô địch Quốc gia năm 2020, Phạm Thị Vân gây sửng sốt với làng bơi quốc nội khi lần đầu chiến thắng “tượng đài” Nguyễn Thị Ánh Viên ở nội dung 50m bơi bướm. Một thành tích khiến tất cả phải ngỡ ngàng. Sang năm 2021, cô gái dân tộc Mường tiếp tục khiến Ánh Viên thêm 2 lần phải sắm vai kẻ về sau. Đó là ở Giải bơi - lặn bể 25m vô địch Quốc gia tại TP Huế và Giải vô địch bơi lội Quốc gia tại TP Đà Nẵng. Đáng nói là tại Đà Nẵng, Vân còn sở hữu thêm 1 HCV ở nội dung 50m bơi tự do dù phải cách ly phòng, chống dịch COVID-19 không tập luyện suốt 8 ngày trước khi giải diễn ra. Điều này chứng minh Vân đánh bại “đàn chị” Ánh Viên không phải là may mắn nhất thời, mà là đẳng cấp và bản lĩnh trong thi đấu.

HLV Trịnh Văn Sáng, Trưởng bộ môn Bơi lội, Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cho biết: “Ngoài sở trường ở các cự ly ngắn, Phạm Thị Vân đã có thể tranh chấp huy chương với các VĐV bơi lội hàng đầu của cả nước ở các nội dung 100m và 200m. Nếu Ánh Viên sẩy chân, Vân sẽ lấy vàng”.

Phạm Thị Vân: Hy vọng vàng trên đường đua xanh

Tài năng trẻ Phạm Thị Vân.

Biết rằng mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng cả Nguyễn Thị Ánh Viên và Phạm Thị Vân đều có tố chất của một tài năng bơi lội, mà theo HLV Trịnh Văn Sáng đó là sức nhanh, sức mạnh, sức bền và độ mềm dẻo. Sức bền và sức mạnh thì có thể bồi đắp trong quá trình huấn luyện, nhưng sức nhanh và độ mềm dẻo của cơ thể thì chỉ di truyền mới có. Thực tế, sau khi “nàng tiên cá” có đơn xin nghỉ ở Đội tuyển bơi lội Quốc gia, thì cùng với VĐV Lê Thị Mỹ Thảo (SN 1996, ở Bình Phước), Phạm Thị Vân đang là niềm hy vọng số 1 tại SEA Games 31.

Tuổi đời còn rất trẻ, Phạm Thị Vân đã là một tài năng thực thụ của bơi lội nước nhà. Đó là kết quả của nhiều yếu tố mà ngoài tố chất bẩm sinh, còn có sự tận tình trong huấn luyện, bồi dưỡng của các HLV và môi trường tập luyện nền nếp, kỷ cương.

HLV Trịnh Văn Sáng, cho biết thêm: Khi phát hiện ra tố chất của Phạm Thị Vân, ngoài nhiệt tình chỉ dạy, các HLV còn chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ, xem em là người trong gia đình. Tại Đà Nẵng, em đã có cơ hội tập luyện, cọ sát cùng các tài năng trẻ của cả nước trong một môi trường chuyên nghiệp, bài bản và rất kỷ luật. Sau đó, em được đi tập huấn tại Hungary hơn 1 tháng. Đó là những điều kiện thuận lợi để Vân được phát triển tài năng.

Trở lại câu chuyện của hơn 6 năm trước, việc tìm tòi, phát hiện được tài năng là điều may mắn với những người làm công tác huấn luyện môn bơi lội, nhưng để thuyết phục gia đình đồng ý cho em theo con đường thể thao lại là chuyện hoàn toàn khác. Bởi trên thực tế, không có nhiều gia đình đồng ý để con em mình trở thành VĐV chuyên nghiệp khi việc học hành còn dở dang. Sau nhiều lần vận động bất thành, các HLV đã phải thuyết phục gia đình bằng những tấm gương thể thao có thật ngay tại Ngọc Lặc, như: Quách Thị Lan, Quách Công Lịch (điền kinh), Bùi Tiến Dũng, Bùi Tiến Dụng, Mai Tiến Thành (bóng đá), Lê Văn Ngà (bơi lội)...Thế mới biết, phía sau sự thành công của một tài năng thể thao bao giờ cũng có dấu ấn của những HLV tâm huyết.

Phạm Thị Vân bộc bạch: “Những thành tích đạt được trong thời gian qua của em có công sức rất lớn của Ban huấn luyện Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Thanh Hóa, của các HLV bộ môn bơi lội quốc gia. Đặc biệt, HLV Trịnh Văn Sáng là người đã dìu dắt, rèn luyện và giúp đỡ em rất nhiều”.

Giờ đây, cô bé Vân nhỏ thó ngày nào đã trở thành một thiếu nữ, là niềm hy vọng vàng của bơi lội quốc gia tại các đấu trường trong nước và quốc tế, mà trước mắt là SEA Games 31 do Việt Nam đăng cai tổ chức vào tháng 4 năm nay. Nhưng ít ai biết em đã phải trải qua những tháng ngày gian nan mà chỉ có nghị lực phi thường, sự kiên trì nỗ lực bền bỉ mới có thể vượt qua. Và câu chuyện này cũng đã truyền cảm hứng cho các VĐV tiếp tục nỗ lực, cố gắng.

Đó là chuyện của năm 2015, lúc Vân mới 10 tuổi, học lớp 4 Trường Tiểu học Ngọc Khê phải xa nhà xuống thành phố tập bơi. “Em xuống thành phố thấy mọi thứ đều lạ lẫm. Mặc dù có các bạn đồng trang lứa, nhưng cứ đến chiều và tối em lại nhớ nhà và thường xuyên khóc. Rồi có những lúc tập ép dẻo, tập sức bền, em đau quá không chịu đựng được nữa cũng khóc vì tủi thân”.

Nhà có 3 chị em gái, bố phải đi xuất khẩu lao động, kinh tế gia đình khó khăn, nhưng mẹ Vân - chị Quách Thị Chiến đành gác lại công việc ruộng nương, vay mượn tiền nong thuê xe về thành phố an ủi, động viên con tiếp tục tập luyện. Có hôm chị xin ngủ lại cùng con. Chị Chiến sụt sùi: “Lúc ấy Vân còn quá nhỏ để phải sống xa nhà, xa bố mẹ. Giờ nghĩ lại vẫn còn thấy thương con".

Thương mẹ đi lại vất vả, tốn kém, rồi được các HLV động viên, Vân đã phải dồn hết nghị lực, bản lĩnh mà vượt qua. “Nhớ nhà quá thì em rủ bạn đi quanh bể bơi cho khuây khỏa. Những lúc tập luyện có đau đớn, nhưng em luôn nghĩ đến những tấm huy chương phía trước để cố gắng vượt qua”, Vân chia sẻ.

Dẫu biết rằng, trong thể thao khó ai đoán biết trước được điều gì, nhưng với người hâm mộ và bạn bè đồng trang lứa, Vân đã là một tấm gương sáng về nghị lực, bản lĩnh, sự nỗ lực vươn lên chiến thắng chính mình. Đó là sức mạnh lớn lao cổ vũ, thôi thúc em tiếp tục vươn lên thống trị các đỉnh cao thành tích trên các đấu trường thể thao khu vực và thế giới.

Phạm Thị Vân bộc bạch: “Em sẽ còn phải cố gắng nhiều hơn nữa trong tập luyện và thi đấu để không phụ lòng bố mẹ và thầy cô. Em tin mình sẽ làm được". Và người hâm mộ đang vững một niềm tin cô gái xứ Mường sẽ tiếp tục làm nên kỳ tích.

Bài và ảnh: Thành Vân


Bài và ảnh: Thành Vân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]