(vhds.baothanhhoa.vn) - Với vận động viên (VĐV) được bước lên bục cao nhất của mỗi giải đấu, khẳng định bản thân, mang vinh quang về cho quê hương, đất nước luôn luôn là mục tiêu quan trọng nhất. Và đường đến đỉnh cao thành tích với họ chưa bao giờ dễ dàng. Phía sau vinh quang rạng rỡ là nỗ lực, hy sinh không ngừng nghỉ.

Phía sau vinh quang: Những mầm xanh khát vọng

Với vận động viên (VĐV) được bước lên bục cao nhất của mỗi giải đấu, khẳng định bản thân, mang vinh quang về cho quê hương, đất nước luôn luôn là mục tiêu quan trọng nhất. Và đường đến đỉnh cao thành tích với họ chưa bao giờ dễ dàng. Phía sau vinh quang rạng rỡ là nỗ lực, hy sinh không ngừng nghỉ.

Phía sau vinh quang: Những mầm xanh khát vọng

HLV Trịnh Văn Sáng, Trưởng bộ môn Bơi lội, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh hướng dẫn kỹ thuật cho VĐV nhí Lê Anh Bảo Thái.

Khi bạn bè cùng trang lứa vẫn còn nũng nịu chuyện ăn uống, học hành, thì những cô bé, cậu bé là VĐV tuyến năng khiếu Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao (TDTT) thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phải chấp nhận sống xa gia đình, tuân thủ kỷ luật để bước vào con đường “khổ luyện” thành tài.

8 tuổi, cậu bé Lê Anh Bảo Thái ở phường Đông Cương (TP Thanh Hóa) đã bước sang năm thứ 2 gắn bó với tuyến năng khiếu bộ môn Bơi (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh). Trước đó, do có sở thích đặc biệt với bơi lội, mỗi ngày Thái được bố mẹ đều đặn chở đến trung tâm tập luyện. Sự say mê của cậu bé lớp 1 đã khiến các huấn luyện viên (HLV) tại đây chú ý. HLV Trịnh Văn Sáng, Trưởng bộ môn Bơi, nhớ lại: “Có những buổi sáng khi bố mẹ đưa đến đây, Lê Anh Bảo Thái vẫn còn trong trạng thái... ngủ gật. Vậy nhưng chỉ sau chốc lát khởi động, được xuống nước, cháu đã hoàn toàn khác, như chú rái cá nhỏ. Trước tình yêu của cháu với môn bơi, chúng tôi đã động viên gia đình cho cháu về trung tâm. Hiện tại Lê Anh Bảo Thái đang là VĐV thuộc tuyến năng khiếu. Hy vọng, với năng khiếu, tình yêu và nỗ lực tập luyện, Thái sẽ trở thành nhân tố sáng trong tương lai”.

Trò chuyện với chúng tôi, cậu bé Lê Anh Bảo Thái vẫn bẽn lẽn như lứa tuổi của em. Em nói, nhớ bố mẹ, nhớ gia đình... Vậy nhưng, khi tiếng còi hiệu lệnh của các thầy vừa dứt, VĐV nhí đã nhanh chóng lao mình xuống nước.

Do đặc thù của môn Bơi, việc tuyển chọn VĐV khi các em còn rất nhỏ. Bởi vậy, tại tuyến năng khiếu, những cô bé, cậu bé VĐV tuổi lên bảy, lên tám như Thái là không hiếm. Theo các HLV, khi được tuyển vào đây, hầu hết các cháu còn khá nhỏ nên chưa có nhiều căn cứ, cơ sở để đánh giá, chủ yếu mới thông qua mắt “nhìn người” của các HLV. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn vàng để phát hiện, bồi dưỡng những tài năng bơi lội. Bởi vậy, việc phải vượt qua các bài tập luyện nghiêm túc, khắc nghiệt là điều bắt buộc. Nếu VĐV nhí nào không đáp ứng được yêu cầu, không tự mình vượt lên, thì sẽ bị bỏ lại phía sau, tự mình đào thải”.

Phía sau vinh quang: Những mầm xanh khát vọngNén lại những buồn đau mồ côi bố mẹ, VĐV Dương Thị Hải Quyên đang từng ngày nỗ lực tập luyện để khẳng định mình.

Ở tuổi 15, cô bé vùng cao Dương Thị Hải Quyên ở xã Lương Trung (Bá Thước) đã có 3 năm làm VĐV bộ môn Pencak Silat. Hoàn cảnh của em cũng rất đặc biệt khi bố mất sớm, mới đây mẹ cũng chẳng may qua đời, Quyên trở thành cô bé mồ côi và Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh trở thành ngôi nhà thứ hai của em. Quyên tâm sự: “Quê em nghèo, nhà em cũng nghèo, em từng nghĩ sẽ nỗ lực tập luyện thi đấu để có thành tích tốt nhất, kiếm tiền về phụ giúp gia đình. Giờ đây, mẹ cũng mất rồi, em nhủ lòng càng phải nỗ lực hơn vì chính tương lai của mình và để bố mẹ ở nơi xa không phải lo lắng cho em”.

Hoàn cảnh khó khăn, trải qua nỗi đau mất người thân, Quyên buồn. Song nỗ lực, khát vọng chinh phục đỉnh cao thành tích của cô gái vùng cao Dương Thị Hải Quyên chưa bao giờ dừng lại. Năm 2020, ngay trong lần đầu tiên thi đấu chuyên nghiệp, Quyên giành về huy chương vàng (HCV) khi tham gia Giải Pencak Silat trẻ toàn quốc. “Tháng 7 tới đây, em sẽ tham Giải vô địch Pencak Silat trẻ toàn quốc hạng cân 39 - 42kg với mục tiêu sẽ giành được HCV”, Dương Thị Hải Quyên chia sẻ.

Dương Thị Hải Quyên, Lê Anh Bảo Thái chỉ là một trong số hàng trăm VĐV năng khiếu, tuyến trẻ của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh. Các em ở những độ tuổi khác nhau, mỗi người đến từ những địa phương, vùng quê, nhưng tựu chung là tinh thần, tình yêu và sự say mê với thể thao. Để thỏa mãn đam mê, thực hiện mục tiêu thì năng khiếu là điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Còn cả khổ luyện, chấp nhận thiệt thòi trong những thú vui giải trí thường ngày và cả nén lại cảm xúc nhung nhớ gia đình, người thân.

Vì đang trong độ tuổi đến trường, nên mỗi ngày với các em, sẽ bắt đầu bằng những khung giờ tập luyện cố định vào sáng sớm (5h30 - 7h30) sau đó đến trường học các môn văn hóa. Buổi chiều cũng vậy, trở về từ lớp học lại lao mình vào tập luyện theo giáo án của HLV. Khung thời gian ăn uống, học hành, tập luyện đều phải được lên lịch cụ thể, rõ ràng, không có chỗ cho sự chây ì, lười biếng. Đổi lại, các VĐV được HLV tận tình hướng dẫn, chỉ bảo, từ những động tác tập luyện đơn giản đến phức tạp, truyền lửa ý chí, khơi dậy đam mê, thắp lên hy vọng.

Ông Nguyễn Công Hà, Phó Trưởng phòng Quản lý huấn luyện (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh), thẳng thắn: “Cùng với sự phát triển của đất nước, thể dục thể thao cũng đi qua nhiều giai đoạn. Nếu trước đây, nhiều người đi theo con đường thể thao vì kinh tế gia đình khó khăn, vì miếng cơm manh áo, giờ đây, thể thao thành tích cao đòi hỏi ở VĐV nhiều hơn. Ngoài năng khiếu, tố chất là sự nghiêm túc, sức khỏe, thể lực, ý chí bền bỉ... Nếu bước lên được những đỉnh cao của bộ môn theo đuổi, đó không chỉ là ánh hào quang mà còn cả danh tiếng, tiền bạc... Tuy nhiên, phía sau vinh quang, là rèn luyện khắc nghiệt. Khi còn là những VĐV tuyến năng khiếu, tuyến trẻ, các em không cố gắng mỗi ngày, thì sẽ không bao giờ đạt được thành tích”.

Năm 2022, trong tổng số 695 VĐV tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh, có 242 VĐV thuộc tuyến năng khiếu ở 30 bộ môn. Cùng với các VĐV tuyến trẻ, các em chính là những “mầm xanh” hy vọng của thể thao thành tích cao Thanh Hóa, nối tiếp thành công của những thế hệ đi trước, như Phạm Ngọc Thành, Quách Thị Lan, Phạm Thị Vân...

“Những năm qua, Thanh Hóa luôn giữ vững vị trí tốp 10 tỉnh, thành, ngành có phong trào thể thao thành tích cao phát triển mạnh trong cả nước. Có được thành tích ấy, là sự quan tâm thực hiện các cơ chế, chính sách, hỗ trợ, động viên kịp thời của lãnh đạo tỉnh, các cấp, ngành và ủng hộ nhiệt tình của người hâm mộ. Năm 2021, các VĐV thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Thanh Hóa đã tham gia thi đấu 54 giải (trong nước và thế giới), giành được 249 huy chương (75 HCV, 74 HCB, 100 HCĐ). Đặc biệt, năm 2021, môn Điền kinh Thanh Hóa có VĐV Quách Thị Lan tham gia Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic Tokyo 2020 và chị là VĐV đầu tiên trong lịch sử Điền kinh Việt Nam lọt vào bán kết Olympic nội dung 400m rào nữ. Tại mỗi kỳ SEA Games, các VĐV Thanh Hóa đóng góp 10 - 15% tổng số huy chương cho đoàn Việt Nam. Năm 2022 mục tiêu đặt ra sẽ phấn đấu đạt 450 huy chương các loại”, ông Đàm Văn Long, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh, cho biết.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]