(vhds.baothanhhoa.vn) - Thế vận hội mùa hè Olympic Tokyo 2020 đã kết thúc sau hơn 2 tuần thi đấu (từ 23-7 - 8-8-2021). Đây là kỳ Thế vận hội khá đặc biệt: do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thời gian tổ chức bị lùi lại 1 năm và nhiều sân vận động không thể mở cửa đón khán giả. Dẫu vậy, đúng với tinh thần “Đoàn kết, trung thực, cao thượng”, Olympic Tokyo 2020 đã để lại những câu chuyện lay động lòng người.

Sống mãi tinh thần “đoàn kết, trung thực, cao thượng”!

Thế vận hội mùa hè Olympic Tokyo 2020 đã kết thúc sau hơn 2 tuần thi đấu (từ 23-7 - 8-8-2021). Đây là kỳ Thế vận hội khá đặc biệt: do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thời gian tổ chức bị lùi lại 1 năm và nhiều sân vận động không thể mở cửa đón khán giả. Dẫu vậy, đúng với tinh thần “Đoàn kết, trung thực, cao thượng”, Olympic Tokyo 2020 đã để lại những câu chuyện lay động lòng người.

Sống mãi tinh thần “đoàn kết, trung thực, cao thượng”!

Ở nội dung chạy 800m nam, lượt thi đấu bán kết, thật không may, hai vận động viên (VĐV) Nijel Amos (Botswana) và Isaiah Jewett (Mỹ) bỗng vấp chân nhau trên đường về đích. Thông thường, điều này sẽ gây cho bất kỳ ai đó sự bực mình, cay cú ghê gớm vì bao nhiêu công sức luyện tập lâu nay, rồi sự kỳ vọng của các quan chức thể thao, người hâm mộ quê nhà coi như đổ sông đổ bể… Vậy mà thay vì sự thất vọng, tức giận, cả hai cùng đứng dậy, khoác tay nhau bày tỏ sự thân thiện trước khi cùng hoàn thành nốt phần thi còn lại. Rõ ràng, trong trường hợp này, sự cao thượng đã lên ngôi. Không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh đẹp của Nijel Amos và Isaiah Jewett đã lan tỏa khắp thế giới vì có nhiều giá trị còn cao cả hơn những tấm huy chương hay phần thưởng vật chất cụ thể.

Không chỉ Nijel Amos và Isaiah Jewett ở đường chạy 800m nam, VĐV người Mỹ gốc Nhật tham dự môn lướt sóng Kanoa Igarashi cũng có hành động đẹp rất được khen ngợi. Kanoa Igarashi chỉ giành được Huy chương Bạc khi thua đối thủ Italo Ferreira đến từ Brazil. Chứng kiến cảnh Italo Ferreira bước vào phòng họp báo và trả lời các câu hỏi của giới ký giả một cách khó khăn (vì vốn ngoại ngữ của Ferreira khá hạn chế), Kanoa Igarashi đã đứng ra làm phiên dịch viên một cách trơn tru. Italo Ferreira vô cùng cảm động, nói lời cảm ơn Kanoa Igarashi, không ai nghĩ trước đó họ là những người đã từng cạnh tranh quyết liệt cho tấm Huy chương Vàng.

Còn có thể kể đến trường hợp của 2 VĐV Gianmarco Tamberi (người Italia) và Mutaz Essa Barshim (người Qatar). Cả 2 cùng đạt thành tích cao nhất trong môn nhảy cao, chinh phục được mức xà 2m39 và không còn đối thủ nào khác cạnh tranh. Thông thường, với trường hợp này, người ta sẽ xác định ai về nhất bằng một lượt thi đấu thêm (như hiệp phụ hoặc sút luân lưu trong bóng đá)… song cả 2 đã cùng chấp nhận chia sẻ tấm Huy chương Vàng. Cũng không phải không có ý kiến băn khoăn vì chưa có tiền lệ như thế (như ý kiến của huyền thoại nhảy sào nữ Yelena Isinbayeva) nhưng Ban tổ chức đã chia sẻ nguyện vọng của 2 VĐV rằng ai cũng xứng đáng, không có người thua và chuyện “chia sẻ thành công” rất đáng được ủng hộ.

Cuối cùng, tham dự Olympic lần này, do đang chịu án phạt của Tòa án Trọng tài Thể thao, các vận động viên Nga không được phép đại diện cho đất nước mình mà phải thi đấu dưới lá cờ của Ủy ban Olympic Nga, trong sự kỳ thị, ngờ vực của nhiều đối thủ. Điều này có nghĩa, kể cả khi vận động viên Nga đoạt Huy chương Vàng, người ta cũng không nêu tên nước Nga, kéo cờ Nga, hát quốc ca Nga mà thay vào đó là một bản nhạc của Pyotr Tchaikovski. Dẫu vậy, các VĐV Nga đã thi đấu xuất sắc, giành 20 Huy chương Vàng, 28 Huy chương Bạc, 23 Huy chương Đồng để đứng thứ 5 chung cuộc (thành tích cao hơn cả về số lượng lẫn chất lượng huy chương của chính họ ở Olympic Rio 2016). Nỗ lực của đoàn VĐV Nga là rất đáng được ghi nhận. Chưa hết, ở nội dung bơi tự do nghệ thuật đôi nữ, ban đầu, 2 VĐV Svetlana Kolesnichenko- Svetlana Romashina đăng ký trang phục thi đấu có hình con gấu không được chấp nhận (vì con gấu là biểu tượng của nước Nga). Không vì thế mà họ bức xúc hay có hành động không đẹp.

Svetlana Romashina cho biết: “Chúng tôi không được phê duyệt bộ đồ bơi hình con gấu vì nó gắn liền với đất nước chúng tôi. Tôi cũng phải xóa tên quốc gia trong bài hát tiếng Anh khi trình diễn. Tất cả những điều đó, chúng tôi đã không khiếu nại mà dồn hết sức lực tập trung để chuẩn bị chương trình thi đấu”!

Thật tuyệt vời! Câu nói cho thấy sự đoàn kết, trung thực cũng như nỗ lực của cặp VĐV mà còn là sự quyết tâm của cả đoàn thể thao. Rõ ràng, các cuộc thi thể thao sẽ không còn nhiều ý nghĩa nếu thiếu đi sự đoàn kết, trung thực và cao thượng!

THANH HÀ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]