(vhds.baothanhhoa.vn) - Trang France24.com đúc kết tình hình: “Hủy bỏ, từ chối, tẩy chay: Nga đã trở thành vị khách không được hoan nghênh trong thế giới thể thao”.

Thể thao phi chính trị - Thông điệp cao cả hay đãi bôi

Trang France24.com đúc kết tình hình: “Hủy bỏ, từ chối, tẩy chay: Nga đã trở thành vị khách không được hoan nghênh trong thế giới thể thao”.

Thể thao phi chính trị - Thông điệp cao cả hay đãi bôi

Năm 1999, khi quốc gia Nam Tư cũ (sau này là Serbia) bị NATO ném bom xâm lược, các cầu thủ Nam Tư thi đấu ở nước ngoài như Sisina Mihajlovic và Dejan Stankovic lúc đó đang thi đấu cho Lazio cùng nhiều VĐV thể thao khác, đã mặc những chiếc áo mang thông điệp hòa bình, kêu gọi NATO ngừng những hành động chiến tranh tại đất nước của họ. Khi đó, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) đã ra án phạt với những cầu thủ này với tuyên bố: “Thể thao không liên quan đến chính trị” và hành động của những cầu thủ - công dân yêu nước đó phải dừng lại. “Thể thao phi chính trị” cũng được coi là thông điệp xuyên suốt lịch sử hoạt động của FIFA.

Thế nhưng, hoặc FIFA ba phải, hoặc tổ chức này đang diễn một trò hề xuyên thế kỷ. Bởi, cũng là một cuộc chiến, nhưng khi kẻ tấn công là một quốc gia đối nghịch với NATO thì một trào lưu “chính trị hóa thể thao” lập tức diễn ra, được cổ súy trên diện rộng với cường độ ngày càng tăng.

Nào là các đội tuyển bóng đá quốc gia tham dự vòng play-off World Cup 2022 khu vực Châu Âu tuyên bố không thi đấu với đội tuyển quốc gia Nga. Nhà tài phiệt người Nga - ông chủ của CLB Chelsea, Roman Abramovich bị phong tỏa tài sản. FIFA và UEFA (Liên đoàn Bóng đá Châu Âu) thì cùng nhau quyết định rằng mọi đội bóng Nga, bao gồm đội tuyển quốc gia và CLB, sẽ bị đình chỉ tham dự các giải đấu của FIFA và UEFA với lý do hoặc... mong muốn: “...bóng đá là một thể thống nhất và hoàn toàn chia sẻ với những người bị ảnh hưởng tại Ukraine. Chủ tịch FIFA và UEFA đều hy vọng tình hình Ukraine sẽ có những chuyển biến tích cực đáng kể và một cách nhanh chóng để bóng đá lại có thể trở thành trung gian cho sự đoàn kết và hòa bình giữa mọi người”. Điều này đồng nghĩa với việc... tuyển Nga sẽ bị loại khỏi vòng play-off World Cup 2022 khu vực Châu Âu và các CLB tại Nga cũng phải rời khỏi các cúp Châu Âu dù chưa thi đấu.

Không chỉ bóng đá, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) kêu gọi tất cả liên đoàn thể thao cấp thế giới hủy các sự kiện dự kiến tổ chức tại Nga, hoặc chuyển sang nước khác. IOC cũng kêu gọi các giải đấu quốc tế chấm dứt sự xuất hiện của quốc kỳ Nga và Belarus.

Trang France24.com đúc kết tình hình: “Hủy bỏ, từ chối, tẩy chay: Nga đã trở thành vị khách không được hoan nghênh trong thế giới thể thao”.

Vậy thì, “thể thao phi chính trị” là một thông điệp hành động cao cả, hay chỉ là một khẩu hiệu đãi bôi của các tổ chức quyền lực nhất thể thao thế giới?. Với riêng bộ môn bóng đá, trong suốt chiều dài lịch sử, đã không ít lần các trận đấu hoặc giải đấu nhuốm màu chính trị.

Đó là những nghi vấn về chức vô địch World Cup 1934 của đội tuyển Italia và việc trùm phát xít Benito Mussolini đã sử dụng ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh để quảng bá cho chủ nghĩa phát xít. Là những tiết lộ của nhà báo Maria Laura Avignolo trên tờ Sunday Times năm 1986 về việc Argentina hối lộ 35.000 tấn lúa mì cho Peru để đổi lấy vinh quang ở World Cup 1978...

Tất nhiên không phải bất kỳ hành động “chính trị hóa thể thao” nào trong bóng đá cũng gây nên những bức xúc và chia rẽ. Rất nhiều lần bóng đá đóng vai trò là cầu nối, là “sứ giả của hòa bình” như 2 trận đấu giữa Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ tại vòng loại World Cup 2010 giúp cải thiện mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước kể từ sau vụ hàng trăm nghìn người Armenia bị thảm sát bởi người Thổ Nhĩ Kỳ trong Thế chiến thứ nhất; một đội tuyển Đức đoàn kết, chiến thắng chủ nghĩa dân tộc ở World Cup 2006...

Những tranh cãi trong việc “cấm vận” thể thao Nga là hợp lý hay phi lý vẫn chưa có hồi kết. Chỉ biết chắc chắn một điều, chiến tranh sẽ làm chững lại, thậm chí kéo lùi sự phát triển của bóng đá nói riêng, thể thao nói chung của cả Nga - đất nước bị “cấm vận” và Ukraina - đất nước chịu ảnh hưởng của chiến tranh. Điều đó đi ngược với tinh thần thể thao đoàn kết, cao thượng mà mọi VĐV và tất cả người dân trên hành tinh này hướng tới.

Nguyên Phong



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]