(vhds.baothanhhoa.vn) - Vậy là sau rất nhiều đồn đoán, thông tin thủ môn Câu lạc bộ (CLB) Bóng đá Hải Phòng Đặng Văn Lâm đầu quân cho đội bóng Thái Lan Muangthong United đã được chính những người trong cuộc xác nhận. Với năng lực và đẳng cấp đã được khẳng định, có thể nói, sân chơi V.League đã bị người Thái “lấy đi” một cầu thủ thi đấu tốt ở cả CLB lẫn đội tuyển.

Tin liên quan

Đọc nhiều

V.League, Thai League và hai chiều “xuất - nhập” cầu thủ

Vậy là sau rất nhiều đồn đoán, thông tin thủ môn Câu lạc bộ (CLB) Bóng đá Hải Phòng Đặng Văn Lâm đầu quân cho đội bóng Thái Lan Muangthong United đã được chính những người trong cuộc xác nhận. Với năng lực và đẳng cấp đã được khẳng định, có thể nói, sân chơi V.League đã bị người Thái “lấy đi” một cầu thủ thi đấu tốt ở cả CLB lẫn đội tuyển.

Theo chia sẻ từ người đại diện của Đặng Văn Lâm, hợp đồng giữa anh này với Hải Phòng vẫn chưa đáo hạn nhưng thủ môn có bố Việt - mẹ Nga, trưởng thành từ nền bóng đá xứ bạch dương hoàn toàn có thể “mua” lại khoảng thời gian hơn mười tháng còn lại kia. Được sự hậu thuẫn, cam kết mạnh mẽ của Muangthong United (một trong những CLB hàng đầu Thái Lan), chỉ sau vài lần gặp gỡ, thương thảo... mọi khúc mắc về tài chính đã được giải quyết chóng vánh và Muangthong United sẽ là bến đỗ của Đặng Văn Lâm trong 3 mùa giải kế tiếp.

Cần phải nói ngay rằng, chuyện chúng ta “chảy máu tài năng thể thao” ở sân chơi cao nhất làng cầu quốc nội là điều đã được dự báo từ trước. Cách đây ít lâu, truyền thông nước nhà đã hé lộ thông tin một số ngôi sao như Công Phượng, Văn Quyết, Hoàng Vũ Samson được các CLB hàng đầu Thái Lan chèo kéo. Trước và sau AFF Suzuki Cup 2018, thêm một loạt cầu thủ tiềm năng tiếp tục được người Thái, người Nhật đưa vào tầm ngắm như: Quang Hải (Hà Nội FC), Phan Văn Đức (Sông Lam Nghệ An). Và với đà này, không ngạc nhiên nếu một ngày kia, sẽ có thêm nhiều cầu thủ đang thi đấu ở V.League lên đường xuất ngoại.

Đại diện CLB Hải Phòng hoàn tất vụ chuyển nhượng Đặng Văn Lâm (thứ hai từ trái qua) cho CLB Muangthong United, thi đấu tại Thai-League.

Không phủ nhận đây là tín hiệu rất đáng mừng đối với làng bóng nước nhà bởi sau nhiều năm các CLB Hoàng Anh Gia Lai, Hà Nội FC, Thanh Hóa, Sông Lam Nghệ An... kiên trì “gieo hạt”, quan tâm đến đào tạo bóng đá trẻ, giờ cũng tới lúc họ“thu hoạch”. Sẽ có những khoản tiền không nhỏ được đặt lên bàn đàm phán mà con số nửa triệu USD CLB Muangthong United phải trả cho đội bóng đất Cảng là dẫn chứng điển hình.

Chuyển động này hoàn toàn tương phản với những gì từng xảy ra cách đây hơn một thập kỷ. Thời điểm mà V.League được giới “quần đùi áo số” Thái Lan xem là “thiên đường” khi họ tấp nập đổ về phố núi Pleiku, phố biển Quy Nhơn. Những huyền thoại của bóng đá xứ Chùa vàng như: Tawan, Dusit, Chukiat, Kiatisak, Thonglao, Sakda (sau còn nhập tịch - lấy tên Đoàn Văn Sakda) xuất hiện cùng màu áo Hoàng Anh Gia Lai; Nirut, Issawa, Pipat, Worrawoot thi đấu trong màu áo Bình Định... với những khoản “lót tay” và mức lương kỷ lục. “Dòng chảy cầu thủ” Thái đổ về sân cỏ quốc nội là một trong những nguyên nhân khiến các nhà làm giải ở ta luôn miệng tự hào: Việt Nam đang có giải bóng đá chuyên nghiệp vô địch quốc gia hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á!

Không còn nghi ngờ gì nữa, sau 10 năm, hai chiều “xuất - nhập” cầu thủ giữa V.League và Thai League đã đảo ngược, một thông điệp chứng tỏ: V.League đang mất giá trầm trọng.

“Đau” cho sân cỏ Việt nhưng phải thừa nhận, không có gì “oan” khi chúng ta đánh mất vị thế “hàng đầu khu vực” về tay “đại kình địch bóng đá khu vực”. Trong bối cảnh người Thái đã làm một cuộc cách mạng rất triệt để (“xây mới” giải vô địch quốc gia với 4 cấp độ, không ngần ngại đập bỏ những sân vận động cũ kĩ cũng như đổ tiền làm bóng đá trẻ và liên kết đào tạo với hàng loạt CLB ở xứ sương mù như Everton, Manchester City hay Leicester City...) thì ở V.League, chúng ta vẫn cứ loay hoay với những “chuyện nhỏ”, “việc vặt”.

Chẳng hạn, để quyết định số đội thăng - xuống hạng, Ban tổ chức V.League “họp tới họp lui” mà vẫn không tìm được tiếng nói thống nhất. Hay trước một quyết định của trọng tài, nếu phần lớn người hâm mộ khẳng định đó là tiếng còi thiếu công tâm thì các nhà làm giải vẫn không thể có được đáp án cuối cùng: Đó là quyết định sai hay đúng (?), luật FIFA có quy định như thế hay không (?)...

Hai chiều xuất - nhập cầu thủ đối lập giữa V.League và Thai League không chỉ đơn thuần là chuyện “nay đi mai ở” (vốn không hề xa lạ với giới “quần đùi áo số”) mà còn ẩn chứa triết lý của câu thành ngữ “đất lành chim đậu”, cầu thủ đẳng cấp phải biết tìm đến một sân chơi xứng đáng để tạo dựng sự nghiệp.

Thanh Hà


Thanh Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]