(vhds.baothanhhoa.vn) - Rạng sáng 12/8/2024, Thế vận hội mùa hè (Olympic) Paris 2024 đã kết thúc sau hơn nửa tháng tranh tài (từ 26/7 - 11/8/2024) của hàng nghìn vận động viên (VĐV) đến từ 206 quốc gia và vùng lãnh thổ với ngôi vị nhất chung cuộc dành cho đoàn thể thao Hoa Kỳ: 40 HCV, 44 HCB, 42 HCĐ.

Thêm một kỳ Olympic thất bát của thể thao Việt Nam

Rạng sáng 12/8/2024, Thế vận hội mùa hè (Olympic) Paris 2024 đã kết thúc sau hơn nửa tháng tranh tài (từ 26/7 - 11/8/2024) của hàng nghìn vận động viên (VĐV) đến từ 206 quốc gia và vùng lãnh thổ với ngôi vị nhất chung cuộc dành cho đoàn thể thao Hoa Kỳ: 40 HCV, 44 HCB, 42 HCĐ.

Thêm một kỳ Olympic thất bát của thể thao Việt Nam

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Xếp ngay sau đoàn Hoa Kỳ là đoàn Trung Quốc (đoàn Trung Quốc chỉ ít hơn đoàn Hoa Kỳ về số lượng HCB, HCĐ. Nằm trong top 10 còn có các đoàn: Nhật Bản, Australia, chủ nhà Pháp, Hà Lan, Anh, Hàn Quốc, Italia, Đức. 93 đoàn thể thao đã đoạt ít nhất 1 huy chương.

Olympic Paris 2024 là đấu trường danh giá ghi nhận Novak Djokovic trở thành VĐV quần vợt nam xuất sắc nhất từ trước đến nay sau khi tay vợt người Serbia đánh bại Alcaraz (Tây Ban Nha) trong trận chung kết. Ngoài Novak Djokovic thì đô vật người Cuba Mijain Lopez đã trở thành huyền thoại khi trở thành VĐV duy nhất từ trước đến nay đoạt HCV ở 5 kỳ Olympic liên tiếp. Thế vận hội mùa hè năm nay cũng ghi nhận sự vươn lên mạnh mẽ của đoàn thể thao Uzbekistan với 8 HCV, 2 HCB, 3 HCĐ. Thành tích này đưa đại diện Trung Á leo lên vị trí thứ 13 trên bảng xếp hạng, hơn rất nhiều những anh tài khác thường xuyên xuất hiện ở top 15 như: Hungary, Tây Ban Nha, Thụy Điển...; đứng thứ ba trong số các đoàn thể thao châu Á (chỉ sau Nhật Bản, Hàn Quốc). Và đối lập với những điểm nhấn, gam màu sáng trên đây, thể thao Việt Nam lại có thêm một kỳ Olympic thất bát, rất đáng để các cơ quan chức năng tìm nguyên nhân, rút ra các bài học hữu ích!

Đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic Paris 2024 gồm 16 VĐV, thi đấu 11 nội dung. Trước khi đến Thế vận hội mùa hè, chúng ta đã có 2 lần liên tiếp đứng đầu Đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á (SEA Games), hơn cả Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore... Ấy thế nhưng, tại sân chơi thể thao toàn cầu này, đoàn thể thao của chúng ta thua kém tất cả các đoàn trên đây, nằm trong số hơn 110 đoàn không có huy chương (cùng với Lào, Campuchia, Myanmar, Brunei và Timor Leste).

Thật vậy, ở Olympic Paris 2024, các đoàn thể thao Philippines, Indonesia đều đoạt 2 HCV (Philippines có thêm 2 HCĐ, Indonesia có thêm 1 HCĐ). Trong đó, VĐV thể dục dụng cụ Carlos Yulo (Philippines) đã trở thành VĐV Đông Nam Á đầu tiên đoạt 2 HCV tại một kỳ Olympic. 2 HCV của Carlos Yulo ở các nội dung thể dục trên sàn và nhảy chống. 2 HCV của đoàn thể thao Indonesia thuộc về Veddriq Leonardo (leo núi tốc độ) và Rizki Juniansyah (cử tạ). Thái Lan có 1 HCV, 3 HCB, 2 HCĐ. “Khiêm tốn” hơn Philippines, Indonesia và Thái Lan, các đoàn thể thao Singapore, Malaysia đoạt 1 - 2 HCĐ.

Thất bại của đoàn thể thao Việt Nam là một “quả đắng”! Đứng đầu “ao làng” Đông Nam Á để làm gì khi ra ngoài “bể lớn” Olympic là “mất hút”? Tính từ sau Olympic Rio 2016, đã 2 kỳ Olympic liên tiếp chúng ta trắng tay trong khi nhiều nước trong khu vực đều đặn đoạt huy chương (dù chưa thật sự nhiều). Điều đó, đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược phát triển thể thao thành tích cao đúng đắn. Một nền thể thao mạnh là một nền thể thao vừa có chiều rộng, vừa có chiều sâu, đa diện. Không thể chỉ trông chờ vào một VĐV cụ thể nào đó cùng với niềm hy vọng mơ hồ, mong manh rằng: biết đâu, trong một ngày đẹp trời, chúng ta sẽ có huy chương! Đừng quên là thành tích của đoàn thể thao Việt Nam tại các kỳ Olympic Sydney 2000, Olympic Bắc Kinh 2008, Olympic Rio 2016 hoàn toàn phụ thuộc vào một VĐV cụ thể: Trần Hiếu Ngân (HCB năm 2000), Hoàng Anh Tuấn (HCB năm 2008), Hoàng Xuân Vinh (HCV và HCB năm 2016)... Phát triển một nền thể thao, phải phá thế “độc canh” và có hướng đi khoa học, phù hợp từ việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng VĐV, mời HLV giỏi đến chế độ đãi ngộ. Thật khó vươn lên tầm thế giới khi đây đó vẫn còn “lời ra tiếng vào” về khẩu phần ăn, chế độ dinh dưỡng của VĐV hay những mục tiêu mơ hồ, ru ngủ kiểu “vượt lên chính mình”, “phấn đấu có huy chương”... “Vượt lên chính mình” mà vẫn thua kém quá xa thì nên đầu tư môn khác. Ai thi đấu thể thao mà không “phấn đấu có huy chương”?

Quả là còn nhiều việc phải làm nếu chúng ta không muốn có thêm những kỳ Olympic thất bát trong tương lai!

THANH HÀ (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]