Thị xã Bỉm Sơn khắc phục ô nhiễm môi trường, xây dựng đô thị xanh - sạch - đẹp
Để đưa Bỉm Sơn trở thành đô thị trung tâm động lực phía Bắc của tỉnh Thanh Hóa vào năm 2025, Đại hội Đảng bộ thị xã nhiệm kỳ 2020-2025 đã xây dựng chương trình trọng tâm về “Tập trung khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, tạo chuyển biến rõ nét trong việc xây dựng thị xã Bỉm Sơn trở thành đô thị xanh - sạch - đẹp”. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, các cấp ủy đảng, chính quyền thị xã đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khắc phục tồn tại về ô nhiễm môi trường và xây dựng đô thị xanh - sạch - đẹp.
Trung tâm Hội nghị thị xã Bỉm Sơn khang trang, hiện đại, xanh - sạch - đẹp.
Theo đó, thị xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 18/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BVMT đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”; kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện “Chiến lược quản lý tổng hợp chất thải rắn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050”... đến toàn thể cán bộ, công chức và Nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Thông qua tuyên truyền đã góp phần nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp trong chấp hành pháp luật về BVMT. Đi liền với đó, UBND thị xã xây dựng kế hoạch hành động thực hiện chương trình trọng tâm về “Tập trung khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, tạo chuyển biến rõ nét trong việc xây dựng thị xã Bỉm Sơn trở thành đô thị xanh - sạch - đẹp”, để làm cơ sở triển khai thực hiện trên toàn thị xã.
Bắt tay vào thực hiện, thị xã Bỉm Sơn chú trọng ưu tiên nguồn lực cho việc đầu tư phát triển hạ tầng và chỉnh trang đô thị, gắn với xử lý ô nhiễm môi trường trên địa bàn. Cụ thể, thị xã đã đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, đồng thời, tuyên truyền, vận động Nhân dân nối đường ống nước thải sinh hoạt của gia đình vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải của thị xã. Hiện nay, toàn thị xã có 4.314/17.005 hộ dân đã đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung. Mặt khác, thị xã đã lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thị xã Bỉm Sơn; quy hoạch sử dụng đất thị xã thời kỳ 2021-2030. Trên cơ sở đó, thị xã thực hiện bố trí quỹ đất sản xuất công nghiệp tập trung trong các cụm công nghiệp; thực hiện di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu vực dân cư trên địa bàn.
Song song với đó, thị xã Bỉm Sơn chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các phường, xã triển khai hiệu quả công tác BVMT. Trọng tâm là triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất công nghiệp thực hiện nghiêm pháp luật BVMT. Đồng thời, phối với Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu Công nghiệp tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT gây bức xúc trong Nhân dân. Từ năm 2020 đến 2023, thị xã Bỉm Sơn tiến hành kiểm tra công tác BVMT tại 77 đơn vị. Qua kiểm tra, thị xã đã xử phạt 5 đơn vị vi phạm về môi trường, với số tiền gần 500 triệu đồng.
Đáng nói hơn, thị xã Bỉm Sơn tập trung xử lý kịp thời các điểm nóng về môi trường. Nổi bật là việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại bãi rác núi Voi thuộc phường Đông Sơn. Nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại bãi rác trên, thị xã đã yêu cầu Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Bỉm Sơn triển khai thực hiện đúng quy trình xử lý rác thải sinh hoạt bằng hình thức chôn lấp hợp vệ sinh. Ngoài ra, để xử lý dứt điểm ô nhiễm khu vực bãi rác núi Voi, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương thực hiện dự án đốt rác phát điện của Công ty TNHH Năng lượng môi trường TIANYU Thanh Hóa tại phường Đông Sơn. Hiện nay, chủ đầu tư đã hoàn thành xong giải phóng mặt bằng và đang hoàn thiện các thủ tục hồ sơ thuê đất để triển khai thực hiện dự án. Dự kiến công suất của dự án đốt rác phát điện giai đoạn 1 là 500 tấn rác/ngày đêm.
Bên cạnh việc triển khai các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, thị xã còn đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt là ưu tiên lựa chọn những dự án có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong việc xây dựng Bỉm Sơn trở thành đô thị xanh - sạch - đẹp. Cùng với đó, thị xã kiến nghị với các sở, ngành và Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh không cấp giấy phép đầu tư cho các dự án có nguy cơ ô nhiễm môi trường liên quan đến việc sản xuất, sang, chiết thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật, hạt nhựa, hóa chất... vào đầu tư trên địa bàn thị xã. Mặt khác, thị xã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan duy trì vận hành 2 trạm quan trắc tự động tại 2 phường Lam Sơn và Bắc Sơn để theo dõi, giám sát tình trạng môi trường tại một số khu vực trên địa bàn.
Những chuyển biến về môi trường đã và đang tạo nên sự đổi thay cho diện mạo đô thị Bỉm Sơn. Đó là những tuyến phố xanh, không rác thải, là các công trình cơ sở hạ tầng, khu đô thị, khu dân cư mới hiện đại với không gian kiến trúc theo hướng xanh - sạch - đẹp.
Bài và ảnh: Trần Thanh
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:29:00
Giải mã bí ẩn về vùng "tam giác tử thần” trên gương mặt mỗi người
-
2024-11-21 15:39:00
Nét đẹp nghề cói trên vùng đất Nga Sơn
-
2024-09-18 10:11:00
Camera giám sát tiềm ẩn “lỗ hổng” lộ lọt thông tin
Ấm áp Trung thu ở Tà Cóm, Khằm 2
“Rau” của biển
Bản tin Tài chính 18/9: Giá vàng bất ngờ “phi mã”; giá bán USD tăng lên mốc 24.887 đồng/USD
Khung dệt mùa thu
Cụ ông 107 tuổi quyên góp tiền tiết kiệm ủng hộ đồng bào vùng lũ
Trung thu san sẻ yêu thương
Túc trực 24/24h tại các điểm sạt lở để “giữ đất” cho dân
Phân bổ 1.035 tỷ đồng hỗ trợ các tỉnh bị thiệt hại do cơn bão số 3
Công điện của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng cầu Phong Châu mới