(vhds.baothanhhoa.vn) - Với sự quyết tâm cao, cách làm sáng tạo và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, thị xã Bỉm Sơn đã “về đích” sớm nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS).

Thị xã Bỉm Sơn “về đích” nhiệm vụ chuyển đổi số trước thời hạn

Với sự quyết tâm cao, cách làm sáng tạo và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, thị xã Bỉm Sơn đã “về đích” sớm nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS).

Thị xã Bỉm Sơn “về đích” nhiệm vụ chuyển đổi số trước thời hạnNgười dân làm các thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thị xã Bỉm Sơn.

Tại thị xã Bỉm Sơn, tinh thần CĐS được hiện thực hóa bằng những việc làm cụ thể và “đi vào cuộc sống” bằng các dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình, bằng thủ tục hành chính được thực hiện trực tuyến, nhờ đó, nhiều loại giấy tờ đã được thay thế, cắt giảm thủ tục hành chính giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm thiểu tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực... góp phần tạo chuyển biến tích cực, mang đến sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp.

Mặc dù được UBND tỉnh Thanh Hóa giao nhiệm vụ phải hoàn thành CĐS cấp huyện vào năm 2025, nhưng trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế tại địa phương, cùng với nhận thức về lợi ích của CĐS, thị xã Bỉm Sơn đã đặt mục tiêu hoàn thành CĐS cấp huyện trong năm 2024. Tuy nhiên, tính đến đầu năm 2024, thị xã mới chỉ có 1/7 xã, phường được công nhận hoàn thành các tiêu chí CĐS. Để hoàn thành kế hoạch, các phường, xã trên địa bàn đã thường xuyên rà soát, đánh giá mức độ thực hiện của từng tiêu chí, từ đó có giải pháp phù hợp giải quyết triệt để các khó khăn, vướng mắc. Đến nay, 100% xã, phường của thị xã Bỉm Sơn đã được công nhận hoàn thành các tiêu chí CĐS cấp xã.

Tại phường Lam Sơn, từ việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong công tác xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số và CĐS, phường đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể về hiện đại hóa nền hành chính trong chương trình tổng thể cải cách hành chính theo từng giai đoạn và hằng năm. Đồng thời, tích cực triển khai thực hiện CĐS trong cơ quan UBND phường, triển khai đến toàn thể cán bộ, công chức, các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng các khu phố, thôn và tuyên truyền cho các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị đóng trên địa bàn và Nhân dân tham gia kênh zalo OA “CĐS quốc gia”, “CĐS tỉnh Thanh Hóa”, “CĐS thị xã Bỉm Sơn”; cài đặt các phần mềm ứng dụng như: sổ sức khỏe điện tử, bảo hiểm xã hội (VssID), định danh điện tử (VneID), cài đặt các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, cài đặt C-msafe bảo vệ người dùng trên không gian mạng, cài ứng dụng VOVbacsi24...

Ông Tống Văn Thọ, Chủ tịch UBND phường Lam Sơn, chia sẻ: Đến nay, 100% cán bộ, công chức UBND phường sử dụng hiệu quả các phần mềm dùng chung của tỉnh, 100% hồ sơ thủ tục hành chính tại phường được cập nhật, quản lý, xử lý, ký số. Phường cũng đã thực hiện tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, tổ chức, doanh nghiệp hoàn toàn trên môi trường điện tử thông qua phần mềm một cửa điện tử. 100% cán bộ, công chức của phường thường xuyên sử dụng thư điện tử công vụ để trao đổi công việc, tăng cường sử dụng các phần mềm chuyên ngành như chứng thực điện tử, quản lý thông tin hộ tịch, bảo trợ xã hội; 100% cán bộ, công chức đã thực hiện tiếp nhận, luân chuyển, xử lý văn bản đi/đến, tạo lập, ký số, ban hành văn bản trên phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc TD-Office; 100% văn bản và hồ sơ công việc được thực hiện trên môi trường mạng...

Để thực hiện các dịch vụ công và thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ thiết yếu thì việc sử dụng điện thoại thông minh được cài đặt các ứng dụng số là điều kiện tiên quyết. Do vậy, các phường, xã trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn đã tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp khẩn trương cài đặt chữ ký số cho người dân, vận động hộ sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp đăng ký tài khoản trên sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, 58 tổ công nghệ số cộng đồng đã phát huy vai trò tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động, tham gia cài đặt ứng dụng số cho người dân trên địa bàn.

Ông Trần Văn Kiều, trưởng khu phố 4, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, chia sẻ: Mặc dù đã tuổi đã cao, nhưng chúng tôi luôn làm việc với tinh thần học hỏi, liên tục cập nhật công nghệ, tích cực vận động, khuyến khích người dân sử dụng điện thoại thông minh để sử dụng các dịch vụ số nhằm tương tác với chính quyền qua môi trường số như tiếp nhận thông báo từ chính quyền, gửi phản ánh, kiến nghị với chính quyền thông qua môi trường số; sử dụng các dịch vụ số như: dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng các dịch vụ y tế, giáo dục thông minh; tuyên truyền, hướng dẫn để người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản điện tử, sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt...

Theo Quyết định số 1042/QĐ-UBND ngày 18/3/2024 của UBND tỉnh Thanh Hóa về Ban hành tạm thời bộ tiêu chí CĐS cấp huyện đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bao gồm 5 nhóm tiêu chí với 23 chỉ tiêu gồm: tiêu chí chung; tiêu chí về hạ tầng số và an toàn thông tin mạng; tiêu chí về chính quyền số; tiêu chí về kinh tế số và tiêu chí về xã hội số. Căn cứ thuận lợi, khó khăn ở từng tiêu chí, UBND thị xã Bỉm Sơn đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng phường, xã, định kỳ hàng tháng tổ chức đánh giá tiến độ từng nhiệm vụ và hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ các nội dung còn vướng mắc. Nhờ đó, các chỉ tiêu CĐS cấp huyện đã nhanh chóng hoàn thành. Nhiều chỉ tiêu vượt yêu cầu tỉnh giao như: 91,6% hộ gia đình được phủ mạng Internet băng rộng cáp quang; 100% hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận, giải quyết trực tuyến; gần 78% người dân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt cho các dịch vụ thiết yếu; 100% các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn xếp hạng cấp tỉnh được số hóa... Với quyết tâm cao và cách làm phù hợp, đến nay, Bỉm Sơn đã trở thành đơn vị đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa hoàn thành các tiêu chí CĐS cấp huyện.

Bà Dương Thị Thủy, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin, thị xã Bỉm Sơn, chia sẻ: Đối với mỗi nhóm chỉ tiêu, nhiệm vụ thị xã sẽ có những giải pháp khác nhau. Đối với nhóm tiêu chí về hạ tầng số và an toàn thông tin mạng, UBND thị xã đã đầu tư kinh phí để đảm bảo hạ tầng số phục vụ cho CĐS như đầu tư hệ thống phòng họp trực tuyến thông suốt 100% đến UBND các xã, phường, đầu tư hệ thống camera an ninh trên các trục đường chính của thị xã, lắp đặt hệ thống wifi miễn phí tại các nhà văn hóa, khu di tích, lịch sử... Đối với nhóm chỉ tiêu về chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, thị xã đã tổ chức tuyên truyền và cung cấp các dịch vụ, giao chỉ tiêu cho từng bộ phận; phòng ban, tổ chức các lớp tập huấn đến tận khu phố, thôn và khi tổ chức tập huấn sẽ tổ chức cài đặt luôn cho người dân. Đối với những người dân không đến dự tập huấn được, thị xã sẽ phát huy vai trò của tổ công nghệ số cộng đồng để đi đến từng hộ dân, tuyên truyền và hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng... Tích cực, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân và doanh nghiệp trong công tác CĐS nhằm thay đổi nhận thức, thói quen làm việc và nâng cao kiến thức, kỹ năng số cho cán bộ, công chức, người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận và ứng dụng công nghệ số.

Bài và ảnh: Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]