(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhiều học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh đã được tiếp cận vốn vay ưu đãi để tạo điều kiện tốt hơn cho việc học tập.

Hiệu quả từ nguồn vốn vay “tiếp sức”

Nhiều học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh đã được tiếp cận vốn vay ưu đãi để tạo điều kiện tốt hơn cho việc học tập.

Hiệu quả từ nguồn vốn vay “tiếp sức”Buổi giao dịch của cán bộ NHCSXH huyện Nga Sơn với các hộ vay vốn tại điểm giao dịch xã Nga Thiện.

Vững bước tới trường

Nâng mức vay từ 2,5 triệu đồng lên 4 triệu đồng/người/tháng (theo Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg ngày 23/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ), điều đó có nghĩa là HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay với số tiền tương đương là 40 triệu đồng/người/năm học (10 tháng) với lãi suất 6,6%/năm.

Năm học 2023-2024, con thứ hai của gia đình chị Phạm Thị Tươi ở thôn 3, xã Nga Thanh (Nga Sơn) đỗ đại học giao thông - vận tải. Trước đó, ở năm học 2022-2023, người con thứ nhất cũng trúng tuyển vào trường đại học này. Gia đình chị Tươi thuộc hộ cận nghèo, vì vậy để trang trải chi phí học tập cho các con, gia đình chị đã tiếp cận nguồn vốn vay HSSV từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Nga Sơn. Chị Tươi cho biết: “Cháu thứ nhất được vay vốn vào đúng thời điểm được nâng mức vay lên 4 triệu đồng. Học phí cũng như các khoản sinh hoạt khác của 2 cháu tương đối nhiều nên khi có nguồn vốn vay này, gia đình đỡ khó khăn hơn”.

Ngoài vốn vay dành cho HSSV là thành viên của hộ gia đình thuộc đối tượng hộ nghèo, cận nghèo, thì theo Quyết định số 05, mở rộng đối tượng là hộ có mức sống trung bình cũng được tiếp cận với nguồn vốn vay này. Năm học 2022-2023, hai con của anh Lê Quang Tuấn ở thôn 2, xã Hoằng Trinh (Hoằng Hóa) thi đậu vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. 2 năm học trước đó, người con thứ nhất cũng trúng tuyển vào trường đại học này. Tuy nhiên, như anh Tuấn chia sẻ, khi mới có một con đi học đại học, gia đình vẫn lo được kinh phí học tập nhưng sau đó thêm 2 đứa học đại học thì vợ chồng anh không thể lo được tất cả cho các con. “3 đứa con học đại học vất vả lắm”, anh Tuấn nói. “Gia đình thuộc hộ có mức sống trung bình nên khi có thêm 2 con đỗ đại học, vợ chồng bàn bạc, thống nhất vay vốn HSSV để giảm áp lực kinh tế”.

Được tiếp cận nguồn vốn vay HSSV để tạo điều kiện tốt hơn cho việc học tập đồng thời giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình. Thực tế cho thấy, các hộ vay vốn ưu đãi HSSV trên địa bàn tỉnh đều sử dụng vốn đúng mục đích, trả lãi và vốn đúng hạn. Đến nay, tổng dư nợ từ chương trình tín dụng cho vay HSSV toàn tỉnh là 457.676 triệu đồng với số khách hàng là 8.698.

Hộ có mức sống trung bình có nhu cầu vay nhiều hơn

Đối tượng vay vốn chương trình tín dụng cho HSSV nhiều nhất là hộ có mức sống trung bình. Đây là nhận định từ các phòng giao dịch NHCSXH. Tại huyện Nga Sơn, ông Nguyễn Việt Dũng, Phó giám đốc NHCSXH huyện này, cho biết: “Nga Sơn cho vay thuận lợi. Riêng hộ có mức sống trung bình có tỷ lệ vay nhiều hơn. Kỳ 2 năm học 2023-2024, trong số 473 sinh viên được giải ngân thì sinh viên là thành viên của hộ gia đình có mức sống trung bình chiếm tới 60%. Kỳ 1 của năm học mới còn tăng nữa. Thực tế, hộ nghèo, cận nghèo mà giảm thì hộ có mức sống trung bình có nhu cầu vay càng nhiều”.

Hiệu quả từ nguồn vốn vay “tiếp sức”Khách hàng giao dịch tại NHCSXH huyện Hoằng Hóa.

Tương tự, tại huyện Hoằng Hóa, NHCSXH huyện đã tiến hành rà soát, tuyên truyền cho các đối tượng để các hộ gia đình đăng ký vay vốn. Hiện tổng dư nợ từ chương trình tín dụng cho HSSV tại Hoằng Hóa là 35.659 triệu đồng với 634 khách hàng. Trong đó, hộ có mức sống trung bình chiếm 70% đối tượng vay vốn. “Hộ có mức sống trung bình trả lãi bằng hộnghèo”. Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó giám đốc NHCSXH huyện Hoằng Hóa nói. “Đối với việc tổ chức thu nợ, thu lãi hằng tháng, người dân sẽ đến các điểm giao dịch vừa thuận tiện, tiết kiệm thời gian...”.

Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV với mức vay tối đa là 800 nghìn đồng/tháng, sau đó đã được sửa đổi vào các năm 2017 và 2022 với mức vay tăng lần lượt là 2,5 triệu đồng/tháng và 4 triệu đồng/tháng. “Thời gian qua, NHCSXH tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, hoạt động ủy thác với các tổ chức chính trị, xã hội các cấp để HSSV tiếp cận vốn vay nhanh hơn, để đích cuối cùng là không để bất kỳ một HSSV có hoàn cảnh khó khăn nào phải bỏ học vì thiếu tiền đóng học phí”, ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh nói.

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]