(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhiều năm nay, ngành giáo dục Thanh Hóa phải đối diện với bài toán thiếu giáo viên. Năm học 2023-2024 này cũng không ngoại lệ, ở tất cả các cấp học, giáo viên vẫn thiếu trầm trọng. Khắc phục khó khăn, các địa phương đã và đang nỗ lực bằng nhiều giải pháp, bảo đảm chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, đằng sau đó, vẫn còn nhiều cái khó đặt ra...

Thiếu giáo viên và câu chuyện gỡ khó: Chia khó

Nhiều năm nay, ngành giáo dục Thanh Hóa phải đối diện với bài toán thiếu giáo viên. Năm học 2023-2024 này cũng không ngoại lệ, ở tất cả các cấp học, giáo viên vẫn thiếu trầm trọng. Khắc phục khó khăn, các địa phương đã và đang nỗ lực bằng nhiều giải pháp, bảo đảm chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, đằng sau đó, vẫn còn nhiều cái khó đặt ra...

Và khắc phục sự khó, câu chuyện ở đây không chỉ là giải pháp chuyên môn mà còn là tinh thần chia sẻ, hy sinh của những người đứng trên bục giảng...

Thiếu giáo viên và câu chuyện gỡ khó: Chia khóĐã có phòng học bị bỏ trống sau khi thực hiện dồn lớp do thiếu giáo viên ở Trường Tiểu học Nga Bạch.

Dồn lớp, tăng tiết

Từ 20 lớp theo kế hoạch huyện giao, nhưng do thiếu giáo viên nên năm học 2023-2024 này, Trường Tiểu học Nga Bạch (Nga Sơn) phải thực hiện việc dồn lớp. Theo đó, từ 20 lớp, dồn còn 17 lớp, trung bình mỗi lớp trên 38 học sinh, vượt quy định của tỉnh. Thiếu giáo viên, thực hiện dồn lớp nên Trường Tiểu học Nga Bạch hiện tại đang thừa 2 phòng học. Hiệu trưởng nhà trường, cô giáo Nguyễn Thị Trạch, cho biết: “Thực tế, nhà trường còn thiếu 4 giáo viên văn hóa. Tuy nhiên, năm học này, đã hợp đồng được 1 giáo viên, như vậy vẫn còn thiếu 3 giáo viên. Để bảo đảm việc học cho học sinh, nhà trường phải dồn lớp”.

Năm học 2023-2024, theo Quyết định 3185 của tỉnh, huyện Nga Sơn còn thiếu 42 giáo viên, chủ yếu ở bậc tiểu học. Huyện đã đưa ra giải pháp để khắc phục, đó là thực hiện hợp đồng với giáo viên về hưu và hợp đồng làm việc với sinh viên mới ra trường chưa được tuyển dụng.

Tại huyện Hậu Lộc, trong năm học 2023-2024, thiếu 192 giáo viên theo quy định của tỉnh, trong đó nhiều nhất là bậc tiểu học. Phương án trước mắt của huyện, thực hiện dồn lớp. Theo kế hoạch huyện giao, năm học này, riêng bậc tiểu học là 511 lớp. Tuy nhiên để bảo đảm yêu cầu 1 giáo viên văn hóa/lớp, các trường tiểu học trên địa bàn huyện đã thực hiện dồn lớp, từ 511 lớp chỉ còn 451 lớp. Chia sẻ của thầy giáo Trịnh Văn Thường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Triệu Lộc, một trong những trường thiếu giáo viên của huyện Hậu Lộc: “Năm học nay, chỉ tiêu huyện giao là 18 lớp, tuy nhiên do thiếu giáo viên nên chúng tôi đã thực hiện dồn lớp, chỉ còn 16 lớp. Đội ngũ thiếu và càng khó khăn hơn khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, số tiết ở một số khối lớp tăng, giáo viên theo đó cũng vất vả hơn”.

Thực hiện nhiều giải pháp để gỡ khó tình trạng thiếu giáo viên, bảo đảm được yêu cầu dạy học của các nhà trường, các địa phương đã và đang nỗ lực vượt khó. Tuy nhiên, tùy tình hình thực tế ở mỗi địa phương, sẽ có những phương án phù hợp.

Tại huyện Yên Định, so với quy định của tỉnh, huyện còn thiếu 284,5 giáo viên. Một trong những giải pháp đã được huyện thực hiện, đó là điều động giáo viên dạy tăng tiết. Đơn cử như Trường THCS Định Tăng. Năm học này, trường tăng 50 học sinh so với năm học trước, nâng tổng học sinh nhà trường lên 475 em với 12 lớp. Tuy nhiên, cán bộ, giáo viên không thay đổi, do đó tăng lớp, tăng học sinh và vẫn thiếu 3,2 giáo viên. Quan điểm của lãnh đạo nhà trường, không dồn lớp mà động viên giáo viên dạy tăng tiết, khắc phục khó khăn. Theo đó, hầu hết giáo viên đều từ 20 tiết trở lên, có người dạy nhiều nhất 24 tiết. Cô giáo Phạm Thị Hằng, giáo viên dạy môn Ngữ văn cho biết: “Theo quy định, tôi dạy 19 tiết/tuần, thiếu giáo viên, dạy lên 22 tiết/tuần. Trong khi đó, vừa kiêm giáo viên chủ nhiệm vừa dạy hoạt động trải nghiệm lại vừa bồi dưỡng học sinh giỏi. Rất vất vả nhưng nhìn sang đồng nghiệp, có người còn dạy tăng tiết nhiều hơn. Trong cái khó, chúng tôi cùng động viên nhau cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ”.

Bố trí phó hiệu trưởng dạy các lớp còn thiếu giáo viên văn hóa đứng lớp đối với cấp tiểu học hoặc điều động giáo viên dạy tăng tiết..., là những giải pháp mà huyện Vĩnh Lộc đã thực hiện để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Tại Trường THCS Phạm Văn Hinh, năm học 2023-2024, nhà trường còn thiếu 5,9 giáo viên so với quy định của tỉnh. Gỡ khó vấn đề này, nhà trường cũng đã thực hiện dạy tăng tiết. Cụ thể, như cô giáo Hà Thị Huệ, dạy môn Ngữ văn, dạy tăng 10 tiết, cô giáo Nguyễn Thị Sâm, dạy môn Địa lý với số tiết thừa là 8, cô giáo Nguyễn Lan Anh, số tiết thừa là 6...

Còn ở Trường Tiểu học Vĩnh Long của huyện, năm học này, trường thiếu 5 giáo viên văn hóa. Tuy nhiên, nhà trường đã có 3 giáo viên được điều động biệt phái từ các trường khác đến công tác. Đồng thời, 2 phó hiệu trưởng của trường được bố trí đứng lớp dạy như giáo viên văn hóa. Như vậy, đã gỡ được câu chuyện thiếu giáo viên đối với nhà trường. Vấn đề đáng nói ở đây, mỗi phó hiệu trưởng đứng lớp đồng nghĩa với việc đã dạy tăng 19 tiết so với quy định. “Chúng tôi chỉ biết cố gắng và cố gắng. Ban giám hiệu sắp xếp để đứng lớp bảo đảm cho học sinh không bị thay đổi ca hoặc dồn lớp”, thầy giáo Phạm Đình Thạch, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Vĩnh Long, chia sẻ.

Và câu chuyện dạy liên trường

Dạy liên trường, liên cấp cũng là một giải pháp để khắc phục, chia sẻ tình trạng thiếu giáo viên ở nhiều địa phương, bảo đảm học sinh được học tất cả các môn theo quy định. Đơn cử, năm học 2023-2024, huyện Yên Định có 84 giáo viên dạy liên trường, 7 giáo viên dạy liên cấp; huyện Lang Chánh có 17 giáo viên dạy liên trường...

Thiếu giáo viên và câu chuyện gỡ khó: Chia khóGiờ học tiếng Anh của thầy giáo Lê Thanh Tuần ở Trường THCS Yên Thắng.

Ở Trường THCS Yên Thắng (Lang Chánh), thiếu 5 giáo viên văn hóa cho năm học này thì nhà trường cũng đã được điều động 5 giáo viên liên trường. Trong đó, giáo viên dạy liên trường xa nhất là thầy giáo Lê Thanh Tuần, giáo viên môn tiếng Anh ở Trường THCS Tân Phúc, cách Trường THCS Yên Thắng 30km. Một tuần 2 buổi 9 tiết trên chiếc xe máy với tổng 120km cả đi cả về, chặng đường dài ấy, có lúc nào làm thầy nản? Chẳng thể ngờ câu hỏi của tôi lại nhận được câu trả lời rất hài hước của thầy Tuần: “Hôm nào mưa gió mới thấy mệt còn hôm nào trời đẹp thì thấy rất “phiêu”. Tất cả vì học sinh thân yêu”. Câu nói ấy khiến tôi vui vì thấy được trong đấy sự nhiệt huyết, trách nhiệm của một nhà giáo. Nhưng chắc chắn rằng, không chỉ thầy Tuần mà rất nhiều giáo viên khác dạy liên trường trên địa bàn tỉnh vẫn có đó những chạnh lòng...

Ngành giáo dục Thanh Hóa còn thiếu 10.256 giáo viên. Trong đó, giáo viên tiếng Anh thiếu 353 người; Tin học thiếu 690 người, Âm nhạc thiếu 72 người và Mỹ thuật thiếu 277 biên chế...

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]