(vhds.baothanhhoa.vn) - Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch là hướng đi được nhiều địa phương lựa chọn. Là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) đã và đang đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương làm cơ sở cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Thiệu Trung bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch là hướng đi được nhiều địa phương lựa chọn. Là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) đã và đang đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương làm cơ sở cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Thiệu Trung bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thốngNgười dân xã Thiệu Trung tham gia lễ hội truyền thống.

Xã Thiệu Trung được biết đến là một vùng quê gắn với tên Kẻ Rị, tên nôm của làng Phủ Lý Nam - ngôi làng cổ hơn 1.000 năm với nhiều nét văn hóa, lịch sử nổi bật. Tại vùng đất này đã sinh ra những danh nhân khoa bảng, anh hùng hào kiệt, góp phần làm rạng ngời sử sách non sông. Nổi bật trong đó là nhà sử học Lê Văn Hưu - người được mệnh danh là ông tổ của nền sử học Việt Nam. Những đóng góp của ông là tài sản vô giá cho hậu thế. Để tưởng nhớ công đức, tài năng của ông, người dân đã gìn giữ và bảo vệ khu lăng mộ, đền thờ Lê Văn Hưu.

Không chỉ là vùng đất khoa bảng, Thiệu Trung còn là cái nôi của nghề đúc đồng thủ công truyền thống. Hàng năm, vào ngày mất của ông tổ nghề đúc đồng, người dân nơi đây vẫn đến Đền thờ Trà Đông dâng hương, tưởng nhớ công đức của ông và nguyện tiếp tục xây dựng và phát triển nghề đúc đồng thủ công truyền thống của địa phương. Ngày nay, những sản phẩm truyền thống của người dân “Kẻ Chè” đã trở thành đặc trưng của địa phương. Và nghề đúc đồng truyền thống làng Chè được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện một số sản phẩm của làng nghề được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao như: Trống đồng Bảy Tuyên, tranh đồng cá chép trông trăng Bảy Tuyên, trống đồng Toàn Linh và trống đồng Quý Châu.

Vùng đất Thiệu Trung còn là chứng nhân lịch sử thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (giai đoạn 1964-1972). Tại thôn 4 (làng Phủ Lý Nam xưa) khu hầm làm việc và chỉ huy của Thường trực Ủy ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa đã được xây dựng với diện tích gần 100m2. Cùng với những di tích văn hóa, lịch sử, nhiều nét văn hóa truyền thống cũng được người dân Thiệu Trung lưu giữ và phát huy. Nổi bật trong đó là việc thực hành tín ngưỡng thờ cúng Thành hoàng làng. Lễ hội truyền thống của người dân xã Thiệu Trung được tổ chức vào mùng 10 tháng 2 âm lịch hàng năm, nhằm ngợi ca công đức của các nhân thần, thiên thần đã có công bảo vệ, phù hộ cho dân làng.

Xã Thiệu Trung hiện có 4 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng. Trong đó, có 2 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia là: Đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu và Đền thờ Trà Đông - nơi thờ ông tổ nghề đúc đồng; 2 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh là: Từ đường họ Nguyễn - nơi thờ Nguyễn Mộng Tuân và khu hầm làm việc và chỉ huy của Thường trực Ủy ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ (1964-1972).

Xác định bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống gắn với du lịch là xu hướng tất yếu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xã Thiệu Trung đang khẩn trương xây dựng lộ trình tham quan, kết nối tuyến, điểm du lịch, hướng dẫn du khách tham quan các điểm du lịch; hình thành dịch vụ ăn uống, lưu trú; tổ chức các trò chơi dân gian... Cùng với đó, Đề án phát triển du lịch huyện Thiệu Hóa giai đoạn 2022-2030 đã được phê duyệt nhằm phát triển du lịch mang nét văn hóa riêng, có điểm nhấn là các di tích văn hóa, tâm linh và làng nghề truyền thống. Đây là cơ sở để xã Thiệu Trung khai thác các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn thúc đẩy du lịch phát triển.

Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung Trần Ngọc Tùng, cho biết: Thời gian tới xã sẽ chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ phát huy các giá trị văn hóa cũng như xây dựng địa phương văn minh, hiện đại, chuyên nghiệp đáp ứng các nhu cầu phát triển du lịch. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền về tầm quan trọng, ý nghĩa của văn hóa truyền thống, lợi thế của địa phương trong phát triển du lịch. Đặc biệt, đối với nghề truyền thống được công nhận, người làm nghề cần nâng cao ý thức bảo vệ thương hiệu bằng việc lưu dấu thương hiệu trên sản phẩm; hướng tới 100% cơ sở sản xuất đúc đồng truyền thống có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Cùng với đó, địa phương đã tiến hành kiểm kê, phân loại, đánh giá hiện trạng di tích trên địa bàn. Đẩy mạnh huy động các nguồn lực vào quảng bá sản phẩm, điểm du lịch, các giá trị văn hóa nổi bật của địa phương trên các kênh thông tin; tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử- văn hóa, các loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch đa dạng dựa trên cơ sở bảo tồn những giá trị văn hóa, đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa.

Bài và ảnh: Thùy Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]