(vhds.baothanhhoa.vn) - Áo trắng tình nguyện trên vùng đất khó: Những người cống hiến

Tin liên quan

Đọc nhiều

Áo trắng tình nguyện trên vùng đất khó: Những người cống hiến

Áo trắng tình nguyện trên vùng đất khó: Những người cống hiếnBS Trịnh Xuân Long, thực hiện việc siêu âm chẩn đoán hình ảnh cho bệnh nhân. Ảnh: K.H

Từ những khó khăn

Khi con vừa mới được một tuổi rưỡi, bác sĩ (BS) Dương Văn Khải (SN 1988) ra Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Quốc tế Hải Phòng để học Chuyên khoa I Truyền nhiễm theo Quyết định 585/QĐ-BYT ngày 20-2-2013 của Bộ Y tế phê duyệt Dự án “Thí điểm đưa BS trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)” (gọi tắt là Dự án 585).

Đó là thời điểm tháng 11-2018, khi ấy anh đã có hơn 4 năm làm việc ở BVĐK huyện Thường Xuân sau khi tốt nghiệp Đại học Y Dược Thái Nguyên. BS Khải đã từng làm ở khoa Nội, sang khoa Nhi, rồi khoa Cấp cứu, nhưng khi có chính sách của Bộ Y tế, được sự đồng ý tạo điều kiện của cơ quan, anh tình nguyện xin đi học Chuyên khoa I Truyền nhiễm. Anh chia sẻ: “Truyền nhiễm là bức tranh toàn diện, đầy đủ các mặt bệnh của các đối tượng từ trẻ con tới người lớn. Trước đây ở bệnh viện đã có BS học định hướng truyền nhiễm nhưng chưa có Chuyên khoa I. Trong khi đó, mặt bệnh truyền nhiễm đa dạng và luôn có số lượng bệnh nhân lớn, đặc biệt với các bệnh HIV, lao, sốt... Chính vì thế mà tại bệnh viện tôi công tác, nhu cầu cần thiết phải có một BS chuyên khoa”. Hai năm đi học là hai năm khó khăn với BS Khải. Thời gian đầu, do điều kiện con còn quá nhỏ, phải nhờ cậy hết vào ông bà, nhớ con, nhớ gia đình mà BS Khải không tránh khỏi những thoáng dao động. Tuy nhiên, xác định rõ đi học để trau dồi kiến thức cho bản thân, đáp ứng mong muốn của đơn vị để về phục vụ Nhân dân, là động lực để anh phấn đấu học tập, rèn luyện.

Tương tự, BS Trịnh Xuân Long (SN 1988) về công tác tại BVĐK huyện Lang Chánh từ năm 2014. Ban đầu BS Long làm việc ở Khoa Khám bệnh, sau chuyển qua Hồi sức cấp cứu một thời gian, rồi có thời điểm đi học thêm Chuyên khoa Mắt để đáp ứng yêu cầu của bệnh viện. Sau khi có chỉ tiêu từ Dự án 585, BS Long đã tình nguyện xin đi học Chuyên khoa I Chẩn đoán hình ảnh. Nhớ lại 6 tháng đầu tiên khi ra BVĐK Quốc tế Hải Phòng, được PGS.BS Hoàng Đức Hạ, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, đồng thời là Phó Bộ môn Chẩn đoán hình ảnh của Đại học Y Hải Phòng “cầm tay chỉ việc”, anh chia sẻ: "Đây là môn rất mới mẻ với tôi vì tôi chưa bao giờ học định hướng. 6 tháng đầu là những bỡ ngỡ, khó khăn... Đã có lúc tôi còn thoáng qua tư tưởng dừng bỏ”. Nhưng nhờ sự động viên, sự thôi thúc nghề nghiệp, anh đã vượt qua. Vượt qua được thì anh lại quen, lại yêu, thấy mình hoàn thiện hơn rất nhiều từ cách giao tiếp với bệnh nhân, cách làm việc và mỗi ngày trau dồi thêm kiến thức để tiến bộ hơn trong chuyên môn.

Áo trắng tình nguyện trên vùng đất khó: Những người cống hiến

BS Trương Thị Trang, khám cho bệnh nhân ở BVĐK huyện Bá Thước. Ảnh: V.A

Riêng với BS Trương Thị Trang (SN 1990), người dân tộc Mường, hiện đang làm việc tại BVĐK huyện Bá Thước, sau khi học đa khoa ở Đại học Y Dược Thái Bình, chị đã được tạo điều kiện để đi học Chuyên khoa I Truyền nhiễm. Chị cho biết, một ngày vừa học vừa làm của chị và bạn bè quay từ lúc 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Chị tâm sự: “Khó khăn là động lực để người trẻ chúng tôi trưởng thành cả về tư tưởng, suy nghĩ cũng như nghề nghiệp chuyên môn”.

Đến mong muốn cống hiến

Được học tập, làm việc cùng một đội ngũ BS chuyên nghiệp với trang thiết bị hiện đại, càng khiến những BS trẻ này mong muốn thu nạp càng nhiều kiến thức càng tốt. Chỉ khi có kiến thức họ mới có thể góp phần nhỏ công sức vào sự đổi thay ở vùng đất khó, phần nào giúp người dân được thụ hưởng những kỹ thuật mới, dịch vụ y tế chất lượng tốt hơn và hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại.

BS Dương Văn Khải, chia sẻ: “Giờ đây nhìn lại, tôi cảm ơn BVĐK huyện Thường Xuân đã tạo điều kiện để tôi được đi học. Từ những điều thầy cô dạy, chúng tôi hiểu rằng mình phải đầu tư thời gian hơn, tâm huyết hơn”. Lựa chọn một chuyên khoa mới chính là động lực khiến BS Khải dành nhiều thời gian để đọc tài liệu, nghiên cứu thêm. Mong muốn của anh là học để về phục vụ bà con tốt nhất.

Áo trắng tình nguyện trên vùng đất khó: Những người cống hiến

BS Dương Văn Khải, BVĐK huyện Thường Xuân, thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: K.H

Khi chúng tôi hỏi: Liệu anh sẽ bám trụ ở vùng đất khó này bao lâu? Thật đáng mừng là dẫu biết có nhiều người cùng xuất phát điểm nhưng có mức lương gấp 4-5 lần, song Khải chưa bao giờ so đo, tính toán. Anh tâm sự: “Đó là điều rất bình thường của cuộc sống, và cũng là mong muốn chính đáng của tất cả mọi người. Tuy nhiên, thu nhập không phải là mục đích cuối cùng của tôi. Tôi hy vọng cùng với thời gian, sự quan tâm của Nhà nước, sự nỗ lực của mỗi người dân, kinh tế ở huyện miền núi chúng tôi sẽ khởi sắc, lương của BS sẽ được cải thiện”.

Nữ BS Trương Thị Trang, cho biết, nhờ 2 năm đi học, chị càng thấy yêu quê mình hơn: “Dân mình vất vả, khó khăn lắm, tôi chỉ mong muốn làm thế nào để giúp được càng nhiều người càng tốt, làm được điều gì có ích dù nhỏ cũng vô cùng quý giá”. Chính vì thế, BS Trang chưa bao giờ có ý nghĩ rằng mình sẽ rời bỏ mảnh đất này. Chị xác định: “Nếu mình đi nữa thì những người dân nghèo khổ sẽ rất thiệt thòi. “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai”, thực sự ai chả thích nơi phố thị phồn hoa. Quê tôi đẹp lắm, người dân vô cùng thân thiện, đây là môi trường tốt để một người như tôi có cơ hội để cống hiến, để cảm tạ mảnh đất sinh ra và nuôi dưỡng mình”. Chính vì thế dù chưa có thời gian cống hiến lâu dài nhưng thời gian này cùng với những kiến thức đã học về truyền nhiễm, BS Trương Thị Trang đang cùng nhiều đồng nghiệp tập trung phân luồng chống dịch COVID-19.

Mong muốn cống hiến cũng chính là một phần tinh thần của người trẻ và hơn hết đó là mục đích cuối cùng mà Dự án 585 hướng tới.

Và những lo lắng

Hiện tại BS Trịnh Xuân Long vừa làm công tác chuyên môn ở khoa Chẩn đoán hình ảnh, vừa phụ trách phòng Kế hoạch tổng hợp của BVĐK huyện Lang Chánh. “Gánh” việc cả “2 vai” nhưng làm rồi thành quen, cái khó nhất với anh là điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị ở bệnh viện tuyến huyện khó khăn nên kiến thức không áp dụng được nhiều. Chẳng hạn như ở BVĐK huyện Lang Chánh hiện vẫn chưa có máy CT, hầu hết các chẩn đoán bệnh đều phụ thuộc vào máy siêu âm. Công việc của anh hiện tại chủ yếu là siêu âm thai. Trong khi đây là lĩnh vực anh không được đào tạo sâu.

Sau 2 năm được cầm tay chỉ việc, BS Trương Thị Trang quay trở về BVĐK huyện Bá Thước với tất cả sự hào hứng và rất nhiều kiến thức, cùng kỹ thuật hiện đại. Nhưng là người ở địa phương chị quá hiểu những khó khăn của nơi này. Hiện chị đang làm việc ở cả khoa Nội tiết và Truyền nhiễm. Chị cho biết: "Ở bệnh viện chúng tôi, mảng Nội tiết khá đầy đủ các xét nghiệm và thuốc so với bệnh viện tuyến tỉnh. Duy nhất thiếu là thuốc nhanh và chậm trong điều trị tích cực. Còn bên Truyền nhiễm hiện còn thiếu cơ sở vật chất cho bệnh nhân lao. Tuy vậy, tôi xác định về đây, mình áp dụng được cái gì thì áp dụng, còn cái gì chưa áp dụng được thì mình cố gắng trau dồi để khi bệnh viện có điều kiện hơn, có trang thiết bị hiện đại mình có thể tiếp cận và làm việc được ngay”.

Mong muốn của các BS như Long, Khải hay Trang là làm thế nào để hạn chế cao nhất có thể việc bệnh nhân phải chuyển tuyến, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Đồng thời để bệnh nhân bớt tốn kém về tiền bạc và thời gian.

Ngoài sự thiếu thốn về điều kiện trang thiết bị, các BS này còn nỗi lo lắng “trôi” kiến thức. Học thì nhiều nhưng về áp dụng chưa được bao nhiêu, và khi chưa áp dụng thì cũng chẳng thể nâng cao tay nghề. Đó là còn chưa kể, mỗi khi nhìn thấy đồng nghiệp xuôi về thành phố, dẫu xót xa nhưng họ cũng không tránh khỏi chút chạnh lòng.

Dự án 585 chỉ là bước khởi đầu, bước tạo đà để các BS trẻ vững tâm hơn bước vào con đường nghề nghiệp, hoàn thiện cả về chuyên môn và y đức. Môi trường nghề nghiệp nào cũng có khắc nghiệt riêng, nhưng với công sức đào tạo, trách nhiệm xã hội nặng nề, hy vọng rằng, từ Dự án 585 sẽ có thêm nhiều BS sẵn sàng tận tâm cống hiến ở những vùng khó khăn.

Bài và ảnh: Kiều chi


Bài và ảnh: Kiều chi

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]