(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Sinh thời Bác Hồ rất quan tâm đến Thanh Hóa, địa bàn trọng yếu trong tiến trình lịch sử dựng nước, giữ nước oai hùng của dân tộc. Người đã bốn lần thăm, làm việc vào các năm 1947, 1957, 1960, 1961. Người từng ân cần dặn dò Đảng bộ, chính quyền tỉnh phải nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân, chọn lựa bố trí cán bộ đúng người, đúng việc, phấn đấu xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu. Lời di huấn đó là nguồn khích lệ, cổ vũ to lớn để Đảng bộ, chính quyền, toàn dân, toàn quân Thanh Hóa nỗ lực phấn đấu xây dựng Thanh Hóa phát triển toàn diện trong thời kỳ CNH, HĐH.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bác Hồ với Thanh Hóa và Thanh Hóa làm theo lời Bác

(VH&ĐS) Sinh thời Bác Hồ rất quan tâm đến Thanh Hóa, địa bàn trọng yếu trong tiến trình lịch sử dựng nước, giữ nước oai hùng của dân tộc. Người đã bốn lần thăm, làm việc vào các năm 1947, 1957, 1960, 1961. Người từng ân cần dặn dò Đảng bộ, chính quyền tỉnh phải nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân, chọn lựa bố trí cán bộ đúng người, đúng việc, phấn đấu xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu. Lời di huấn đó là nguồn khích lệ, cổ vũ to lớn để Đảng bộ, chính quyền, toàn dân, toàn quân Thanh Hóa nỗ lực phấn đấu xây dựng Thanh Hóa phát triển toàn diện trong thời kỳ CNH, HĐH.

Bác Hồ với Thanh Hóa

Trong chín năm kháng chiến chống Pháp, Thanh Hóa là “vùng tự do” là nơi đứng chân của nhiều cơ quan, trường học của Trung ương, nơi hoạt động của nhiều nhà khoa học, văn nghệ sỹ nổi tiếng cả nước. Thanh Hóa lúc đó được xem là “thủ đô văn hóa kháng chiến” của đất nước. Thanh Hóa lại là nơi đất rộng, người đông, là tỉnh giàu truyền thống lịch sử và văn hóa, truyền thống yêu nước và cách mạng, người dân lại có truyền thống cần cù lao động. Xác định vị trí, vai trò của Thanh Hóa quan trọng nên chỉ sau ngày kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” 2 tháng, ngày 20/2/1947 Bác đã vào thăm và làm việc với Thanh Hóa. Điều kiện giao thông đi lại lúc đó rất khó khăn, nhưng tình cảm, tấm lòng hồ hởi quí trọng lãnh tụ của các đồng chí lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền, thân hào, thân sỹ, trí thức và nhân dân các dân tộc Thanh Hóa đã làm Bác ấm lòng. Ở cương vị lãnh tụ cao nhất của Đảng, Chính phủ, Bác đã ân cần thăm hỏi, động viên, khuyến khích các tầng lớp nhân dân trong buổi nói chuyện tại nhà Bác Cổ (nay là Công ty Phát hành Sách Thanh Hóa) ở TP Thanh Hóa và tại Rừng Thông (Đông Sơn). Người căn dặn lãnh đạo tỉnh phải chăm lo xây dựng khối đoàn kết toàn dân, xây dựng chính quyền dân chủ của dân. Cảm thông, thấu hiểu và chia sẻ nỗi khổ cùng cực của người dân thuộc địa chịu ách đô hộ, thống trị của thực dân, phong kiến, Bác kêu gọi mọi người dân phải tích cực học tập văn hóa, sớm xóa nạn mù chữ. Là tỉnh rộng, nhiều ruộng đất Người kêu gọi mọi người phải tích cực tăng gia sản xuất, đồng thời phải thực hành tiết kiệm: “Để trở nên giàu, giàu thì giàu thêm”, “Làmcho đồng bào mình khỏi đói rét, đồng bào khỏi đói rét tức là kháng chiến”. Trong không khí thân tình Bác giao nhiệm vụ cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thanh Hóa: “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu thì phải làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự, phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một nhà kiểu mẫu, một làng kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu... Tôi kêu gọi đồng bào trong tỉnh xắn tay áo làm đi, lần sau về đây, tôi sẽ thấy mỗi người là một người kiểu mẫu”.

Lần thứ hai Bác thăm Thanh Hóa vào ngày 13/6/1957. Đại biểu các tầng lớp phụ lão, công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, tôn giáo, dân tộc ít người nồng nhiệt đón Bác. Trước những tình cảm chân thành, nồng ấm Bác rất vui. Nghe những đóng góp về sức người, sức của, những nỗ lực của quân và dân Thanh Hóa trong kháng chiến chống Pháp nhất là chiến dịch Điện Biên Phủ. Bác ghi nhận và khen ngợi: “Bây giờ, tiếng Việt Nam đến đâu tiếng Điện Biên Phủ đến đó, tiếng Điện Biên Phủ đến đâu đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”. Bác vui mừng về những thành tích Thanh Hóa đạt được trong cải tạo, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển sản xuất. Bác ngợi khen phụ nữ tỉnh Thanh cần cù, đảm đang, thanh niên gương mẫu chống úng, tích cực lao động sản xuất, xóa nạn mù chữ. Đồng thời Bác cũng thẳng thắn nhắc nhở, phê bình về việc chơi bời quá độ, lãng phí trong ngày lễ, tết, không thực hành tiết kiệm: “...chơi quá độ, bừa bãi, không nên. Nếu chơi nhiều thì không tăng gia sản xuất, học tập được”... Bác kêu gọi đoàn kết lương giáo, dân tộc, Nam- Bắc, quân dân... Cuối cùng Bác nhắc nhở tỉnh Thanh Hóa phải xây dựng thành tỉnh kiểu mẫu.

Thăm Thanh Hóa lần thứ ba ngày 17/7/1960 Bác đã gặp gỡ nói chuyện và trực tiếp kéo lưới cùng ngư dân xã Quảng Vinh (Quảng Xương). Bác đi thăm nhà nghỉ Tổng Công đoàn, Trại nuôi dưỡng thương binh, Trại an dưỡng của các cụ miền Nam tập kết ra Bắc. Bác đến thăm và nói chuyện tại Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ VI. Bác muốn giai cấp công nhân phải giúp đỡ giai cấp nông dân, thường xuyên bằng những hành động, việc làm cụ thể nhằm củng cố vững chắc khối liên minh công nông.

Cô An được Bác Hồ thăm hỏi và khen ngợi khi Bác về thăm HTX Yên Trường - Yên Định (Ảnh tư liệu)

Bác về thăm Thanh Hóa lần thứ tư từ ngày 10 đến 12/12/1961. Bác đã làm việc với lãnh đạo tỉnh, thăm Hợp tác xã Yên Trường (Yên Định), Hợp tác xã cơ khí Thành Công lá cờ đầu của ngành thủ công nghiệp miền Bắc. Bác đi thăm phân xưởng sản xuất của Nhà máy cơ khí tỉnh, thăm trường mầm non và một số đơn vị bộ đội. Bác đã động viên, cổ vũ nhân dân cần phải nêu cao tinh thần làm chủ tập thể, coi hợp tác xã là nhà, xã viên là chủ, ra sức thi đua để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tại sân vận động tỉnh, sáng 12/12/1961 Bác đã thân mật nói chuyện với cán bộ và nhân dân trong tỉnh. Bác khen Đảng bộ, nhân dân tỉnh ta có nhiều tiến bộ trong phong trào hợp tác hóa và sản xuất nông nghiệp, trong công tác bổ túc văn hóa. Bác phê bình những thiếu sót, khuyết điểm trong việc quản lý hợp tác xã, trong chăn nuôi và trồng cây gây rừng và cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thủy lợi. Về công nghiệp và thủ công nghiệp chưa đạt mức kế hoạch. Việc vệ sinh phòng bệnh của ngành y tế còn kém. Ngành giao thông vận tải đường sá còn kém, sửa chữa và xây đắp chưa đạt kế hoạch, giao thông miền núi chưa được mở mang... Bác nhắc nhở những việc tỉnh cần phải làm và nhấn mạnh: “Cán bộ, đảng viên và đoàn viên cần phải thật sự xung phong gương mẫu tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm chống quan liêu mệnh lệnh, chống lãng phí tham ô... ra sức phát triển và củng cố tốt Đảng và Đoàn, đoàn kết toàn dân cùng nhau thi đua tiến bộ...”.

Ngoài bốn lần về thăm, làm việc chính thức với tỉnh Thanh Hóa, Bác còn nhiều lần viết thư thăm động viên, khen ngợi cán bộ, nhân dân tỉnh ta trong lao động sản xuất cũng như những thành tích, chiến công trong chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ra miền Bắc, Bác gửi thư ngợi khen đồng bào Thanh Hóa ủng hộ 84 triệu đồng và một số trâu, bò, ruộng đất giúp đỡ bộ đội địa phương vào tháng 6/1950; tặng khen xã Đông Anh (Đông Sơn) đã giúp bộ đội địa phương nhiều nhất: 3.800.000 đồng ngày 15/6/1950; thư khen quân và dân Thanh Hóa đã bắn rơi 100 máy bay Mỹ ngày 12/10/1965; Thư khen Hợp tác xã Đông Phương Hồng xã Thọ Hải, huyện Thọ Xuân thâm canh lúa giỏi ngày 2/3/1966; Ngoài ra Bác còn khen quân dân Hàm Rồng; khen trung đội dân quân gái huyện Hậu Lộc bắn rơi một máy bay phản lực Mỹ; khen trung đội lão dân quân Hoằng Trường bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 2.400 trên miền Bắc; khen dân quân gái xã Thanh Thủy huyện Tĩnh Gia bắn rơi một máy bay Mỹ; thư khen dân quân gái xã Hoằng Hải (Hoằng Hóa), xã Hà Phú và Hà Toại (Hà Trung) bắn rơi máy bay Mỹ. Bác còn nói chuyện với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa vào ngày 30/12/1968. Bác ghi nhận, khẳng định những đóng góp to lớn, thành tích Thanh Hóa đạt được trong chiến đấu bắn rơi 297 máy bay Mỹ, làm tốt nhiệm vụ giao thông vận tải phục vụ tiền tuyến, làm tốt nhiệm vụ phục vụ kháng chiến. Thanh Hóa đã có tiến bộ trong sản xuất. Trong tỉnh có nhiều hợp tác xã giỏi. Ví dụ như hợp tác xã Trung Hòa mỗi năm đạt 6,8 tấn thóc/héc ta trên diện tích hai vụ lúa, ba con lợn trên 1 héc ta gieo trồng và 1 lao động làm 1 héc ta ruộng đất, như hợp tác xã Khoan Hồng đã đạt 6 tấn thóc/ 1 héc ta và mỗi gia đình nuôi 5 con lợn. Bác cũng nhắc nhở, phê bình tại sao những kinh nghiệm tốt, cách làm giỏi đó chưa được các nơi khác học tập, làm theo. Bác chỉ rõ là do các cấp chưa coi trọng việc rút kinh nghiệm và tích cực giúp đỡ, đôn đốc các nơi khác làm theo. Trong sản xuất, Thanh Hóa tiến bộ còn chậm, cần cố gắng tiến lên nhanh hơn. Bác cũng nhắc nhở các đồng chí phụ trách cần đi nhiều xuống cơ sở hơn nữa. Cán bộ phải đi sát sản xuất, đi sát quần chúng và phải thực hiện dân chủ. Bác lưu ý: Các chú cần tự phê bình và phê bình thường xuyên để tiến bộ. Người vào Đảng, vào Đoàn không phải để làm quan mà là để phục vụ nhân dân. Chú ý việc tự phê bình và phê bình để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn nữa. Trước khi kết thúc buổi nói chuyện với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bác nhắc lại trước đây Thanh Hóa đã hứa với Bác trở thành một tỉnh giàu đẹp và kiểu mẫu. Bởi vậy cán bộ và nhân dân Thanh Hóa phải cố gắng nhiều hơn nữa, đảng viên và đoàn viên phải gương mẫu trong mọi việc, cán bộ phải gần gũi nhân dân, nhân dân phải thực sự làm chủ mọi công việc của mình. Bác cũng gửi lời khen các hợp tác xã sản xuất khá như Trung Hòa, Khoan Hồng, Đông Phương Hồng, Thống Nhất, Thắng Lợi... Những tình cảm, những lời chỉ bảo, dặn dò chân tình của Bác càng thể hiện tấm lòng cao cả, vĩ đại của vị Cha già dân tộc đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Thanh Hóa.

Phạm Minh Trị

(còn nữa)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]