(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Những ngày đầu thu tháng Tám, lại có điều gì đó như bâng khuâng thôi thúc ta nhớ về giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc cách đây hơn 70 năm. Thời điểm đó, hơn 20 triệu con người Việt Nam nhất tề đồng lòng đứng lên quyết cởi ách cai trị phong kiến thực dân, giải phóng chính mình. Với Thanh Hóa, vẫn còn đó những di tích, chiến khu, địa danh, hiện vật... được lưu giữ cẩn thận, để nhắc nhớ mỗi người hãy sống vì hôm nay, ngày mai nhưng xin đừng quên đi ngày hôm qua.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bâng khuâng tháng Tám

(VH&ĐS) Những ngày đầu thu tháng Tám, lại có điều gì đó như bâng khuâng thôi thúc ta nhớ về giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc cách đây hơn 70 năm. Thời điểm đó, hơn 20 triệu con người Việt Nam nhất tề đồng lòng đứng lên quyết cởi ách cai trị phong kiến thực dân, giải phóng chính mình. Với Thanh Hóa, vẫn còn đó những di tích, chiến khu, địa danh, hiện vật... được lưu giữ cẩn thận, để nhắc nhớ mỗi người hãy sống vì hôm nay, ngày mai nhưng xin đừng quên đi ngày hôm qua.

Chiến khu Ba Đình (xã Ba Đình, Nga Sơn) năm xưa giờ đã trở thành Di tích lịch sử quốc gia Ba Đình. Tự bao giờ, cái tên Ba Đình đã trở thành địa danh quen thuộc với người dân Việt đến vậy. Ở nơi này, hơn 100 năm về trước, tại đây đã từng diễn ra cuộc khởi nghĩa ghi dấu lịch sử, gắn liền với tên tuổi của những anh hùng, sĩ phu yêu nước.

Từ khởi nghĩa Ba Đình, theo chiều rộng không gian và chiều dài thời gian, nhân dân Thanh Hóa cùng nhân dân cả nước vẫn nhất mực một niềm căm hận cùng quyết tâm cởi ách thống trị thực dân, giành độc lập. Và thời cơ thích hợp đánh đuổi thực dân Pháp, tiêu diệt phát xít Nhật cũng đến.

Vào đầu những năm 1940, Ngọc Trạo trở thành một trong những chiến khu đầu tiên của cả nước được thành lập. Lúc bấy giờ, phong trào cách mạng ở các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa bị kẻ thù uy hiếp mạnh mẽ thì Thạch Thành được xem là căn cứ địa an toàn cho phong trào cách mạng. Trong đó, Ngọc Trạo (xã Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành) được xem là khu vực địa lợi, nhân hòa. Rất nhanh chóng, nơi đây trở thành chiến khu cách mạng, cơ quan ấn loát của Tỉnh ủy cũng được chuyển về nơi này. Tại đây, Báo Tự do và các tài liệu quan trọng của Đảng đã được xuất bản, là vũ khí tuyên truyền sắc bén cổ vũ, động viên tinh thần chống thực dân của nhân dân ta.

Và tên gọi Ngọc Trạo còn gắn liền với Đội du kích Ngọc Trạo - tiền thân của LLVT Thanh Hóa. Bên ánh lửa hồng, cùng cờ Đảng quang vinh, 21 con người đã nhất tâm ý chí sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Trở lại chiến khu Ngọc Trạo ngày nào giờ đây đã trở thành di tích cách mạng được xây dựng khang trang, nơi tôn vinh những con người đã ngã xuống cho sự nghiệp cách mạng, nơi giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Và lưu giữ những kỉ vật thiêng liêng của một thời đại biến động đầy đau thương. Để nhắc nhớ mỗi chúng ta: cái giá của độc lập - tự do là vô giá!

Chiến khu Ngọc Trạo ngày nào giờ đã trở thành di tích cách mạng.

Tôi trở về làng chài ven biển Hanh Cát ngày nào, để nghe lại câu chuyện nuôi giấu cán bộ cách mạng của một người mẹ: mẹ Tơm! Mẹ không còn, làng chài nơi mẹ sinh sống, chở che cho các đồng chí Tố Hữu, Lê Tất Đắc... cũng đã nhiều đổi thay. Nhưng những câu chuyện về mẹ, về cuộc đời và kỉ vật gắn liền với cách mạng của mẹ thì vẫn còn đó, được giữ gìn, trân trọng. Căn nhà mẹ Tơm ở ngày nào giờ cũng đã trở thành di tích, điểm đến tham quan. Đến nơi này, có điều gì đó thật gần gũi, thân quen, cái cảm giác như trở về với những điều quen thuộc, bình lặng.

Gắn với âm vang thành công của Cách mạng Tháng 8 ở Thanh Hóa, còn có những sự kiện, di tích quen thuộc: Hoằng Hóa - địa phương đầu tiên khởi nghĩa giành chính quyền của tỉnh; di tích Cồn Ba cây; đình làng Mao Xá... Ở đâu đó mỗi vùng quê xứ Thanh nơi ta ghé thăm đều mang trong mình những câu chuyện lịch sử gắn liền với cuộc cách mạng. Để mỗi độ thu về, lại thấy lòng bâng khuâng, tự hào!

Vẫn là câu chuyện về cách mạng Tháng 8 nhưng nếu ghé thăm Bảo tàng tỉnh, những hiện vật tại đây sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện theo cách riêng của nó. Nếu nhìn thấy những nắm gạo đã trở màu xám xịt, đóng vón được trân trọng đặt trong chiếc bát, chiếc đĩa nhỏ tại phòng trưng bày hiện vật của Bảo tàng, hẳn bạn sẽ tò mò tự hỏi: tại sao nó lại có mặt ở đây. Đó là những di vật còn sót lại của cuộc khởi nghĩa Ba Đình hơn 100 năm trước đây. Và hơn 100 năm sau, tại khu vực diễn ra cuộc khởi nghĩa, người ta đã tìm thấy chúng. Hình ảnh những hạt gạo lịch sử một lần nữa lại gợi nhắc cho ta nhớ đến một cuộc khởi nghĩa bi tráng. Người ta gọi, đó là những hạt gạo thời gian. Rồi chiếc đấu, chiếc thẻ cho vay nặng lãi của địa chủ phong kiến được lưu lại cũng gợi nhớ về một thời kỳ lầm than của cha ông.

Những ngày thu Tháng 8 lịch sử đang đến gần. Có chút rưng rưng, bâng khuâng xen lẫn tự hào. Lịch sử đã lùi lại phía sau, quá khứ đã khép lại và trang sử mới cho dân tộc Việt Nam vẫn đang được lớp lớp người Việt viết tiếp. Nhưng có ai đó đã nói: dân tộc Việt Nam không bao giờ quên đi quá khứ, chỉ là, chúng ta tạm khép lại quá khứ để hướng đến tươi lai tươi đẹp hơn.

Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]