(vhds.baothanhhoa.vn) - Gần đây, ở một số địa phương trong tỉnh có tình trạng các tổ chức mời người dân đi tham quan, du lịch miễn phí. Điều đáng nói là qua các chuyến du lịch “tri ân” này, các đơn vị đã quảng cáo, mời chào bán các mặt hàng kém chất lượng với giá cao gấp nhiều lần giá thị trường.

“Bẫy” mua hàng kém chất lượng từ các “chuyến du lịch miễn phí”

Gần đây, ở một số địa phương trong tỉnh có tình trạng các tổ chức mời người dân đi tham quan, du lịch miễn phí. Điều đáng nói là qua các chuyến du lịch “tri ân” này, các đơn vị đã quảng cáo, mời chào bán các mặt hàng kém chất lượng với giá cao gấp nhiều lần giá thị trường.

“Bẫy” mua hàng kém chất lượng từ các “chuyến du lịch miễn phí”

Người dân phải bỏ ra hàng triệu đồng để mua sữa sau những chuyến du lịch “miễn phí”.

Đối tượng của các doanh nghiệp, tổ chức này hướng đến là những người trung tuổi, cựu chiến binh với mục đích để tri ân nên dễ lấy sự tin tưởng.

Khi các hội viên tham gia chuyến đi, các đơn vị tổ chức tách ra thành nhiều nhóm rồi tổ chức tiếp cận, chào bán các sản phẩm của công ty. Ngoài những lời quảng cáo về công dụng của sản phẩm, các nhân viên còn có tổ chức “bốc thăm trúng thưởng”, “mua 2 tặng 1”, “du lịch tri ân”…

Những lời chào bán hấp dẫn nhanh chóng “mê hoặc” khiến nhiều người dân không tiếc tiền mua để rồi sau này khi nhận ra bị lừa mua phải hàng giả, kém chất lượng thì không biết phải làm thế nào. Điều đáng nói là các sản phẩm được giới thiệu đều được chào bán với giá đắt gấp 3-5 lần bình thường nhưng chất lượng sản phẩm thì khó ai có thể biết…

Ông Mai Văn Láng, 64 tuồi ở phố Nam Thành, phường Tân Sơn, TP. Thanh Hóa cho biết, tháng 3-2021, một người đại diện xưng là Tập đoàn sữa dinh dưỡng Việt Nam - New Zealand (VNZ Milk) có trụ sở tại xóm Hạnh Phúc, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đã đến phường Tân Sơn trao đổi với Hội Người cao tuổi phường về chương trình tri ân cho các Cựu chiến binh và người cao tuổi trong phường. Họ thuê nhiều xe ô tô 45 chỗ ngồi để chở CCB, người cao tuổi lên tỉnh Hòa Bình tham quan nhà máy sữa của họ. Nhiều người tỏ ra háo hức, bởi họ nghĩ đây là chương trình ý nghĩa, do Hội Người cao tuổi tổ chức. Theo lịch trình, các CCB, người cao tuổi sẽ được giao lưu với các đoàn đại biểu. Tuy nhiên, thực tế không có chương trình giao lưu, thậm chí ghế ngồi cũng không có. Bên trong nhà máy chỉ có dây chuyền đóng hộp, một số loại máy đơn giản bằng inox, không giống một nhà máy sản xuất sữa. Nhân viên nhà máy cũng không có nhiều, bên ngoài chỉ có một vài người đứng tiếp đón, hướng dẫn.

Tại đây, đoàn tham quan được người của công ty chia ra thành nhiều nhóm nhỏ rồi tổ chức tiếp cận chia sẻ các phương pháp kinh doanh, phát triển công ty và kèm theo đó là tổ chức giới thiệu chào bán các sản phẩm sữa của công ty. Theo đó, sản phẩm sữa hồng sâm Ngọc Linh của Công ty được quảng cáo sản xuất từ sâm, nhụy hoa nghệ tây rất tốt cho sức khỏe, chữa được nhiều bệnh. Sản phẩm này được quảng cáo là tốt cho người cao tuổi, nhất là người hay mắc các bệnh về huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, ung thư hay suy giảm chức năng sinh lý; người thường xuyên làm trong môi trường độc hại, có cường độ làm việc cao; người bị suy nhược cơ thể, người mới ốm dậy, có sức đề kháng kém, hay ốm vặt; phụ nữ có nhu cầu trẻ hóa làn da, ngăn ngừa quá trình lão hóa, suy giảm chức năng sinh lý nữ. Giá bán trên thị trường 600.000 đồng/hộp còn ở đây bán cả liệu trình 6 hộp với giá 1,6 triệu đồng, ai không mang tiền theo vẫn có thể mua sản phẩm sau đó có người theo về tận nhà để lấy tiền.

Nghe lời quảng cáo hấp dẫn, ông Mai Văn Láng mua một liệu trình 6 hộp sữa trị giá 1,6 triệu đồng. Sau đó ông nhờ con cháu kiểm tra mã vạch thì không ra công nghệ và giá thành mà chỉ có địa chỉ đóng gói. Các giấy tờ cam kết và thẻ tích điểm mua sữa cho 5 năm tiếp theo đều không có dấu đỏ. Các điều khoản rất mập mờ, không rõ ràng, thông tin về công ty cũng rất hạn chế.

Trước sự bất thường, ông Láng đã điện thoại đến số hotline để phản ánh thì chỉ nhận được lời khất lần, biện bạch thiếu thiện chí. Khác hoàn toàn so với những lời hứa, những lời gọi “bác” xưng “con” tại buổi tọa đàm bán sản phẩm.

“Họ nói hay lắm. Đoàn chúng tôi hơn trăm người, hầu như ai cũng mua. Không có tiền thì vay, thậm chí họ sẵn sàng cho nợ tiền. Người ít cũng một liệu trình 6 hộp giá 1,6 triệu đồng. Nhưng khi phát hiện muốn đổi trả hoặc thắc mắc, khiếu nại thì chẳng mấy ai được đáp ứng”, ông Láng bức xúc cho biết.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Nhung ở xã Thanh Thủy, thị xã Nghi Sơn cho biết: Trong buổi tham quan, ngay từ lúc bước chân lên xe, người của công ty này đã quảng cáo rất hay, nói là sữa có thể hỗ trợ chữa được nhiều bệnh nên tin theo.

Hoạt động của “tour du lịch 0 đồng” thực chất là biến tướng của hình thức kinh doanh, bán các sản phẩm không rõ nguồn gốc với giá cao, không có bảo hành. Đây là một trong những ví dụ rất điển hình của hình thức lừa đảo bán hàng “rởm” thông qua các “tour du lịch 0 đồng”, hội thảo, hội nghị giới thiệu quảng bá sản phẩm. Đối tượng mà những người kinh doanh này hướng đến để lừa bán và thu lại lợi nhuận cao là người lớn tuổi, dễ mất cảnh giác, hạn chế hiểu biết về thông tin các sản phẩm. Dù các phương tiện truyền thông cũng như cơ quan chức năng cảnh báo rất nhiều, nhưng vẫn có nhiều người khi được “rót mật vào tai” vẫn sẵn sàng rút số tiền tiết kiệm mình có để mua sản phẩm không rõ nguồn gốc.

Trước những chiêu trò ngày càng tinh vi của các đối tượng kinh doanh này, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, người dân cần phải nâng cao ý thức cảnh giác, khi có nhu cầu mua các sản phẩm nên đến các đại lý uy tín để mua hàng chính hãng.

Khánh Phương


Khánh Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]