(vhds.baothanhhoa.vn) - Đã thành thường lệ, cứ mỗi độ tết đến xuân về, Bác Hồ đều đi thăm, chúc tết đồng bào các dân tộc, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang. Nhưng từ Tết Đinh Mùi (1967) vì không được khỏe, Bác đề nghị Phó Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay Bác đi thăm, chúc tết đồng bào.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bữa cơm ngày Tết năm Kỷ Dậu của Bác Hồ

Đã thành thường lệ, cứ mỗi độ tết đến xuân về, Bác Hồ đều đi thăm, chúc tết đồng bào các dân tộc, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang. Nhưng từ Tết Đinh Mùi (1967) vì không được khỏe, Bác đề nghị Phó Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng và Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay Bác đi thăm, chúc tết đồng bào.

Bác Hồ đến thăm cán bộ chiến sỹ Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 57 bảo vệ vùng biển Tổ quốc trong lần Người về thăm Thanh Hóa, ngày 18/7/1960 (ảnh tư liệu).

Bỗng dưng đến Tết Kỷ Dậu (1969), có lẽ linh cảm mách bảo đây là cái tết cuối cùng của đời mình nên mặc dù sức khỏe giảm sút nhiều, Bác vẫn đặt ra một chương trình đi thăm và chúc tết rất nhiều nơi. Chương trình Bác đề ra là: Đến thăm một đơn vị thông tin anh hùng ở Ba Vì, thăm trại chăn nuôi của anh hùng Hồ Giáo, thăm một hợp tác xã ở Sơn Tây, thăm trường Nguyễn Văn Trỗi và thu xếp để Bác trồng cây.

Thấy chương trình dày đặc như vậy, đồng chí Vũ Kỳ (thư ký của Bác) và các đồng chí có trách nhiệm ở cơ quan Trung ương lo việc đi thăm tết sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của Bác, nên đã đề nghị Bác hoãn việc này, nhưng Bác không nghe. Các đồng chí đã bàn bạc với nhau, thu gọn lại chương trình đi thăm của Bác. Theo đó sáng mùng 1 Tết Kỷ Dậu Bác đi thăm đơn vị quân đội phòng không - không quân ở Bạch Mai (Hà Nội), sau đó đến Hà Tây để trồng cây trên đồi Vật Lại. Ở đó Bác đã trồng được một cây đa. Cây đa đã sống, phát triển tươi tốt và tỏa bóng trên cả một vùng đồi.

Hôm ấy trồng cây xong thì đã gần trưa, Bác nói với đồng chí Chủ tịch Ủy ban và Bí thư Đảng ủy địa phương: “Thế bây giờ các chú có mời Bác ăn tết không?”

Cả hai đồng chí đều vui vẻ cùng thưa: Thưa Bác chúng cháu đã chuẩn bị, xin kính mời Bác ạ.

Bác trả lời lại: “Nhưng thôi, cảm ơn các chú, Bác không ăn. Chú Kỳ đã lo cơm tết cho Bác rồi, Bác mời Chủ tịch, Bí thư và cô Phó chủ tịch cùng ăn cơm với Bác và đồng chí Nguyễn Lương Bằng ở đây. Chú Kỳ và chú Cẩn sẽ đến ăn cơm với xã. Còn vì sao Bác không ăn cơm của các chú thì chú Kỳ sẽ nói.”

Chuyện mà đồng chí Vũ Kỳ kể lại là: Một lần Bác đi thăm tỉnh Hưng Yên, các đồng chí lãnh đạo tỉnh mời Bác ăn cơm. Bác vui vẻ nhận lời. Bữa cơm ấy các đồng chí ở địa phương sửa soạn tươm tất, rôm rã, có thịt gà, thịt lợn, thịt bò...

Ít lâu sau đó, đồng chí Hoàng Anh, Bộ trưởng Bộ Tài chính lên báo cáo tình hình và công tác tài chính, nhân đó hỏi Bác: “Vừa rồi Bác đến thăm Hưng Yên, địa phương có làm thịt bò mời Bác không mà bản thanh toán tài chính của tỉnh có ghi rõ làm thịt một con bò”?

Nghe đồng chí Hoàng Anh hỏi, Bác bình thản quay sang đồng chí Vũ Kỳ và nói: “Có đấy phải không chú Kỳ nhỉ”. Rồi Bác nói luôn với đồng chí Hoàng Anh: “Đúng đấy, hôm ấy thịt bò làm ngon lắm! Chú nhớ cứ thanh toán cho Bác”.

Từ đấy, mỗi khi về các địa phương làm việc Bác thường ăn những bữa ăn từ cơ quan mang theo, không dự cơm khách, chiêu đãi, tiệc tùng.

Và rồi đến ngày mùng 1 Tết năm ấy (Kỷ Dậu - 1969) cũng không để có ngoại lệ. Dưới tán cây đồi Vật Lại, với chiếc chiếu trải trên đất, Bác Hồ, đồng chí Nguyễn Lương Bằng, cháu Lộc (con đồng chí Nguyễn Hữu Thọ) cùng 3 đồng chí lãnh đạo địa phương đã quây quần ngồi ăn bữa cơm ngày tết rất đầm ấm, vui vẻ.

Bữa cơm dã ngoại ngày tết ấy vẫn có đủ phong vị tết vì có bánh chưng, giò, thịt mỡ, dưa hành và có thêm cả canh nóng được đựng trong phích. Bác đã ăn mỗi thứ một ít, rất ngon lành.

Ăn xong thì đã trưa, trời nắng, đồng chí Vũ Kỳ mang chiếc giường xếp mời Bác nghỉ trưa. Bác nhường giường cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng và cháu Lộc, còn Bác ngã lưng trên chiếc chiếu trãi giữa thảm cỏ dưới tán cây đồi Vật Lại. Nằm vẻn vẹn có 10 phút rồi Bác trở dậy cùng cả đoàn sửa soạn để về nhà sàn - Hà Nội.

Bữa cơm sáng mùng 1 Tết Kỷ Dậu (1969) đến nay (Kỷ Hợi - 2019) đã tròn 50 năm, cái tết cuối cùng của Bác ấm cúng, giản dị, thanh bạch như cả cuộc đời thanh bạch của Bác mà nhà thơ Tố Hữu đã viết:

...

Bác để tình thương cho chúng con

Một đời thanh bạch chẳng vàng son

Mong manh áo vải hồn muôn trượng

Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.

Văn Như Tước


Văn Như Tước

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]