(vhds.baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, việc triển khai đồng bộ các giải pháp phục tráng rừng luồng đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững của huyện Quan Hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Chìa khóa” giảm nghèo ở Quan Hóa

Thời gian qua, việc triển khai đồng bộ các giải pháp phục tráng rừng luồng đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững của huyện Quan Hóa.

“Chìa khóa” giảm nghèo ở Quan Hóa

Phục tráng rừng luồng giúp năng suất, chất lượng của cây trồng được nâng lên góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo ở huyện Quan Hóa.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Với diện tích hơn 27.000 ha, rừng luồng đã trở thành “cứu cánh” cho cuộc sống bà con ở Quan Hóa. Trước đây, việc khai thác bừa bãi và không có sự cải tạo, phục hồi dẫn đến rừng luồng của bà con bị suy thoái, năng suất thấp. Đây cũng là tình trạng chung của các huyện có diện tích rừng luồng trong tỉnh. Ngày 23-2-2012, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 502/QĐ-UBND về việc Quy hoạch vùng thâm canh luồng tập trung tỉnh Thanh Hóa, thời kỳ 2011 - 2020. Quyết định này đã mở ra hướng phát triển rừng luồng bền vững, hiệu quả, góp phần quan trọng trong công tác xóa nghèo bền vững ở các huyện miền Tây xứ Thanh nói chung, Quan Hóa nói riêng. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện huyện gặp rất nhiều khó khăn mà căn nguyên từ nhận thức của người dân. Đặc biệt, việc dọn vệ sinh rừng, đào rãnh xung quanh, bón phân cho cây luồng là quá xa lạ đối với bà con, nên những ngày đầu chưa nhận được sự phối hợp của họ.

Ông Lê Thế Hùng, Chủ tịch UBND xã Nam Tiến, cho biết: “Thời gian đầu, việc phục tráng thâm canh rừng luồng hết sức gian nan. Xưa nay đồng bào chỉ biết đến mùa là chặt luồng bán, chưa biết cách chăm sóc để tái sản xuất. Bên cạnh đó, bà con chủ yếu đào gốc để trồng, không áp dụng cách trồng bằng hom cành luồng. Chúng tôi đã giải thích, nhưng vẫn còn một bộ phận người dân không tin và không thực hiện theo”.

Để thay đổi nhận thức, cũng như cách làm của bà con trong việc trồng và chăm sóc rừng luồng, UBND huyện Quan Hóa đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh xuống thôn, bản phổ biến, tuyên truyền chính sách hỗ trợ phát triển vùng luồng thâm canh; tập huấn kỹ thuật chăm sóc, bón phân phục tráng rừng luồng. Sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đã làm thay đổi rõ nét cách nghĩ, cách làm của đồng bào nơi đây.

Ông Đỗ Phi Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Quan Hóa cho biết: Việc thâm canh, phục tráng rừng luồng nghèo kiệt, bón phân đúng kỹ thuật cho cây luồng đã góp phần làm thay đổi nhận thức tập quán canh tác của người dân, hiệu quả năng suất, chất lượng rừng luồng từng bước được nâng lên. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển vùng luồng thâm canh, rừng luồng được khôi phục, sẽ tạo điều kiện cho người dân nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Gặt hái nhiều

“quả ngọt”

Năm 2016, gia đình ông Hà Văn Đượng, bản Phố Mới, xã Nam Tiến được thụ hưởng chính sách phát triển vùng luồng thâm canh bền vững của tỉnh. Sau 5 năm tham gia chương trình, diện tích rừng luồng của gia đình ông sinh trưởng tốt, cho năng suất và thu nhập cao hơn trước. Ông Đượng cho biết: “Phát cành, dọn vệ sinh, bón phân cho cây luồng, trồng rừng bằng hom cành cây luồng là việc làm quá xa lạ với người dân chúng tôi. Nhưng khi được cán bộ giải thích, gia đình đã hiểu và thực hiện theo đúng hướng dẫn. Hiện nay, hơn 4 ha rừng luồng của gia đình được bón phân nên luồng có tốc độ ra măng sớm, nhiều và khỏe hơn so với diện tích luồng không được chăm sóc. Cây to và thẳng, dóng dài, bán được giá cao hơn so với trước kia”.

Ông Lê Thanh Hùng, Chủ tịch UBND xã Nam Tiến cho biết thêm: Khi rừng luồng được bón phân, hệ số sinh măng tăng gấp 1,5 lần, măng to hơn và gióng dài hơn, giá trị cây luồng đã được nâng lên, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ nguồn thu từ bán luồng, nhiều hộ trong xã xây dựng được nhà kiên cố, cao tầng, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho sinh hoạt, quan tâm đến sự học của con em mình. Khi đời sống được nâng lên, nhiều hộ dân trong xã sẵn sàng góp tiền của, công sức để xây dựng các công trình công cộng thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Từ năm 2016 đến nay, huyện Quan Hóa đã thực hiện phục tráng hơn 4.000 ha rừng luồng, làm mới 15 km đường ô tô lâm nghiệp, tạo thuận lợi cho chăm sóc, khai thác, vận chuyển lâm sản đi tiêu thụ, giảm chi phí nhân công bốc vác thủ công. Hiệu quả của chính sách phát triển vùng luồng thâm canh đã nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và người dân địa phương trong việc quản lý, bảo vệ, phát triển, khai thác bền vững rừng luồng. Cùng với việc phục tráng rừng luồng, huyện Quan Hóa còn chú trọng tới việc trồng luồng theo chuẩn quốc tế FSC - chứng nhận bảo vệ rừng dùng cho các nhà quản lý rừng, đảm bảo tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường rừng với lợi ích của nhà sản xuất, xã hội và người dân địa phương. Hiện nay, trong số hơn 27.000 ha rừng luồng của huyện Quan Hóa đã có trên 2.300 ha tại các xã Thanh Xuân, Phú Xuân, Phú Lệ, Phú Sơn được cấp chứng chỉ FSC. Toàn bộ sản phẩm này được Công ty Cổ phần BWG Mai Châu, tỉnh Hòa Bình thu mua với giá cao hơn rừng trồng thông thường từ 15-20%.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Nho Tự, Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa, cho biết: Cái được lớn nhất trong việc thực hiện phục tráng rừng luồng là làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con. Việc phát cành, vệ sinh, chăm sóc, bón phân cho cây luồng trở thành việc làm thường xuyên của bà con. Trong những năm gần đây tỷ lệ hộ nghèo của huyện Quan Hóa giảm mạnh, hiện tại còn 6,2%; đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên rõ nét, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 của huyện đạt 30,2 triệu đồng. Có được kết quả này, là nhờ một phần từ việc khai thác, chế biến cây luồng mang lại. Để cây luồng tiếp tục trở thành “cây xóa nghèo” thời gian tới, cùng với chính sách của tỉnh, huyện Quan Hóa sẽ bố trí một phần ngân sách để hỗ trợ mở rộng diện tích vùng luồng thâm canh trên địa bàn. Tăng cường quản lý Nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng nói chung, rừng luồng nói riêng. Tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng các cơ sở chế biến luồng trên địa bàn, để có giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ luồng. Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vốn, khoa học - kỹ thuật thâm canh rừng luồng tạo sự liên kết bền vững giữa người dân và doanh nghiệp từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm luồng để tạo thành chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục chú trọng tới việc trồng luồng theo chuẩn quốc tế FSC. Đây được xem là hướng đi đúng đắn để đưa sản phẩm của địa phương đến thị trường khó tính như châu Âu và Bắc Mỹ...

Bài và ảnh: Hải Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]