(vhds.baothanhhoa.vn) - Lúc sinh thời dù bận đến đâu, Bác Hồ vẫn dành thời gian đi công tác thực tế và coi đó là một hoạt động quan trọng để nắm bắt tình hình phục vụ cho việc chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu Nhà nước ‘của dân, do dân, vì dân’. Những chuyến đi của Bác đã đi vào lịch sử, mở ra thời kỳ mới cho sự phát triển của các địa phương, các ngành và vùng miền trong cả nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện Bác Hồ đi công tác

Lúc sinh thời dù bận đến đâu, Bác Hồ vẫn dành thời gian đi công tác thực tế và coi đó là một hoạt động quan trọng để nắm bắt tình hình phục vụ cho việc chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu Nhà nước ‘của dân, do dân, vì dân’. Những chuyến đi của Bác đã đi vào lịch sử, mở ra thời kỳ mới cho sự phát triển của các địa phương, các ngành và vùng miền trong cả nước.

Từ chuyến đi đầu tiên với vai “Cụ đồ nhà quê đi đón giao thừa cùng nhân dân Hà Nội quanh hồ Hoàn Kiếm trong Tết Độc lập năm 1946, chuyến đi thị sát mặt trận Đông Khê năm 1950 cho đến lúc đi xa, dấu chân của Người đã in trên nhiều địa phương của Tổ quốc. Riêng đối với Thanh Hóa, Bác đã có 4 lần vào thăm.

Có lần Bác tâm sự: “Bác đi để thấy cảnh thật, người thật, việc thật, chứ đâu chỉ để thấy cảnh đón tiếp”. Vì vậy các chuyến đi của Bác đều được chuẩn bị rất kỹ và bao giờ Bác cũng nhắc không phải báo trước cho địa phương, cơ sở. Dù Bác đến với nông dân, công nhân hay các chiến sỹ lực lượng vũ trang cũng chỉ có 3 đến 4 cán bộ thật cần thiết đi cùng. Đối với những chuyến đi nghiên cứu theo các chủ đề, Bác chuẩn bị trước nội dung hàng tuần, thậm chí hàng tháng và yêu cầu thêm một cán bộ ngành chủ quản hiểu biết sâu về lĩnh vực đó đi cùng. Đến cơ sở Bác không ngồi ở hội trường nghe báo cáo, mà đi thẳng ra đồng, xuống thẳng phân xưởng sản xuất hoặc thao trường huấn luyện nói chuyện với người lao động, với người chiến sỹ về tâm tư, việc làm, đời sống của từng đối tượng, qua đó hiểu thực chất vấn đề mình quan tâm và biết được thêm kinh nghiệm của họ. Tiếp đó Bác hỏi đến các đồng chí lãnh đạo địa phương và ngành có liên quan về những vấn đề mà Bác đang tìm hiểu. Những điều chưa được rõ Bác hỏi lại rất kỹ thông qua các câu hỏi ngắn gọn, dễ hiểu với thái độ cởi mở, chân tình. Vì vậy người được Bác hỏi không bị rơi vào thế bị động, lúng túng cả khi câu hỏi của Bác vượt ra ngoài sự chuẩn bị từ trước.

Kết quả của những chuyến đi như thế đã giúp Bác có thêm thông tin mới về tình hình chính trị, KT-XH, AN-QP, về những mặt tích cực và hạn chế của chính sách, luật pháp khi đi vào cuộc sống. Từ đó Người chỉ đạo các cơ quan hữu quan điều chỉnh chính sách vĩ mô cho phù hợp thực tế của đời sống. Những chuyến đi này Bác thường cải trang như một nông dân với bộ quần áo nâu, một người lính già mặc bộ quân phục đã bạc màu, một cán bộ đi làm việc với bộ quần áo ka ki cũ và đầu đội mũ cát, hoặc chống gậy như một ông già ở tuổi “xưa nay hiếm” đi thăm con cháu. Cách cải trang của Bác là làm cho nhiều người không nhận ra và kéo tới đông để gặp, để ngắm nhìn Bác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về thực hành đạo đức cách mạng “nói đi đôi với làm”, Người tát nước chống hạn ở cánh đồng Quang Tô, xã Đại Thanh, tỉnh Hà Tây (1958).

Còn mỗi khi đến đâu Người cũng thường không ăn, ngủ lại ở nhà khách và từ chối mọi cuộc chiêu đãi dù to hay nhỏ vì theo Người “Đi công tác thì cốt công việc, nên tránh phiền hà cho địa phương và lãng phí tiền của của nhân dân”. Do đó nếu đi trong ngày thì Bác nhắc bộ phận giúp việc chuẩn bị cơm và thức ăn mang theo. Nếu đi từ 2 ngày trở lên thì chuẩn bị gạo, thức ăn và có người đi để nấu. Cơm và thức ăn mang theo cũng rất đơn giản, thậm chí có khi là cơm nắm hoặc xôi với một hoặc hai món mặn hợp với khẩu vị của Bác. Theo đồng chí Vũ Kỳ kể lại trong một lần Bác về thăm một hợp tác xã nông nghiệp ở tỉnh B, cán bộ địa phương báo cáo với Bác: “Các cụ phụ lão đã làm thịt một con bò để liên hoan mừng Bác về thăm, xin mời Bác ở lại ăn cơm”. Bác vui vẻ nói: “Bác ăn chẳng được bao mà lại làm cả một con bò để đón Bác. Bây giờ đã thịt bò thì cứ mời các cụ ăn cơm, còn Bác và các chú cùng đi đã có cơm mang theo rồi”.

Tết Ất Tỵ 1965 Bác ra thăm và đón tết với đồng bào các dân tộc Quảng Ninh, tỉnh cũng mời Bác ăn cơm tất niên với các đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy. Bác nói với đồng chí Vũ Kỳ trả lời địa phương: “Bác có cơm mang theo rồi. Bí thư và Chủ tịch muốn ăn cùng Bác thì Bác mời”. Sau đó vì nể các đồng chí lãnh đạo tỉnh nên Bác nhận lời mời, nhưng ngồi vào mâm Bác vẫn ăn cơm và thức ăn được chuẩn bị sẵn từ Hà Nội và Bác còn gắp cá kho đem theo mời Bí thư cùng ăn.

Bác rất quý thời gian nên thời gian làm việc ở cơ sở được bố trí rất chặt chẽ và cụ thể để nếu công việc chỉ cần một ngày hoặc một buổi thì làm trọn một ngày hoặc một buổi mà không cần nghỉ lại buổi trưa hoặc qua đêm. Nhưng cũng có trường hợp Bác tranh thủ quỹ thời gian còn lại để làm việc thêm với một địa phương nằm trên đường đi nếu xét thấy điều kiện cho phép.

Các đồng chí giúp việc cho Bác đã kể lại một câu chuyện cảm động rất đáng để cho cán bộ lãnh đạo các cấp suy nghĩ. Năm 1966 khi lên Lạng Sơn làm việc, trên đường trở về Hà Nội Bác và đoàn tùy tùng đi qua Thái Nguyên. Biết Bác đi qua các đồng chí lãnh đạo tỉnh đón và mời Bác vào văn phòng nghỉ. Bác từ chối với lý do: “Bác đi qua dừng chân nghỉ tạm chứ đâu phải đến làm việc với tỉnh”. Trưa đó, mấy Bác cháu trải ni lông lên bãi cỏ ven đường và giở xôi, thịt rim ra ăn để nửa giờ sau Bác cháu lại lên xe về Hà Nội theo đúng chương trình đã định. Một lần khác Bác đi làm việc ở Phúc Yên và chỉ hết buổi sáng, Người yêu cầu “cho xe qua Vĩnh Yêntranh thủ làm việc với địa phương trước khi về Hà Nội”. Măc dù đã đến giờ nghỉ trưa, nhưng Bác không vào Vĩnh Yên ngay mà chọn một quả đồi vắng nghỉ và cùng anh em phục vụ ăn cơm. Ăn xong Bác tìm một gốc cây trải ni lông ngủ một giấc ngon lành và đúng giờ Bác dậy, lên xe đi tiếp để vào Vĩnh Yên làm việc.

Đã 49 năm Bác đi về cõi vĩnh hằng, nhưng những bài học về đi công tác của Bác vẫn còn nguyên tính thời sự với tất cả những giá trị mà Bác để lại cho các cán bộ lãnh đạo ở mọi cấp, mọi ngành.

Văn Như Tước


Văn Như Tước

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]