(vhds.baothanhhoa.vn) - Cùng với Tứ Sơn, 5 trụ cột tăng trưởng và 6 hành lang kinh tế đã được xác định là con đường để đẩy mạnh phát triển KT-XH, cụ thể hóa mục tiêu đến năm 2030 xây dựng Thanh Hoá là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại theo Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Con đường hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng

Cùng với Tứ Sơn, 5 trụ cột tăng trưởng và 6 hành lang kinh tế đã được xác định là con đường để đẩy mạnh phát triển KT-XH, cụ thể hóa mục tiêu đến năm 2030 xây dựng Thanh Hoá là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại theo Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị.

5 trụ cột tăng trưởng

Là tỉnhđứng thứ 5 cả nước về diện tích, thứ 3 về dân số, thứ 8 về quy mô nền kinh tế, Thanh Hóa là một trong số rất ít các địa phương của Việt Nam có cả khu kinh tế biển, nhiều khu công nghiệp, có nhà máy lọc hóa dầu lớn nhất khu vực ASEAN cùng với cảng hàng không, cảng biển nước sâu kết nối trực tiếp với các trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam và thế giới. Với tư duy mới và tầm nhìn mới, để phát triển trở thành cực tăng trưởng ở phía Bắc, Thanh Hóa xác định 5 trụ cột tăng trưởng, gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; Du lịch; Y tế; Nông nghiệp và Phát triển hạ tầng, đô thị. Theo đó, Thanh Hóa sẽ trở thành một trung tâm chế biến - chế tạo mới của đất nước về lọc hóa dầu, sau lọc hóa dầu, công nghiệp may mặc, nông nghiệp công nghệ cao bên cạnh các ngành, lĩnh vực đang phát triển mạnh hiện nay như da dày, dệt kim, thức ăn chăn nuôi và chế biến thực phẩm.

Đây là giải pháp hoàn toàn đúng đắn, khi Thanh Hóa là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, có rất nhiều di tích và danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ, khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, Sầm Sơn - bãi biển đẹp nhất Việt Nam…Thực tế, Thanh Hóa đang dần trở thành một trung tâm du lịch hàng đầu của đất nước, trong đó, chủ yếu là du lịch biển, kết hợp du lịch sinh thái và du lịch văn hóa tâm linh.

Là một thị trường lớn, đầu tàu phát triển mới của miền Bắc và khu vực Bắc Trung bộ, có hạ tầng và nguồn nhân lực y tế chất lượng, Thanh Hóa đã, đang và sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực y tế và hoàn toàn tự tin có thể trở thành một trung tâm y tế chất lượng cao hàng đầu ở Việt Nam. Cùng với đó, tiềm năng để phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Thanh Hóa cũng rất rõ ràng.

Để có thể phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực trụ cột chiến lược, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển KT-XH, Thanh Hóa đặc biệt quan tâm phát triển hạ tầng kỹ thuật, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, tạo sự kết nối giữa các khu kinh tế động lực, các hành lang kinh tế, vùng liên huyện; ưu tiên nguồn lực để đầu tư các dự án trọng điểm về giao thông, đô thị, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cấp thoát nước, ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghệ 4.0. Đây chính là trụ cột chiến lược thứ 5 mà Thanh Hóa ưu tiên kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP để thực hiện được mục tiêu đồng bộ hóa và hiện đại hóa hệ thống hạ tầng.

Với tư duy và tầm nhìn chiến lược, cùng những hành động cụ thể, quyết liệt, Thanh Hóa quyết tâm phấn đấu, đến năm 2030, tổng GRDP đạt 50 tỷ USD, gấp 8,4 lần hiện tại, GRDP bình quân đầu người đạt 11.000 USD, gấp 6,4 lần hiện tại, trở thành một trung tâm kinh tế lớn của khu vực Bắc Trung bộ và hướng tới là của Việt Nam trong vòng 10 đến 15 năm tới.

6 hàng lang kinh tế

Trong nhiệm vụ và các giải pháp phát triển KT-XH nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thanh Hóa quan tâm tới rất nhiều mục tiêu, trong đó chú trọng tới việc phát triển 6 hành lang kinh tế kết nối với thủ đô Hà Nội, các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung bộ và nước bạn Lào, làm cơ sở để quy hoạch và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. 6 hành làng kinh tế, gồm: Hành lang ven biển, kết nối Thanh Hóa với các tỉnh phía Bắc (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định) và tỉnh Nghệ An, với trọng tâm là phát triển dịch vụ, du lịch, kinh tế hàng hải và nghề cá; Hành lang kinh tế Bắc - Nam, kết nối Thanh Hóa với thủ đô Hà Nội, các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ, với trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ; Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh, với trọng tâm là phát triển xa lộ nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông lâm sản; Hành lang kinh tế Đông Bắc, với trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch kết nối Cảng Lạch Sung - Nga Sơn - Bỉm Sơn - Thạch Thành với các tỉnh Tây Bắc thông qua Quốc lộ 217B và Quốc lộ 217; Hành lang kinh tế trung tâm, với trọng tâm là phát triển công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao và phát triển đô thị, kết nối TP Sầm Sơn - TP Thanh Hóa - huyện Thọ Xuân thông qua Đại lộ Nam sông Mã, đường từ TP Thanh Hóa đi Cảng Hàng không Thọ Xuân. Hành lang kinh tế quốc tế, kết nối Cảng biển Nghi Sơn - Cảng Hàng không Thọ Xuân với các tỉnh vùng Tây Bắc và nước bạn Lào, thông qua tuyến đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 15, Quốc lộ 217 và Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo.

Bằng việc xác định rõ 5 trụ cột tăng trưởng và 6 hành lang kinh tế và mục tiêu trở thành một đầu tàu tăng trưởng mới của đất nước cùng với nền móng hiện tại vững chắc, đường hướng tương lai sáng rõ, tinh thần chủ động, sáng tạo, dám thay đổi cả tư duy và hành động, Đảng bộ, nhân dân tỉnh Thanh Hóa quyết tâm đoàn kết, dám nghĩ, dám làm, vì sự nghiệp xây dựng và phát triển quê hương. Vận hội của tỉnh đã đến, con đường phát triển bứt phá đã rộng mở thênh thang. Dưới sự dẫn dắt của Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tinh thần đoàn kết của Đảng bộ và đồng thuận từ các tầng lớp nhân dân, Thanh Hóa sẽ hiện thực hoá khát vọng thịnh vượng, là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại.

Đông Hoàng


Đông Hoàng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]