(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngay sau khi ra đời Đảng bộ tỉnh đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và mục đích tranh đấu của Đảng sâu rộng trong đông đảo quần chúng lao động tạo thành phong trào cách mạng sôi nổi trên nhiều địa phương trong tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đảng bộ Thanh Hóa: 90 năm xây dựng, tranh đấu, thắng lợi vẻ vang

Ngay sau khi ra đời Đảng bộ tỉnh đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và mục đích tranh đấu của Đảng sâu rộng trong đông đảo quần chúng lao động tạo thành phong trào cách mạng sôi nổi trên nhiều địa phương trong tỉnh.

Ở tỉnh Thanh Hóa cũng như trên cả đất nước Việt Nam vào những năm 20 của thế kỷ XX các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các sỹ phu, các lực lượng yêu nước đang chìm trong bế tắc thì may thay, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Bác Hồ của chúng ta đã tìm ra con đường cứu nước kiểu mới. Đó là con đường kết hợp cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng vô sản. Bác nêu rõ: “Muốn cách mệnh thành công thì phải lấy dân chúng (công, nông) làm gốc, phải có Đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mác - Lê nin”. Và rồi chính Bác đã tổ chức thành lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930. Đảng Cộng sản Việt Nam đã giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội và hiệu triệu toàn dân Việt Nam chung lòng đoàn kết đấu tranh.

Ngày 29/7/1930, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa - tổ chức thành viên của Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập trên cơ sở tháp nhập 3 chi bộ Cộng sản đầu tiên trong tỉnh là Chi bộ Hàm Hạ, huyện Đông Sơn, Chi bộ Thiệu Hóa, Chi bộ Thọ Xuân do Xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp chỉ đạo.

Trong kháng chiến chống Pháp, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa huy động hàng triệu lượt dân công, hàng triệu tấn lương thực, thực phẩm để phục vụ các chiến dịch, góp phần quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu)

Ngay sau khi ra đời Đảng bộ tỉnh đã tích cực truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và mục đích tranh đấu của Đảng sâu rộng trong đông đảo quần chúng lao động tạo thành phong trào cách mạng sôi nổi trên nhiều địa phương trong tỉnh. Sự ra đời và phát triển của Đảng bộ cùng với phong trào cách mạng trong tỉnh là thách thức thực sự đối với chế độ thực dân, phong kiến. Vì vậy từ khoảng cuối năm 1930 chúng tập trung lực lượng tiến hành khủng bố, đàn áp khiến cho rất nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng bị bắt bớ, tù đày.

Nhưng cách mạng vẫn tiếp diễn, người trước bị bắt, người sau tiếp tục đấu tranh. Dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Trung Kỳ, Đảng bộ tỉnh đã tích cực tổ chức các phong trào hành động hưởng ứng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ngày 1/5/1931 cờ đỏ búa liềm và truyền đơn Cộng sản xuất hiện, tung bay tại nhiều địa phương trong tỉnh. Quân thù lại điên cuồng khủng bố. Giữa năm, hầu hết cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng lại bị bắt, tù đày. Cũng vào cuối năm 1930 đầu năm 1931 tại Hà Trung và Hoằng Hóa cũng xuất hiện các chi bộ Cộng sản hoạt động độc lập, nhưng bị địch khủng bố, gần hết cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng cũng bị bắt, bị tù.

Từ giữa năm 1931, Đảng bộ Thanh Hóa bị địch khủng bố trắng, phải thành lập lại nhiều lần. Về mặt tổ chức, Đảng bộ tạm thời bị tan rã nhưng mục đích, lý tưởng, mục tiêu chiến đấu của Đảng đã thấm sâu vào trái tim, khối óc của quần chúng. Nhờ đó có những quần chúng tiến bộ đã tự nguyện trở thành đảng viên Cộng sản, tự nguyện hoạt động khôi phục Đảng bộ và chiến đấu vì mục đích, lý tưởng của Đảng.

Ngày 17/3/1934, Tỉnh ủy lâm thời được thành lập, Đảng bộ và phong trào cách mạng được phục hồi và phát triển sâu rộng. Trong những năm 1936 - 1939 thực hiện Nghị quyết 7 (1936) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh các tầng lớp nhân dân Thanh Hóa đã phấn đấu thúc đẩy phong trào cách mạng tiến lên nhanh, mạnh vì mục tiêu dân sinh, dân chủ, chống chủ nghĩa phát xít và nguy cơ chiến tranh thế giới.

Trong những năm 1940 - 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quần chúng cách mạng đã tiến hành cao trào Phản đế cứu quốc, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng tại các làng, xã, thôn, bản và tiến hành phương thức đấu tranh chính trị, kết hợp với đấu tranh vũ trang, thành lập ra Chiến khu Ngọc Trạo trên đất Thạch Thành. Đó là một trong những chiến khu du kích đầu tiên của cả nước. Tuy kẻ thù đã tiến hành khủng bố và đàn áp rất khốc liệt, nhưng đó chính là tiếng chuông báo trước của sự chuẩn bị lực lượng để tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền.

Đúc rút kinh nghiệm của cao trào Phản đế cứu quốc, Đảng bộ tỉnh đã kêu gọi toàn dân tập hợp dưới ngọn cờ của Mặt trận Việt Minh tiến hành công cuộc chống đế quốc Pháp, đuổi phát xít Nhật, xây dựng, phát triển lực lượng, chớp thời cơ khởi nghĩa từng phần ở các làng, xã, đột phá khởi nghĩa giành thắng lợi ở huyện Hoằng Hóa vào ngày 24/7/1945, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân trên phạm vi toàn tỉnh. Vì vậy bắt đầu từ đêm 18/8 cho đến cuối tháng 8/1945 chính quyền cách mạng đã được thiết lập trên khắp địa bàn trong tỉnh. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở Thanh Hóa đã góp phần cùng cả nước mở ra kỷ nguyên Độc lập - Tự do và Chủ nghĩa xã hội.

Để bảo vệ nền độc lập non trẻ, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân tỉnh nhà đã dũng cảm đấu tranh chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, chuẩn bị điều kiện kháng chiến chống đế quốc Pháp.

9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo toàn dân thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: Chiến đấu, bảo vệ và xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh kiểu mẫu, thành hậu phương chiến lược và thực hiện xuất sắc vai trò căn cứ hậu phương kháng chiến.

Trong kháng chiến Thanh Hóa đã tăng cường chi viện cho tiền tuyến 5 vạn rưỡi thanh niên ưu tú tham gia bộ đội và thanh niên xung phong, huy động hàng triệu lượt dân công, hàng triệu tấn lương thực, thực phẩm để phục vụ các chiến dịch. Thanh Hóa cũng đã thực hiện xuất sắc vai trò căn cứ địa của các cơ quan Trung ương, của khu III, khu IV và các binh đoàn bộ đội chủ lực. Vì vậy cả tỉnh đã được Trung ương Đảng và Chính phủ khen thưởng nhiều lần. Kết thúc chiến tranh chống Pháp, Bác Hồ đã có lời khen: “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có phần vinh dự đến đó”. Có 5 cán bộ, chiến sỹ ưu tú được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Tiếp đến thời gian 20 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội và chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, đồng bào các dân tộc trong tỉnh vừa sản xuất vừa chiến đấu, xây dựng, bảo vệ hậu phương, chi viện cao nhất, nhiều nhất sức người, sức của cho các chiến trường A,B,C,K. Để chống chiến tranh phá hoại Thanh Hóa đã bắn rơi và bắn cháy 368 máy bay, bắn chìm và bắn cháy 56 tầu chiến của giặcMỹ. Cả tỉnh đã huy động trên 250.000 thanh niên tham gia bộ đội, thanh niên xung phong đi chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường, huy động hàng chục vạn dân công hỏa tuyến và chi viện cho các chiến trường hàng triệu tấn lương thực, thực phẩm. Từ đó lực lượng vũ trang Thanh Hóa và hàng trăm đơn vị, địa phương trong tỉnh cùng 82 người con ưu tú được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trên 1.400 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước được hòa bình độc lập thống nhất. Cùng với cả nước, Thanh Hóa đã tập trung dồn sức để khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy lùi tình trạng bao vây cấm vận và phá hoại của các thế lực thù địch, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn trở ngại để vững bước tiến lên. Đặc biệt là đã nhanh chóng tiếp cận, hòa nhập và tiến hành công cuộc đổi mới.

Trên chặng đường 35 năm đổi mới, hướng tới mục tiêu thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng bộ cùng với toàn dân đã và đang ra sức đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, củng cố quốc phòng an ninh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh. Bộ mặt của tỉnh đang ngày càng thay đổi theo đà tiến triển chung của các tỉnh bạn. Có những mặt, những chỉ tiêu được xếp vào tốp đầu của cả nước.

Năm 1945 với 56 đảng viên, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân làm cách mạng Tháng Tám thành công. Năm 1954 với 37.000 đảng viên, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân tỉnh nhà cùng với cả nước giành thắng lợi vĩ đại trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1975 với 67.000 đảng viên Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo toàn dân trong tỉnh cùng với đồng bào cả nước làm nên chiến công thần kỳ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Miền Nam thống nhất Tổ quốc. Ngày nay với sức mạnh của gần 23 vạn đảng viên Đảng bộ tỉnh đang phấn chấn, mạnh mẽ tiến lên trên đường đổi mới.

90 năm xây dựng, trưởng thành, biết tiến, biết thắng, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa không ngừng phấn đấu nâng cao phẩm chất cách mạng và năng lực lãnh đạo, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh trên cả 3 mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức, đáp ứng yêu cầu cách mạng qua mọi thời kỳ lịch sử. Điều đó minh chứng rõ ràng, Đảng bộ Thanh Hóa là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng trên quê hương Thanh Hóa anh hùng.

Văn Như Tước


Văn Như Tước

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]